Bộ TT-TT làm thường trực tổ công tác xây dựng Chính phủ điện tử

Chí Hiếu
Chí Hiếu
10/09/2019 19:36 GMT+7

Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ tiếp nhận nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đo lường, đánh giá hiệu quả, chất lượng (KPI) thực thi nhiệm vụ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, thay cho Văn phòng Chính phủ

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp hồi đầu tháng này về phân công nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin - Truyền thông (Bộ TT-TT).
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ TT-TT trình Thủ tướng dự thảo sửa đổi quyết định của Thủ tướng năm 2018 về thành lập Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với những nội dung cụ thể: Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó chủ tịch thường trực Uỷ ban Quốc gia Chính phủ điện tử, trực tiếp chỉ đạo các công việc thường xuyên của Uỷ ban.
Bộ trưởng Bộ TT-TT làm Phó chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ, Thủ tướng về xây dựng Chính phủ điện tử.
Chuyển nhiệm vụ thường trực Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang cho Bộ TT-TT đảm nhiệm. Đi kèm theo đó là chuyển nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đo lường, đánh giá hiệu quả, chất lượng (KPI) thực thi nhiệm vụ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT-TT đảm nhiệm.
Đồng thời, chuyển nhiệm vụ phát triển trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến trên thế giới làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu,... và là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT-TT thực hiện.
Chuyển nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện mở dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ, tích hợp với Hệ tri thức Việt số hóa từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT-TT đảm nhiệm. 
Tại cuộc họp mới đây với các địa phương về Chính phủ điện tử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, công việc xây dựng Chính phủ điện tử đã đạt được những bước đi dài. Cụ thể, hiện 62/95 bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành; cung cấp 157.000 chứng thư số cho 86/95 bộ, ngành, địa phương và 314/431 lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh; có 84/95 cơ quan đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
Đến tháng 3 năm nay, Chính phủ đã khai thông trục liên thông văn bản quốc gia, chấm dứt việc gửi nhận tài liệu, công văn giấy theo phương thức cũ. Đến tháng 6, hệ thống họp trực tuyến E-cabinet chính thức vận hành, giúp giảm việc họp hành, hướng tới Chính phủ không giấy tờ, hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả hơn.
Cùng với đó, Cổng Dịch vụ công quốc gia đang dần được thiết lập, đến nay đã cơ bản hoàn thành nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, giải pháp xác thực tập trung và xây dựng danh mục các dịch vụ công thiết yếu cho vòng đời của một con người, doanh nghiệp để triển khai trên Cổng. Dự kiến sẽ vận hành chính thức trong tháng 11 tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.