AFP hôm qua đưa tin các công ty phân phối dược phẩm AmerisourceBergen, Cardinal Health và McKesson đã đồng ý trả khoản tiền lên tới 1,18 tỉ USD để giải quyết các khiếu nại của bang New York về vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng nghiện thuốc giảm đau nhóm opioid tại bang này.
Các loại thuốc giảm đau nhóm opioid, bao gồm cả thuốc do bác sĩ kê đơn và những loại thuốc được sản xuất bất hợp pháp như heroin và fentanyl, là một trong những nguyên nhân dẫn đến hơn 500.000 ca tử vong ở Mỹ kể từ năm 2000. Loại thuốc này có tác dụng giảm đau nhanh nhưng dễ gây nghiện và những tác dụng phụ khác.
Ba công ty nói trên bị cáo buộc trục lợi lớn từ việc thúc đẩy các bác sĩ kê đơn các loại thuốc trong nhóm opioid, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng khiến giới chức địa phương phải chi hàng tỉ USD cho các dịch vụ xã hội để đối phó.
Tổng chưởng lý New York, bà Letitia James nói: “Mặc dù không có khoản tiền nào có thể bù đắp cho hàng triệu người bị nghiện, hàng trăm ngàn người chết và vô số cộng đồng bị tàn phá bởi opioid, nhưng số tiền này sẽ rất quan trọng trong việc ngăn chặn bất kỳ sự tàn phá nào trong tương lai”.
|
Việc dàn xếp giúp 3 công ty thoát khỏi vụ kiện tại New York. Khoản tiền sẽ được trả trong 18 năm. Hồi tháng 6, J&J cũng thoát kiện với khoản bồi thường 230 triệu USD.
Theo thỏa thuận dàn xếp khác trên quy mô cả nước, 3 nhà phân phối nói trên và J&J sẽ phải trả 26 tỉ USD để không bị kiện. Trong đó, 3 công ty phân phối trả 21 tỉ USD trong 18 năm còn J&J trả 5 tỉ trong 9 năm, theo AFP. Các công ty chưa xác nhận số tiền này nhưng nếu được chốt, đó sẽ là thỏa thuận dàn xếp đắt đỏ nhất từ trước đến nay trong ngành dược phẩm.
J&J cho biết việc dàn xếp này không phải là sự thừa nhận trách nhiệm hoặc hành vi sai trái, và nếu như không đạt được thỏa thuận cuối cùng, công ty sẽ tiếp tục đứng ra bảo vệ mình trước bất kỳ vụ kiện tụng nào.
Chính quyền bang và địa phương cho rằng các công ty phân phối đã không đưa ra biện pháp kiểm soát thích hợp để tạm ngưng các chuyến hàng thuốc giảm đau với liều lượng quá lớn và dễ gây nghiện đến các hiệu thuốc. Tuy nhiên, các công ty khẳng định rằng họ chỉ đang thực hiện các đơn đặt hàng hợp pháp theo chỉ định của bác sĩ nên kêu gọi không nên đổ lỗi cho công ty vì cuộc khủng hoảng nghiện thuốc và dùng thuốc quá liều của đất nước hiện nay.
Cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn trong đại dịch Covid-19 với hơn 93.000 người chết trong năm 2020 vì dùng thuốc quá liều, đa phần là do dùng thuốc opioid, theo số liệu chính thức vừa được công bố gần đây.
Bình luận (0)