Số quân nhân bị xử lý do tham nhũng rất ít
Bộ Quốc phòng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Đà Nẵng về trách nhiệm của người đứng đầu Bộ Quốc phòng trong công tác phòng chống tham nhũng, khi vừa qua rất nhiều cán bộ, tướng lĩnh của ngành quân đội vi phạm pháp luật.
Trước đó, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển tới Bộ Quốc phòng ý kiến của cử tri Thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Quốc phòng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng Quốc phòng trước Đảng, nhân dân như thế nào khi thời gian vừa qua, rất nhiều cán bộ, tướng lĩnh của ngành quân đội vi phạm pháp luật.
Văn bản trả lời cử tri của Bộ Quốc phòng mới đây cho biết, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đang được Đảng, nhà nước, quân đội và nhân dân đặc biệt quan tâm.
Khẳng định trong những năm qua, quân đội đã hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tuy nhiên Bộ Quốc phòng cũng thừa nhận, “trước những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, một số cán bộ, đảng viên trong quân đội có biểu hiện thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo thiếu trách nhiệm, trong quản lý, chỉ huy đơn vị để xảy ra vi phạm”.
“Những vi phạm trên đều được xem xét, xử lý một cách nghiêm minh, thận trọng, chặt chẽ, thấu đáo, có lý, có tình, đúng người, đúng khuyết điểm và không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”; rõ đến đâu xử lý đến đó”, văn bản nêu.
"Trong số cán bộ bị xử lý có một số cán bộ cấp tướng như ý kiến của cử tri”, Bộ Quốc phòng thông tin, song khẳng định, “trong số quân nhân bị xử lý kỷ luật, số quân nhân bị xử lý do tham nhũng rất ít (chủ yếu là cán bộ cấp phân đội và quân nhân chuyên nghiệp); riêng số quân nhân là cấp tướng bị xử lý, không có đồng chí nào bị xử lý do tham nhũng”.
“Vi phạm của các đồng chí này chủ yếu là do buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các quy định của Nhà nước, của quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng”, Bộ Quốc phòng cho hay, đồng thời lưu ý thời điểm xảy ra những vi phạm trên chủ yếu tập trung ở các nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 - 2015.
Bộ Quốc phòng khẳng định, Thường vụ Quân ủy T.Ư Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã và đang tích cực tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục, phòng ngừa những hạn chế, khuyết điểm góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiểm soát quyền lực; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; củng cố, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với quân đội.
Giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng
Về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng cho biết, bộ trưởng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn quân để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với chủ trương của Bộ Chính trị về tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng tham gia vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế và giải quyết các chính sách có liên quan để khắc phục những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng thời gian trước đây.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động, rà soát ban hành các văn bản về quản lý, sử dụng đất quốc phòng bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo cơ quan tư pháp tăng cường thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng và đất quốc phòng tham gia vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế ở tất cả các cấp; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót để phòng ngừa sai phạm, tiêu cực.
Chỉ đạo, hướng dẫn, rà soát, quy rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với các sai phạm, thua lỗ, tồn đọng về tài chính trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo và bức xúc của nhân dân liên quan đến đất quốc phòng, không để phát sinh phức tạp.
"Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật chuyển cơ quan điều tra để xác minh, điều tra, kết luận và đề xuất xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật với tinh thần kiên quyết, kiên trì không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ'", văn bản nêu rõ.
Trong thời gian qua, nhiều tướng lĩnh quân đội đã bị xử lý chủ yếu do liên quan tới những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Người giữ chức vụ cao nhất bị xử lý tới thời điểm hiện tại là đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Vào tháng 6.2019, do vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng đối với 10 khu đất quốc phòng do Quân chủng Hải quân quản lý, ông Hiến đã bị Bộ Chính trị kỷ luật bằng hình thức cách chức các chức vụ: Uỷ viên Đảng uỷ Quân sự T.Ư nhiệm kỳ 2005 - 2010; Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005 - 2010 (gồm: Phó bí thư Đảng uỷ, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ và Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005 - 2010).
Tới ngày 3.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Hiến. Theo đó, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân đối với ông Hiến.
Chiều 22.10, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Viện Kiểm sát Quân sự T.Ư thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với đô đốc Nguyễn Văn Hiến về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 360 bộ luật Hình sự năm 2015.
Việc khởi tố ông Nguyễn Văn Hiến được tiến hành trong quá trình điều tra mở rộng vụ án Đinh Ngọc Hệ, Bùi Văn Nga và đồng phạm, về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo khoản 3 Điều 229; và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 Điều 174 bộ luật Hình sự năm 2015.
|
Bình luận (0)