An dân để chống dịch: TP.HCM mở rộng lưới an sinh xã hội

Để thực hiện mục tiêu 'không bỏ ai lại phía sau', 'không để người dân nào đói', TP.HCM tạo ra một lưới an sinh xã hội để 'đón' cho hết những người khó khăn mà chính sách hỗ trợ chưa thể đến kịp.

19 tỉnh, thành phía nam tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Một trong những nhiệm vụ then chốt nhất là tập trung hỗ trợ lao động tự do, đặc biệt là người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, công nhân... nhằm đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, giúp người dân yên tâm lo phòng chống dịch bệnh. Để thực hiện mục tiêu “không bỏ ai lại phía sau”, “không để người dân nào đói”, TP.HCM tạo ra một lưới an sinh xã hội để “đón” cho hết những người khó khăn mà chính sách hỗ trợ chưa thể đến kịp.

Phải tiếp cận, giải quyết kịp thời

Tại hội nghị trực tuyến Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM mở rộng vào tối 31.7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đặc biệt nhấn mạnh công tác hỗ trợ người nghèo cần được quan tâm đặc biệt, tránh để sót, không được kéo dài và cố gắng tiếp sức kịp thời bằng kinh nghiệm, cách làm của mỗi địa phương.
Phát cơm miễn phí hỗ trợ người khó khăn tại Q.Gò Vấp Ảnh: Vũ Phượng

Phát cơm miễn phí hỗ trợ người khó khăn tại Q.Gò Vấp

ẢNH: VŨ PHƯỢNG

Ông yêu cầu quá trình thực hiện công tác này không được chủ quan, tinh thần là sẵn sàng đón nhận hỗ trợ của các địa phương để chăm lo cho người nghèo. Các địa phương phải tiếp tục rà soát, thống kê người dân ở các tỉnh đang sinh sống ở TP.HCM để có biện pháp hỗ trợ, chia sẻ, tạo điều kiện giúp người dân yên tâm ở lại; nếu người dân muốn về quê thì có kế hoạch, lập danh sách cụ thể và phối hợp để các địa phương đón về. TP.HCM sẵn sàng lo cho mọi người dân nhưng người dân cần hợp tác, không đi lại tự phát gây nguy cơ lây nhiễm cho các tỉnh.
Ban hành kế hoạch tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo tinh thần Chỉ thị 16, để người dân yên tâm “ai ở đâu ở đấy”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo các sở ngành, quận, huyện và TP.Thủ Đức tổ chức đảm bảo cung cấp, hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn nguồn dự trữ, nhất là người dân tại khu phong tỏa. “Không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân, nhất là người dân trong khu phong tỏa”, ông Phong đặc biệt lưu ý.

2.000 cuộc gọi nhờ hỗ trợ

Chiều qua 1.8, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM cho biết tính đến tối 31.7, Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã tiếp nhận số tiền hơn 2.143 tỉ đồng. Trong đó, thu tiền mặt hơn 858 tỉ đồng; hàng hóa, nông sản, thực phẩm của các tỉnh gửi về hỗ trợ TP.HCM ước tính gần 300.000 tấn; tiếp nhận trang thiết bị, vật dụng y tế trị giá hơn 1.106 tỉ đồng. Đến nay đã phân phối tiền, hàng trị giá hơn 1.956 tỉ đồng.

