Cụ thể, tại phiên chất vấn này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, hôm qua (6.11) ông đã ký văn bản, và hôm nay sẽ phát hành đến các địa phương, trong đó có Hà Nội, đề nghị thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 9028.
Theo Kết luận này, các giáo viên nằm trong chỉ tiêu biên chế từ 2015, ký hợp đồng trước 31.12.2015 và có đóng bảo hiểm sẽ được tuyển dụng đặc cách.
“Các giáo viên nếu đáp ứng đủ tiêu chí điều kiện thì tuyển dụng, coi như nằm trong biên chế 2015, việc này thuộc thẩm quyền của địa phương. Đề nghị Hà Nội cũng phải làm nghiêm túc như thế. Có ý kiến của Bộ Chính trị rồi, Thủ tướng cũng nói rồi, các đồng chí cứ làm. Còn tuyển xong số giáo viên này mà vẫn thiếu thì thi tuyển theo đúng Nghị định 161”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.
Trong khi đó, mới đây các giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn và nhiều huyện khác ở Hà Nội, sau một thời gian dài đấu tranh để được tuyển dụng đặc cách, đã nhận được quyết định… chấm dứt hợp đồng lao động.
Cụ thể, ngày 5.11, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh đã ký thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên hợp đồng không xác định thời hạn không đủ điều kiện đăng ký dự thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019, hoặc không đăng ký dự tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019, không tham gia dự thi vòng 1 hoặc tham gia vòng 1 nhưng không đủ điều kiện để dự thi vòng 2, các giáo viên hợp đồng dự thi tuyển vòng 2 nhưng không trúng tuyển, cùng với các giáo viên hợp đồng theo mùa vụ năm học 2019 - 2020.
Theo văn bản này, thời gian dự kiến chấm dứt hợp đồng sẽ là 1.1.2020, trừ những người có hợp đồng trên 5 năm đang ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trạ; lao động nữ mang thai, nghỉ thai sản.
Trong số 256 giáo viên hợp đồng lâu năm của Sóc Sơn đã gửi kiến nghị được tuyển dụng đặc cách, có 121 người đã trúng tuyển kỳ thi viên chức của Sóc Sơn, còn 135 trường hợp sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động trong đợt này.
Ngoài Sóc Sơn, giáo viên hợp đồng của nhiều huyện khác cũng gặp tình trạng tương tự, dù Bộ Nội vụ cho biết có thể áp dụng Kết luận 9028, nhưng Hà Nội cho rằng phải áp dụng Nghị định 161 để thi tuyển bình thường chứ không ưu tiên tuyển dụng đặc biệt cho bất cứ giáo viên nào.
Cũng chất vấn thêm Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng đề cập đến việc giáo viên hợp đồng lâu năm bị chấm dứt hợp đồng, không có bất cứ ưu tiên gì khi tuyển dụng gây ra bức xúc và đề nghị Bộ trưởng có giải pháp giải quyết.
Bộ trưởng Nội vụ sẽ trả lời câu hỏi này vào chiều nay, 7.11.
Bình luận (0)