Thói quen ăn vội vàng và những ảnh hưởng đến sức khỏe

Thảo Phương
Thảo Phương
21/06/2024 08:29 GMT+7

Cuộc sống bận rộn, không ít người trẻ thường ăn uống một cách vội vàng mà không biết rằng thói quen này có thể gây hại cho sức khỏe.

Có thói quen ăn nhanh từ những năm còn học THPT, Nguyễn Huỳnh Anh, sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, kể: "Năm lớp 12, thời điểm ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp nên thời gian quý như vàng. Nhà mình cách trường 7 km, có hôm học cả ngày, trưa chỉ kịp về ăn cơm xong là đi học tiếp. Tối cũng vậy, sau khi tan học môn này là mình chuyển sang chỗ khác để học môn tiếp theo. Vậy nên nếu không ăn nhanh thì trễ giờ học, còn nhịn thì đói học cũng chẳng vô".

Đến khi là sinh viên, thói quen ấy của Huỳnh Anh vẫn được duy trì, chàng trai này luôn là người đầu tiên rời khỏi bàn ăn. "Ăn nhanh riết cũng thành thói quen, mỗi bữa dùng cơm của mình chắc chưa tới 10 phút. Mình thấy như vậy cũng tốt, vì nếu đi cùng nhiều người mà ăn chậm rồi bắt họ ngồi đợi cũng kỳ", Huỳnh Anh nói.

Thói quen ăn vội vàng và những ảnh hưởng đến sức khỏe- Ảnh 1.

Nhiều người trẻ có thói quen ăn nhanh để tiết kiệm thời gian

THẢO PHƯƠNG

Khi được hỏi có biết về những tác hại của thói quen ăn nhanh, Huỳnh Anh thản nhiên nói: "Bỏ bữa, nhịn đói mới lo ảnh hưởng đến sức khỏe chứ mình vẫn ăn ngày 3 bữa thì lo gì".

Thực tế không ít người trẻ vẫn chưa ý thức được hậu quả của việc ăn uống vội vàng. "Chỗ mình làm nghỉ trưa được 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Nếu mình ăn chậm thì không còn thời gian ngủ trưa, vì vậy phải tranh thủ ăn nhanh để còn ngủ, chiều làm tiếp. Trưa nào không được ngủ là chiều ngáp ngắn ngáp dài, không tỉnh táo. Mặc dù mình để ý mỗi lần ăn vội vàng, nhai không kỹ là bị đầy bụng nhưng thấy cũng không đến nỗi nào nên thôi kệ", Nguyễn Thị Hồng Duyên (23 tuổi), nhân viên truyền thông của một công ty trên đường Lý Thường Kiệt (Q.10, TP.HCM), chia sẻ.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Hồ Ngọc Lợi, giảng viên Trường ĐH Y - dược TP.HCM, nếu bữa ăn kéo dài dưới 15 phút thì có thể ảnh hưởng đến một số vấn đề về sức khỏe.

"Hành động nhai giúp nghiền nhỏ thức ăn, có đủ thời gian để các enzym từ tuyến nước bọt hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa. Do đó, nếu thức ăn không được nhai kỹ sẽ làm dạ dày tốn nhiều thời gian hơn để tiêu hóa, có thể gây đầy hơi, co thắt tạo nên cơn đau cấp tính. Thức ăn to, thô khi ăn nhanh sẽ dễ gây tình trạng mắc nghẹn hoặc khi có mảnh xương dễ gây tổn thương tại vị trí thực quản", bác sĩ Lợi thông tin.

Theo bác sĩ Lợi, thời gian ăn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: độ tuổi, công việc, thói quen, lượng thức ăn của từng bữa… Vì vậy, không có khuyến cáo cụ thể về con số chính xác thời gian chuẩn cho mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo thức ăn không bị biến chất, nguội lạnh, hư hỏng cũng như tốc độ nhai phù hợp để hệ tiêu hóa làm việc thì bữa ăn nên kéo dài trong khoảng từ 20 - 30 phút là hợp lý.

Bác sĩ Lợi cho biết: "Khi ăn chậm, nhai kỹ thì dạ dày có đủ thời gian giúp cơ thể chuẩn bị tốt nhất cho quá trình tiêu hóa. Dạ dày cũng dễ dàng tiêu hóa các thức ăn đã được nhai kỹ và hòa trộn đầy đủ các loại enzim cần thiết".

"Mỗi người cần tập luyện từ hành động nhai kỹ trước khi nuốt, vì đó là việc quan trọng để tiêu hóa tốt nhất và giúp tạo nên thời gian thích hợp cho một bữa ăn. Ngoài ra, cần tạo không khí thoải mái khi ăn uống, sắp xếp công việc hợp lý để không bị áp lực về thời gian trong lúc ăn, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình tiêu hóa và tốc độ ăn", bác sĩ Lợi khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.