Tổng đài 1022 tiếp nhận đề nghị hỗ trợ

Liên đoàn Lao động TP.HCM cũng cho hay đã đề nghị các cấp công đoàn trực thuộc triển khai việc thông tin đoàn viên, công nhân, người lao động khi gặp các vấn đề khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thể gọi đến Tổng đài 1022 và nhấn phím số 2 để cung cấp thông tin đề nghị được hỗ trợ. Sau khi tiếp nhận, Tổng đài 1022 sẽ chuyển nhu cầu, thông tin người dân đến UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức, Sở LĐ-TB-XH TP để xử lý, hỗ trợ trong thời gian nhanh nhất.
Ủy ban cũng cho hay đơn vị sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; chăm lo và giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Kế hoạch này giúp tạo ra một “lưới an sinh xã hội” để làm sao “đón” cho hết những người khó khăn mà chính sách hỗ trợ chưa thể đến kịp.
Cụ thể hóa nhiệm vụ này, hệ thống mặt trận của TP.HCM đã công bố các đường dây nóng, thành lập các tổ phản ứng nhanh để tiếp nhận và xử lý thông tin người dân phản ánh các vấn đề liên quan chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội... Sau 20 ngày, hệ thống mặt trận đã tiếp nhận hơn 2.000 cuộc gọi phản ánh khó khăn về chính sách hỗ trợ hoặc yêu cầu hỗ trợ nhu yếu phẩm.
Ủy ban MTTQ VN TP.HCM cũng cho hay đối với các cuộc gọi đề nghị hỗ trợ chăm lo an sinh xã hội, sẽ xác minh thông tin và kịp thời hỗ trợ ngay. Những trường hợp đặc biệt như nhà neo đơn, bệnh đau, nhà có con nhỏ... được theo dõi và định kỳ hỗ trợ.

Hỗ trợ lao động tự do không đăng ký tạm trú

Liên quan đến gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/2021 của Chính phủ và Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM báo cáo đã hỗ trợ 100% cho 6 nhóm ngành nghề lao động tự do (như bán vé số, hàng rong, làm thuê tại các cơ sở kinh doanh bị ngừng hoạt động...), với tổng số khoảng 250.000 người, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cũng đề nghị UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức cho ý kiến việc các địa phương sẽ đề xuất cụ thể 5 nhóm công việc lao động tự do hiện đang gặp khó khăn, cấp bách nhất (chưa được hỗ trợ) để TP.HCM hỗ trợ mức 1,5 triệu đồng/người. Còn những nhóm công việc lao động tự do còn lại thì sẽ do các quận, huyện và TP.Thủ Đức chủ động sử dụng Quỹ Vì người nghèo hay vận động các nguồn hợp pháp để hỗ trợ. Đồng thời, mức hỗ trợ sẽ không thấp hơn 1 triệu đồng/người.

Gõ cửa từng nhà tìm người cần trợ giúp

Trước tình hình nhiều người dân trên địa bàn phản ánh về những khó khăn trong cuộc sống khi thực hiện giãn cách xã hội, Bộ Tư lệnh TP.HCM đã chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện, TP.Thủ Đức chủ trì phối hợp thực hiện quyết liệt “đi từng ngõ, gõ từng nhà” rà soát tất cả các phòng trọ, nhà trọ trên địa bàn và thống kê số công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên... bị “mắc kẹt” chưa kịp về quê, gặp khó khăn cần quan tâm chăm lo, báo cáo để tổng hợp đề xuất Bộ Tư lệnh hỗ trợ kịp thời.
Theo đó, đơn vị nào làm chậm, sót đối tượng, để người dân trên địa bàn tiếp tục phản ánh với lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM, sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Việc áp dụng điều kiện lao động tự do để nhận hỗ trợ cần có “cư trú hợp pháp tại địa phương” (thường trú, hoặc tạm trú được cơ quan công an xác nhận) trong thời gian qua nhận được nhiều phản hồi của người dân, nhất là phản hồi rằng người thuê trọ đã đưa thông tin cho chủ trọ khi đăng ký ở trọ, còn việc đăng ký tạm trú hay không thì người thuê trọ không xác định được... Về vấn đề này, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề xuất đối với những trường hợp lao động tự do chưa đăng ký tạm trú theo quy định, thì các quận, huyện và TP.Thủ Đức rà soát, hỗ trợ từ các nguồn vận động hợp pháp của cơ sở để chia sẻ khó khăn với người lao động.
Ông Tấn nói: “Dù việc hỗ trợ lao động tự do từ ngân sách TP.HCM hay từ nguồn vận động doanh nghiệp, Quỹ Vì người nghèo... thì đều có giá trị như nhau trong lúc này. Quan điểm của Sở là không để người lao động khốn khổ, thiếu ăn, thiếu mặc”.

Lần cuối giải quyết ùn ứ ở cửa ngõ Bình Phước do người dân về quê tự phát

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.