Như Thanh Niên đã đưa tin, từ chiều 29.4, hàng ngàn người ồ ạt rời các thành phố lớn khiến nhiều con đường kẹt cứng. Một trong những con đường kẹt xe kinh hoàng nhất là đoạn qua đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng).
Tại Đà Lạt, du khách quá đông đến nỗi Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký công điện hỏa tốc nêu rõ: “UBND tỉnh mong người dân Lâm Đồng (đặc biệt là người dân TP.Đà Lạt) trong dịp này thông cảm và chia sẻ bằng cách sử dụng các phương tiện xe 2 bánh, hạn chế sử dụng xe ô tô cá nhân khi chưa thật sự cần thiết trong những ngày lễ để ưu tiên không gian lưu thông cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương có một kỳ nghỉ vui vẻ, thoải mái, hài lòng...”.
Ngày 2.5, nhiều du khách đã rời TP.Đà Lạt sớm và phần lớn trong số họ cho rằng do lo sợ kẹt xe. Bắt đầu từ 15 giờ ngày 2.5, QL20, đặc biệt là đoạn qua trung tâm TP.Bảo Lộc và đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) ùn ứ nghiêm trọng; hàng ngàn phương tiện nối đuôi nhau nhích từng chút kéo dài suốt 10 km đường đèo.
Trong khi đó, tại QL51, từ đầu giờ chiều 2.5, lượng xe từ Bà Rịa - Vũng Tàu đổ về hướng Đồng Nai rất đông gây nên tình trạng ùn tắc ở Trạm thu phí T2 (H.Long Thành), khiến chủ đầu tư BOT phải xả trạm trong 1 giờ 30 phút...
Đây chỉ là vài lát cắt về giao thông trong dịp lễ vừa qua.
Lấn làn, lấn tuyến là nguyên nhân gây kẹt xe
Rất nhiều bạn đọc (BĐ) là nạn nhân của những vụ kẹt xe trầm trọng cho rằng “lấn làn, lấn tuyến” là nguyên nhân. BĐ Nguyễn Định Hiệp chỉ rõ: “Kẹt xe là do ý thức, do các tài xế lấn tuyến”, và cho rằng CSGT đã phải rất vất vả để xử lý vấn đề này. Nói về việc lấn làn, lấn tuyến, BĐ NVH thẳng thắn: “Không lấn làn vượt ẩu không phải tài xế Việt Nam”.
Cùng quan điểm, BĐ PAUL LỮ bức xúc cho rằng: “Chỉ có áp dụng phạt thật nặng việc lấn làn, chạy ẩu thì mới làm cho ý thức tham gia giao thông cao lên thôi!”.
Trong khi đó, BĐ Thọ lại cho rằng: “Theo tôi, cái chính vẫn là chúng ta không lường hết được việc lượng khách du lịch năm nay quá đông. Mọi năm vào các dịp lễ khách đã đông, năm nay theo tôi còn đông hơn nữa. Do vậy mới dẫn đến kẹt xe kinh hoàng, và các điểm đến thì “đông như kiến” khiến du lịch trở thành “hành xác”.
Một vài góp ý về giao thông
Góp ý về làn, tuyến, BĐ Tri chia sẻ: “Ngành giao thông nên áp dụng công nghệ và vật liệu để có được dải phân cách một cách linh hoạt. Ví dụ con đường có 4 làn xe, ngày đầu của các ngày lễ, tết... thì chiều đi ra điều chỉnh thành 3 làn và chiều vô là 1 làn, và ngược lại. Nhiều nước đã áp dụng việc này từ rất lâu và rất hiệu quả”.
BĐ Lan Hương thì cho rằng: “Nên chăng ngành du lịch cả nước nên có những dự báo thiết thực về lượng du khách, những người đi lại dịp lễ. Rồi cùng với các ngành hàng không, đường bộ, đường thủy, đường sắt, khách sạn, trung tâm vui chơi - mua sắm, các loại dịch vụ... lên kế hoạch bài bản, chuyên nghiệp, chu đáo về đón tiếp du khách để không bị động, bị bất ngờ dẫn đến “kẹt xe kinh hoàng” hay “hành xác” như hiện nay”.
Bình luận (0)