Bình thường mới ở TP.HCM sau 30.9 như thế nào?

27/09/2021 04:49 GMT+7

Chỉ còn 4 ngày nữa, TP.HCM sẽ bước vào giai đoạn bình thường mới khi nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh , dịch vụ được mở cửa song hành với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 .

Bỏ hoàn toàn rào chắn, dây giăng?

Một trong những thông tin được người dân chờ đợi nhất chính là tháo bỏ các chốt kiểm soát khu vực nội ô, rào chắn trên nhiều tuyến đường, khu dân cư.
Thống kê sơ bộ, toàn TP.HCM từ sau ngày 23.8 thiết lập hơn 800 chốt kiểm soát; các lực lượng như CSGT, cảnh sát cơ động, quân đội... túc trực 24/24 giờ.
Trong tọa đàm trực tuyến do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức ngày 25.9, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thông tin lãnh đạo TP.HCM đã thống nhất việc tháo dỡ rào chắn, chốt chặn khu vực nội ô và chuyển sang hướng kiểm soát mới, các chốt kiểm soát cửa ngõ vẫn tiếp tục duy trì. Định hướng của lãnh đạo TP.HCM vẫn đang được các sở, ngành thảo luận, cân nhắc trước khi có thông báo chính thức.

Nhiều rào chắn được dỡ bỏ, shipper TP.HCM vui mừng thoát cảnh ‘1 đơn giao mấy tiếng’

Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua 26.9, lãnh đạo một số Đội CSGT - TT thuộc công an các quận 1, 7, Bình Thạnh, Gò Vấp cho biết vẫn đang chờ chỉ đạo của Công an TP.HCM, trước mắt tiếp tục duy trì kiểm tra giấy đi đường và khai báo di chuyển nội địa qua mã QR (QR Code) tại các chốt kiểm soát.
Nhiều địa phương cũng đã chủ động lên kế hoạch gỡ bỏ rào chắn trên địa bàn theo chủ trương của lãnh đạo TP.HCM. Chủ tịch UBND Q.5 Trương Minh Kiều thông tin Q.5 sẽ tháo dỡ hàng rào, dây giăng tại các tuyến hẻm, đường nội bộ của quận thuộc vùng xanh trước; các chốt kiểm soát trên tuyến đường liên quận thì vẫn duy trì. “Q.5 không gỡ hết mà sẽ gỡ từ từ. Nếu tháo gỡ rầm rộ, nhiều người dân sẽ có tâm lý chủ quan, thờ ơ”, bà Kiều thông tin.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, cho biết trước mắt Q.Gò Vấp sẽ tháo gỡ rào chắn trên các tuyến đường nội bộ trong khu dân cư; hàng rào, dây giăng trước hẻm, ngõ. Riêng các chốt kiểm soát, Q.Gò Vấp có thể vẫn duy trì các chốt trên tuyến đường chính phục vụ công tác kiểm tra.
Còn ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thông tin lộ trình tháo chốt, rào chắn, phương án kiểm soát mới sau ngày 1.10 vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu cụ thể, khi ban hành chính thức thì sẽ thông tin rộng rãi.

Ngày 27.9: Cả nước 9.362 ca Covid-19, 10.528 ca khỏi | TP.HCM 4.134 ca

Công bố thẻ xanh Covid trước 1.10

Hiện kế hoạch phục hồi kinh tế TP.HCM sau ngày 30.9 chưa được công bố, nhưng nhiều quận, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch riêng, nhất là trên cơ sở kết quả phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Lãnh đạo Huyện ủy Bình Chánh cho biết H.Bình Chánh xây dựng lộ trình 4 giai đoạn rút ngắn hơn so với TP, dự kiến từ ngày 1.1.2022 bắt đầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, sớm hơn nửa tháng so với kế hoạch chung của TP.HCM là từ 15.1.2022.
Một vấn đề rất đáng chú ý, bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP nêu 3 điều kiện để được cấp thẻ xanh Covid gồm: xét nghiệm âm tính Covid-19, tiêm vắc xin, hoặc từng mắc Covid-19 nay đã khỏi bệnh và không tiếp xúc với F0 trong 14 ngày.
Theo đó, trong lộ trình “mở cửa”, vấn đề thẻ xanh Covid được người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương chờ đợi, nhưng đến nay vẫn chưa rõ về cách thức thể hiện, biện pháp kiểm soát, giới hạn đi lại, nhất là khi dữ liệu về tiêm vắc xin, F0 khỏi bệnh, xét nghiệm, khai báo di chuyển nội địa đang “tản mát” ở nhiều sở, ngành.
Về vấn đề này, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT-TT, cho biết Sở đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành tại TP.HCM và cơ quan T.Ư tham mưu về một chỉ thị thực hiện sau ngày 1.10; trong đó có chi tiết hướng dẫn về thẻ xanh Covid. Theo ông Từ Lương, đây là vấn đề người dân rất quan tâm nên Sở TT-TT đề xuất công bố cụ thể trước ngày 1.10 để người dân chuẩn bị.

