25.480 lao động nước ngoài chưa trở lại Việt Nam do dịch Covid-19

Thu Hằng
Thu Hằng
21/03/2020 09:23 GMT+7

Do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19 , đến thời điểm này, có 25.480 lao động nước ngoài chưa quay trở lại Việt Nam làm việc. Trong số này, lao động Trung Quốc chiếm tới 75%.

Theo báo cáo cập nhật tình hình lao động nước ngoài tại Việt Nam của Bộ LĐ-TB-XH, tính đến ngày 20.3, cả nước có trên 68.500 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.
Số lao động người nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam chiếm 72,9% tổng số lao động đã được cấp giấy phép lao động. Trong số đó, có 15.310 lao động Trung Quốc, 23.581 lao động Hàn Quốc và 29.630 lao động đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Đến nay, có 25.480 lao động nước ngoài chưa quay trở lại Việt Nam làm việc, trong đó có 19.113 lao động Trung Quốc (chiếm 75%), 3.766 lao động Hàn Quốc (chiếm 14,8%) và 2.600 lao động đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác (chiếm 10,2%).
Theo Bộ LĐ-TB-XH, lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam chủ yếu là các chuyên gia, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có kinh nghiệm quản lý, đã và đang điều hành các doanh nghiệp.
Trước tình hình dịch Covid-19, Bộ LĐ-TB-XH đã chỉ đạo việc xây dựng phương án tiếp nhận lao động là người Trung Quốc quay trở lại Việt Nam làm việc theo hướng chọn lọc, trình tự chặt chẽ.
Đặc biệt, công tác tiếp nhận sẽ có lộ trình đối với một số chuyên gia, lao động tại một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của công việc.Tất cả các trường hợp lao động quay trở lại làm việc đều phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về việc kiểm tra sức khỏe, cách ly…
Do dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam là nước có nguy cơ rất lớn lây lan dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam trong 30 ngày, từ 0 giờ ngày 18.3.
Tuy nhiên, với các trường hợp đặc biệt được miễn thị thực như: chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao... khi nhập cảnh phải có giấy xác nhận không dương tính với virus SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19) do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp và giấy này được Việt Nam chấp thuận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.