Thổi lửa Hoàng Sa vào thế hệ trẻ

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
19/01/2020 08:02 GMT+7

Những dòng lưu bút, những phát biểu đầy cảm xúc của các bạn trẻ để lại sau mỗi buổi tham quan Nhà Trưng bày Hoàng Sa (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) thắp sáng niềm hy vọng về công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa.

Đưa học sinh đến nhà trưng bày

Chiều cuối năm, ngọn cờ Tổ quốc tung bay trên chiếc tàu cá ĐNa 90152 TS bị Trung Quốc đâm chìm - hiện vật trưng bày tại Nhà Trưng bày (NTB) Hoàng Sa. Sau giây phút cúi mình trước anh linh các chiến sĩ, Phó giám đốc NTB Hoàng Sa, ông Lê Tiến Công nói với chúng tôi rằng tín hiệu đáng mừng nhất của năm qua chính là việc lượng khách, trong đó các đoàn học sinh, sinh viên (HS-SV) đến với NTB Hoàng Sa đã tăng lên khoảng 1/3. Năm 2018, NTB đón 20.000 lượt khách với hơn 400 đoàn. Năm 2019, NTB đón gần 30.000 lượt khách với 500 đoàn, trong đó khoảng 50% lượng khách là HS-SV.
“Để có được con số này, chúng tôi đã nỗ lực tuyên truyền cũng như phối hợp với các trường học trên địa bàn đưa HS đến NBT. Đặc biệt, vào những tháng cao điểm như Tháng Thanh niên, NTB đón đến 4.000 lượt. Số các bạn trẻ đến thăm NTB Hoàng Sa với nhiều thành phần, trong đó, HS cấp 2, cấp 3 là những đối tượng có khả năng nhận thức tốt đến rất đông”, ông Công nói và cho biết thêm ông phấn khởi nhất là nhận thức của các em HS sau mỗi lần tham quan đã được nâng lên.
Lần giở cuốn sổ lưu bút, chúng tôi ấn tượng với những dòng chữ của Trần Gia Minh, đại diện lớp 11A5, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM): “Cha ông ta đã có câu Tấc đất tấc vàng, câu nói ấy chưa bao giờ hết tính thời sự cũng như đúng đắn. Và qua chuyến tham quan Bảo tàng Hoàng Sa, tập thể lớp 11A5 ngày càng hiểu rõ và thêm thông cảm, yêu thương với người dân đã và đang phải chiến đấu vì chủ quyền Tổ quốc. Chúng em xin hứa sẽ làm hết sức có thể và luôn quán triệt tư tưởng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, Minh viết.
Những nét chữ thơ ngây của Đinh Thị Minh Hân, HS lớp 7/4, Trường THCS Nguyễn Thị Định (TP.Đà Nẵng) lại chạm đến cảm xúc của người đọc: “Em rất xúc động và nghẹn ngào khi thấy những chiến sĩ hy sinh thân mình để bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu của Việt Nam. Các thầy cô đã cho em biết rất nhiều điều hay và thú vị. Em sẽ cố gắng cùng các bạn tuyên truyền để mọi người trên thế giới đều biết rằng Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu là của đất nước Việt Nam”.

Nuôi dưỡng ngọn lửa yêu nước của các thế hệ trẻ

Không chỉ các trường học mà nhiều trung tâm giáo dục cũng thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa đưa HS đến với NTB Hoàng Sa mỗi dịp cuối tuần. Sau buổi tham quan, em Nguyễn Ngọc Khương Duy (10 tuổi, thuộc Giáo dục quốc tế iYes) cho biết rất vui vì được tìm hiểu những thông tin lịch sử bổ ích: “Con rút ra được một điều là Hoàng Sa không phải của Trung Quốc mà là của Việt Nam. Minh chứng là những di tích đã nói lên sự việc đó”. Còn Nguyễn Đức Nam (9 tuổi) khẳng định: “Hoàng Sa là của Việt Nam. Trung Quốc không được lấn chiếm nó. Con sẽ học thật giỏi để sau này cùng các chú giành lại Hoàng Sa”.
Bà Bùi Thiên Trang, Giám đốc Giáo dục quốc tế iYes (TP.Đà Nẵng) chia sẻ trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, thế hệ trẻ cần có kiến thức, có sự am hiểu về lịch sử một phần lãnh thổ bị cưỡng chiếm. Thông qua đó, công cụ ngoại ngữ mới phát huy được hết tác dụng trong cuộc đấu tranh quốc tế giành lại Hoàng Sa. “Đó là lý do mà mỗi học viên của Giáo dục quốc tế iYes ít nhất phải 1 lần đến NTB Hoàng Sa. Và chúng tôi đã và đang cố gắng duy trì việc này từ 2 năm nay để nuôi dưỡng ngọn lửa yêu nước của các thế hệ trẻ”, bà Trang nói.
Ông Lê Tiến Công cho hay vì tính đặc thù, NTB Hoàng Sa chỉ trưng bày tài liệu đa số bản sao, viết bằng chữ Hán, khiến mức độ hấp dẫn đối với HS chưa cao. “Cho nên công tác thuyết minh, trình bày rất được quan tâm. Do đó, với đoàn HS sẽ cung cấp lượng thông tin có trọng tâm, vừa phải, xen vào đó là những câu hỏi và trò chơi, đưa các em vào phòng họp chiếu phim về Hoàng Sa. Đã có những buổi kết nạp Đoàn, Đội tại NTB Hoàng Sa”, ông Công nói.
Cũng theo ông Công, để đa dạng hóa hoạt động giáo dục chủ quyền biển đảo, năm 2020, NTB sẽ tổ chức một cuộc thi với chủ đề Hoàng Sa biển đảo quê hương tại 6 trường THPT thuộc 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Bên cạnh đó, NTB dự kiến cung cấp tài liệu và triển lãm tại 6 trường này để các HS tiếp cận thông tin. “Kết quả có được không phải là kết quả cuối cùng mà quá trình làm sẽ lan tỏa thông tin về Hoàng Sa tại các trường. Sau đó, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc thi chung kết tại một địa điểm thích hợp”, ông Công thông tin.

Thêm nhiều tư liệu thể hiện bằng chứng chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa

Chiều 18.1, tại NTB Hoàng Sa, UBND H.Hoàng Sa tổ chức lễ “Tiếp nhận tư liệu, hiện vật và phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa”.
Theo đó, có 6 bộ tư liệu, hiện vật đã được trao tặng trong đợt này. Đáng chú ý, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước trao tặng 19 châu bản triều Nguyễn về việc xác lập và thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có một châu bản lần đầu công bố, là bản tấu của Bộ Hộ ngày 22.12 năm Tự Đức 22 (1869) về việc Tỉnh thần Quảng Nam tư trình căn cứ lời bẩm của Tấn thủ Đà Nẵng Nguyễn Văn Tư trích tiền gạo cấp phát cứu tế cho 540 người tỉnh Phúc Kiến nước Thanh trên một chiếc thuyền sam bị nạn trôi dạt đến Vạn lý Trường Sa thuộc Đại Nam (Việt Nam).
Từ 2016 đến nay, UBND H.Hoàng Sa đã tiếp nhận 212 hiện vật, tư liệu có giá trị lịch sử, pháp lý cao từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sưu tầm, hiến tặng.
N.Tú 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.