Tâm sự nữ điều dưỡng Hà Nội xa con, vào “điểm nóng” Covid-19 ở TP.HCM

Trở lại TP.HCM ra sao

Thời gian qua, nhiều người lao động về quê, bây giờ có nhu cầu quay lại TP.HCM làm việc. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều người dân rời TP.HCM trước dịch, nay có nhu cầu trở lại... Tuy nhiên, đây vẫn còn là vấn đề nan giải vì TP.HCM đang thực hiện giãn cách với nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”.
Ở góc độ địa phương, lãnh đạo UBND Q.Gò Vấp cho biết sẽ tạo điều kiện người dân quay trở lại theo các quy định của ngành y tế, song đến thời điểm này vẫn chưa có quy định cụ thể. Trước mắt, tinh thần chung là các trường hợp quay trở lại TP.HCM cần có xét nghiệm âm tính Covid-19, những trường hợp chưa được tiêm vắc xin sẽ được tổ chức tiêm.
Về kế hoạch đón lao động quay trở lại, ông Phan Công Bằng cho biết Sở GTVT đang tham mưu xây dựng phương án tổ chức giao thông nội bộ và giao thông liên vùng, trong đó có nội dung vận chuyển công nhân, sinh viên, học sinh về quê nay quay lại TP.HCM. Ông Bằng cho biết việc đi lại giữa các tỉnh cần có ý kiến của các địa phương và Bộ GTVT; sau khi phương án cụ thể đi lại được ban hành thì công tác phối hợp với các địa phương không có gì vướng mắc.
Về việc người dân TP.HCM đi về quê bằng phương tiện cá nhân sau ngày 30.9, đại diện Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, người dân chỉ có thể về quê khi các tỉnh giáp ranh cũng đồng ý cho phép di chuyển qua địa bàn.
Trong khi đó, lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP.HCM) cho hay đến nay vẫn chưa có văn bản của UBND TP.HCM về việc cho người dân tự về quê bằng phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô). Riêng các trường hợp người dân đi theo tổ chức của hội đồng hương, Ủy ban MTTQ VN, UBND các tỉnh thì vẫn đang triển khai, tổ chức theo đoàn, có đăng ký, có sự kiểm soát.
Theo phương án lưu thông do Sở GTVT TP.HCM đang lấy ý kiến, đối với phương tiện vận tải hàng hóa thì chỉ kiểm tra mục đích vận chuyển hàng hóa khi lưu thông vào khu vực phong tỏa tại các chốt kiểm soát trong phạm vi TP.HCM. Đối với xe vận chuyển công nhân, chuyên gia, xe khách hợp đồng phục vụ hoạt động du lịch, xe taxi thì kiểm soát qua giấy nhận diện có gắn mã QR. Riêng đối với xe cá nhân, lực lượng trực chốt kiểm soát khu vực phong tỏa và khu vực nguy cơ sẽ kiểm tra thông qua mã QR khai báo di chuyển nội địa trên website: suckhoe.dancuquocgia.gov.vn hoặc ứng dụng VNEID.

Bản tin Covid-19 ngày 27.9: Cả nước 9.362 ca nhiễm mới | TP.HCM xin mã số cho 150.000 F0 từ test nhanh

TP.HCM bao giờ phủ sóng vắc xin Covid-19?

Theo kế hoạch của Sở Y tế TP.HCM đã công bố, mục tiêu đến 31.12.2021 sẽ phủ sóng vắc xin cho người trong độ tuổi cần tiêm vắc xin phòng Covid-19 (từ 18 tuổi trở lên). Song đến nay tỷ lệ tiêm mũi 2 còn khá thấp (khoảng 36%).
Theo đó, TP có 7,2 triệu người trên 18 tuổi cần tiêm, trong đó khoảng 1,4 triệu người từ 50 - 65 tuổi, khoảng 603.000 người từ 65 tuổi trở lên. Lũy kế đến nay TP đã tiêm 9,4 triệu liều, trong đó mũi 1 đạt 6,8 triệu liều (94,5%), mũi 2 đạt 2,6 triệu liều (36%). Có 1,1 triệu mũi tiêm cho đối tượng là người trên 65 tuổi, người có bệnh nền.
Tiêm mũi 1 đạt 100% gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 11, Phú Nhuận, Tân Phú; 3 huyện: Bình Chánh, Cần Giờ, Hóc Môn và TP.Thủ Đức. Tỷ lệ tiêm mũi 2 có Q.5 đạt 55%, Q.11 đạt 53%, Q.10 đạt 49%...
Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề tiêm vắc xin, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết tiến độ tiêm bao phủ vắc xin của TP phụ thuộc vào phân bổ vắc xin của Bộ Y tế. Chủ trương của Chính phủ là sẽ ưu tiên phân bổ vắc xin cho TP.HCM.
Về việc tiêm vắc xin cho trẻ em và độ tuổi của trẻ như thế nào, lãnh đạo Sở Y tế cho biết TP.HCM sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trước đó, Sở GD-ĐT TP đề xuất tiêm vắc xin mũi 1 và 2 cho học sinh từ 12 - 18 tuổi với số lượng 642.000.
Duy Tính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.