Thoát khỏi ám ảnh liệt mặt sau phẫu thuật tai

01/08/2019 04:31 GMT+7

Các biến chứng liệt mặt, mất giọng nói sau phẫu thuật vùng mặt cổ đã được kiểm soát tối đa với ứng dụng của kỹ thuật mới trong cuộc mổ.

Sợ méo mặt sau phẫu thuật tai

Bệnh nhân (BN) nữ 50 tuổi ở Sóc Sơn (Hà Nội) bị viêm tai giữa xương chũm cholesteatoma, vừa được các bác sĩ của Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng T.Ư (Hà Nội) phẫu thuật điều trị sáng 30.7 với kết quả tốt. Trước lần phẫu thuật này, BN đã nhiều năm chung sống với viêm tai giữa.
Các bác sĩ cho biết viêm tai giữa xương chũm cholesteatoma là loại bệnh tích đặc biệt trong bệnh cảnh của viêm tai giữa mạn tính, khối này phát triển như một u bọc, có khả năng chế tiết các men gây ra hiện tượng ăn mòn và phá hủy các thành phần của tai giữa.
Theo PGS-TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc BV Tai Mũi Họng T.Ư, với các bác sĩ thực hiện phẫu thuật tai, việc tránh gây tổn thương dây thần kinh số 7 là tối quan trọng bởi dây thần kinh này chạy một đoạn dài trong tai đòi hỏi phải kiểm soát tốt trong suốt cuộc mổ, đồng thời với xử trí triệt để tình trạng bệnh lý.
Dây thần kinh 7 điều khiển các cơ mặt, nếu bị tổn thương có thể khiến BN bị liệt một bên mặt, lệch méo mặt. Nguy cơ gây tổn thương dây thần kinh 7 cao hơn trong các trường hợp BN phải mổ lại vì tình trạng bệnh lý có thể thay đổi giải phẫu cũng như làm bất thường dây thần kinh, bác sĩ khó nhận biết trong cuộc mổ. Trước đây, các BN trì hoãn mổ một phần cũng do e ngại về các tai biến không mong muốn.

Ám ảnh dây thần kinh quặt ngược

BN nam Lê Văn L. (40 tuổi, ở Q.Tây Hồ, Hà Nội) có biểu hiện khó chịu vùng cổ nhiều tháng qua nhưng gần đây mới đến khám. Tại BV Tai Mũi Họng T.Ư, qua thăm khám và kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, BN được chẩn đoán có u tuyến giáp theo dõi ung thư, có chỉ định phẫu thuật. BN được phẫu thuật thành công với sự hỗ trợ của hệ thống máy dò thần kinh.
“Với các BN phẫu thuật vùng cổ như phẫu thuật tuyến giáp nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây tổn thương dây thần kinh quặt ngược. Tổn thương này có thể khiến BN mất đi giọng nói. Việc này gần như gây tàn phế thậm chí để lại hậu quả nặng nề với BN là ca sĩ, giáo viên...”, PGS Phạm Tuấn Cảnh lưu ý.
Các phẫu thuật viên đánh giá, nếu tổn thương cả đôi dây thần kinh quặt ngược, BN có thể bị khó thở, khó nói, do đó đây là vấn đề mà các bác sĩ luôn phải bận tâm. Nhưng với BN ung thư phải nạo vét hạch di căn hoặc phẫu thuật khối u ác tính đã xâm lấn rộng ở vùng cổ (như ung thư tuyến giáp), việc xác định vị trí dây thần kinh quặt ngược trở nên khó khăn hơn do đã bị thay đổi về phẫu tích, kèm theo đó là tăng nguy cơ gây tổn thương dây thần kinh này.
PGS-TS Phạm Tuấn Cảnh cho biết, vùng mặt cổ có 12 đôi dây thần kinh chức năng, trong đó dây thần kinh số 7 và dây thần kinh quặt ngược luôn là nỗi “ám ảnh” với các phẫu thuật viên, bởi chúng sẽ gây các tai biến nặng nề cho BN nếu bị tổn thương trong cuộc mổ. Với kinh nghiệm của các bác sĩ và mới đây nhất là đưa vào ứng dụng máy dò thần kinh, các ca phẫu thuật vùng mặt cổ như mổ tai, mổ tuyến giáp giờ đây có thể nhanh hơn, chuẩn xác hơn.
“Thiết bị này giúp nhận biết, định vị và “báo động” khi đường mổ đi đến gần các dây thần kinh quan trọng, nhờ đó bác sĩ thao tác chính xác mà không gây tổn thương dây thần kinh chức năng. Cuộc mổ an toàn, kiểm soát tối đa các tai biến không mong muốn luôn là nỗ lực của các bác sĩ phẫu thuật”, PGS Phạm Tuấn Cảnh chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.