Bật đèn xe máy, xe đạp điện ban ngày: Thiếu thực tế

11/05/2020 06:37 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất các phương tiện: mô tô, xe máy, xe đạp điện... phải bật đèn cả ban ngày khi lưu thông vào dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi thiếu thực tế, với điều kiện giao thông ở Việt Nam.

Mặc dù Bộ GTVT chỉ mới đưa đề xuất các phương tiện: mô tô, xe máy, xe đạp điện... phải bật đèn cả ban ngày khi lưu thông vào dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi, nhưng đã có nhiều ý kiến cho rằng thiếu thực tế, với điều kiện giao thông ở Việt Nam.

Bộ GTVT đề xuất xe máy phải bật đèn cả ban ngày

“Trời nắng nóng thôi đã đủ khốn khổ”

Điều 27 của dự luật Giao thông đường bộ sửa đổi, nêu: các phương tiện tham gia giao thông vào ban đêm (từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau) hoặc khi trời tối, khi có sương mù, thời tiết xấu bị hạn chế tầm nhìn phải bật sáng đèn chiếu xa hoặc chiếu gần, đèn sương mù (nếu có), đèn chiếu hậu, đèn định vị. Phương tiện phải tắt đèn chiếu xa và bật đèn chiếu gần (tắt đèn pha) khi lưu thông qua các khu vực dân cư có hệ thống chiếu sáng, khi xe xin vượt chuẩn bị vượt, để không chói mắt người điều khiển phương tiện theo chiều ngược lại.
Điểm 3 điều 27 nêu, trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất, hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau. Đây chính là điểm mà nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên quan tâm và đưa ra nhiều ý kiến.

Bao nhiêu năm nay rồi, trong thành phố, rất nhiều xe đều bật pha gây chói mắt hướng ngược lại mà không bị chấn chỉnh. Luật lệ cho nhiều nhưng không theo sát thực tế, tạo thêm lãng phí, sinh thêm tiêu cực.    

ĐGD

Bộ GTVT viện dẫn rằng, các quy định (trong dự luật Giao thông đường bộ sửa đổi) về bật đèn xe được tham khảo từ Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước Vienna 1968), trong đó quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người điều khiển ô tô dễ dàng nhận diện các phương tiện lưu thông. Đặc biệt, xe tải, xe container thường có điểm mù mà tài xế khó phát hiện ra nếu xe máy đi vào điểm mù đó, việc bật đèn sẽ giảm thiểu được các hạn chế này, giảm tai nạn.
Tuy nhiên, theo BĐ Quốc Đạt, ở Việt Nam trời nắng nóng đã đủ khốn khổ khi đi ngoài đường rồi, giờ thêm bật đèn nữa chắc “xỉu ngoài đường luôn”. “Một lần tôi bị CSGT thổi phạt. Nhân tiện, tôi có hỏi “tại sao xe khách và xe tải chạy ban đêm dùng đèn led chói mắt người đi ngược chiều mà không bị kiểm tra” và tôi nhận được câu trả lời: “Trong luật không có quy định dùng các loại đèn nên không xử lý được”.
Do vậy, BĐ Quốc Đạt cho rằng còn quá nhiều vấn đề “chưa xử lý được” thì “nên cần hoàn thiện; đưa ra quy định mới này thấy không hợp lý lắm. Tuy các nước khác đã sử dụng từ lâu, nhưng với VN thì không phù hợp”.

Dùng đèn ban ngày thì giảm bao nhiêu phần trăm tai nạn ?

BĐ Lê Đức nêu ra hàng loạt vấn đề: “Tôi thấy Bộ GTVT vẫn chưa hiểu hết thực tế của Việt Nam. Chưa có công bố khoa học nào nếu dùng đèn ban ngày thì giảm bao nhiêu phần trăm tai nạn? Làm sao để chế tài nếu không bật đèn? Cần bao nhiêu CSGT để xử lý?...”.
Theo BĐ Đức Nhân, chạy xe trưa, chiều kẹt xe đã nóng. Giờ bật thêm đèn sinh thêm nhiệt, ô nhiễm môi trường, khó chịu cho người tham gia giao thông. “Thay vì bắt đèn luôn bật thì giáo dục người dân qua đường bật đèn xi nhan quan sát gương chiếu hậu; buộc trên xe phải đủ 2 gương... xem có tốt hơn không”, BĐ Đức Nhân viết.
“Cái cần làm thì không làm, toàn những đề xuất chẳng thực tế và không góp phần vào việc giải quyết hạn chế tai nạn giao thông”, BĐ Xuân Cảnh viết.

Nói chung là người tham gia giao thông phải có ý thức và làm chủ tốc độ, chấp hành tốt luật giao thông; còn trời nắng nóng chang chang, xe máy bật đèn coi chừng lóa mắt, tai nạn càng nhiều hơn.     

Nga Quách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.