Cận cảnh đê biển Tây, trước nguy cơ vỡ

Gia Bách
Gia Bách
08/08/2020 11:00 GMT+7

Ảnh hưởng mưa bão, tuyến đê biển Tây đi qua địa bàn tỉnh Cà Mau xuất hiện hàng loạt vị trí bị sạt lở, nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào.

Nguy cơ vỡ đê biển Tây ở Cà Mau

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, do ảnh hưởng của mưa bão, đê biển Tây của Cà Mau đã xuất hiện hàng loạt đoạn bị sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ vỡ đê là rất lớn.

Nhiều điểm trên tuyến đê biển Tây không còn đai rừng phòng hộ

Ảnh: Gia Bách

Trong những ngày qua, sạt lở xảy ra tại 4 đoạn trên tuyến đê biển Tây với tổng chiều dài 541 m. Ngoài ra, 1.700 m đê biển có hiện trạng đê thấp, có khả năng bị tràn nếu triều cường dâng cao kết hợp với sóng biển do ảnh hưởng của thời tiết.

Sóng đánh trực tiếp vào chân đê, nguy cơ vỡ đê rất cao

Ảnh: Gia Bách

Hiện nay, toàn tuyến đê biển Tây có 3 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài gần 3.000 m. Trong đó, vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm thuộc đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, H.U Minh), tổng chiều dài khoảng 957 m. Ở khu vực sạt lở này hiện đai rừng hiện còn rất mỏng (chỉ từ 1 - 5 m), thậm chí có đoạn không còn đai rừng phòng hộ chắn sóng.
Mặc dù phía bên ngoài khu vực sạt lở đang được tỉnh Cà Mau triển khai xây dựng kè cơ bản, nhưng do thời tiết xấu nên đến nay, một số đoạn chưa đổ đá vào thân kè nên chưa tạo được bùn bồi lắng khiến sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra.

Cây rừng bị sóng đánh sập dưới chân đê

Ảnh: Gia Bách

Tại vị trí cách Giồng Cát, hướng về Tiểu Dừa, khoảng 2.600 m, bị ảnh hưởng bởi sạt lở dài khoảng 210 m, đai rừng còn rất mỏng và một số vị trí sạt lở chỉ còn cách mặt đê hiện hữu khoảng 1 m. Trong khi đó, đoạn cách Giồng Cát hướng về Tiểu Dừa khoảng 2.960 m có chiều dài sạt lở 320 m nhưng có tới 230 m không còn đai rừng phòng hộ. Vì thế, điểm sạt lở nguy hiểm nhất chỉ còn cách mặt đê khoảng 2 m.

Khi đai rừng không còn, hằng ngày sóng đánh trực tiếp vào chân đê ,nguy cơ sạt lở, vỡ đê là rất cao

Ảnh: Gia Bách

Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau thông tin: "Một trong 3 vị trí sạt lở nguy hiểm mới xuất hiện thuộc khu vực từ Ba Tĩnh đến T25 (H.U Minh) với chiều dài khoảng 1.900 m. Ở khu vực nêu trên, hiện đai rừng phòng hộ chỉ còn từ 12 - 25 m nhưng phía bên ngoài chưa xây dựng kè. Vì thế, diễn tiến sạt lở đang diễn ra nhanh và nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến đê biển, có khả năng gây vỡ đê nếu không triển khai các giải pháp ngay từ bây giờ”.

Một đoạn đê vừa được gia cố

Ảnh: Gia Bách

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Long Hoai, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết những đoạn sạt lở này có thể gây vỡ đê biển Tây bất cứ lúc nào và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 26.160 hộ dân sinh sống ven biển và 90.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có vốn để thực hiện giải pháp công trình đối với 1.430 m.

Yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công

Trước tình hình sạt lở đê biển Tây nghiêm trọng, ngày 6.8, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau,  dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh có chuyến khảo sát thực trạng tại hiện trường đoạn đê từ Khánh Hội - Khánh Tiến đi qua địa bàn H.U Minh.
Chỉ đạo ngay tại hiện trường, ông Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đê, kè, cũng như xử lý, khắc phục ngay các vị trí sạt lở vì đây là những công trình, phần việc mang tính khẩn cấp, cấp bách, bảo vệ đời sống và sản xuất của người dân cũng như hệ sinh thái rộng lớn phía trong đê.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiến Hải yêu cầu tiếp tục khảo sát, đánh giá chính xác tình hình thực tế nhằm điều chỉnh, bổ sung các dự án kè bảo vệ đê biển Tây một cách kịp thời, phù hợp. Đồng thời đẩy mạnh việc gia cố, cắt cử người trực tại những vị trí xung yếu để kịp thời xử lý, thông tin khi có tình huống xảy ra… Riêng đối với tuyến đê bằng đất từ Hương Mai đến Khánh Hội, trong khi chờ triển khai dự án bằng công trình kiên cố, cần vận động người dân tôn cao nhằm chống tràn, qua đó, chủ động bảo vệ đời sống và sản xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.