Cần hình thành thói quen ăn uống lành mạnh

17/04/2021 05:26 GMT+7

Nhiều bạn đọc đồng tình với ý kiến người Việt cần hình thành thói quen ăn uống lành mạnh hơn, và cho rằng nhiều bạn trẻ cần thay đổi thói quen, không 'hở chút là ship đồ về ăn, mà toàn là thức ăn nhanh'.

Như Thanh Niên đã đưa tin, kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 do Viện Dinh dưỡng quốc gia - Bộ Y tế công bố sáng 15.4 cho thấy người Việt cần hình thành thói quen ăn uống lành mạnh hơn.
Đánh giá về xu hướng khẩu phần ăn của người Việt hiện tại, GS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, lưu ý mức tiêu thụ protein từ thịt quá cao tại thành thị là xu hướng không tốt cho sức khỏe. Theo một số chuyên gia dinh dưỡng, việc ăn nhiều quá mức thịt, mỡ động vật làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa và các bệnh về tim mạch, huyết áp, lâu dài tăng nguy cơ đột quỵ. Đây là vấn đề dinh dưỡng cần được thay đổi.
PGS-TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng, ngành nghề và lứa tuổi, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho rằng: Gia đình và nhà trường cần tập cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế sử dụng các thực phẩm ăn nhanh, thực phẩm có nhiều đường, chất béo như bánh kẹo, nước ngọt, nước ngọt có ga, các đồ chiên rán nhiều dầu mỡ… Nên tập cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm, ăn nhiều rau và trái cây, biết lựa chọn thực phẩm lành mạnh.

Người Việt ở thành thị ăn ngoài nhiều quá

Nói về thói quen ăn uống thiếu lành mạnh của người Việt, nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng hiện nay người Việt ở thành thị đi ăn ngoài hoặc gọi đồ ăn về nhà nhiều quá. BĐ Kim Anh cho biết: “Ngoài cái nghèo dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu ăn, thì việc thường xuyên ăn ngoài cũng dẫn đến ăn uống không lành mạnh, béo phì, nhiều bệnh...”.
Nhưng vì sao phải ăn ngoài hoặc phải ship đồ về ăn? BĐ Hải than thở: “Thời đại này, áp lực công việc như thế, còn thì giờ đâu mà nghĩ đến tự nấu ăn. Ai không biết ăn ngoài là nhiều dầu mỡ, chất bảo quản, phụ gia không kiểm soát được... nhưng ở nhà thì ai nấu?”.
Cùng quan điểm, BĐ Vietroad phân tích: “Đây là thực trạng chung của các nước phát triển, phải chấp nhận. Nếu phụ nữ cứ phải lo cái bếp thì xã hội mất 50% lao động. Tại sao phải bỏ 2 giờ cho 1 bữa ăn nếu 2 giờ đó có thể làm ra tiền mua 10 bữa ăn. Các nước Âu, Mỹ họ cũng toàn ship đồ ăn thôi mà họ cũng lên đến cung trăng vậy”.

Nhiều bạn trẻ không thích, không biết nấu ăn

“Điều đáng lo nhất hiện nay, theo tôi, là rất nhiều bạn trẻ không biết nấu ăn, không muốn nấu ăn. Cứ hở chút là ship đồ về ăn, toàn thức ăn nhanh. Như vậy thì sao mà lành mạnh được?”, BĐ Ngọc Cầm cho biết.
Cùng quan điểm, BĐ Nhĩ chia sẻ: “Con gái tôi đã 28 tuổi rồi mà cái gì cũng gọi Grab mang đồ ăn tới. Bạn bè chúng nó có thể ngồi tám đủ thứ về món ăn này, bình phẩm món ăn kia, nhưng chẳng đứa nào biết vào bếp. Từ nhỏ tới lớn nó chỉ biết nấu 2 món: mì gói và trứng ốp la”.
Trong khi đó, BĐ Hòa Hợp chia sẻ câu chuyện gia đình mình: “Ngày xưa, mỗi lần nhà tôi có việc gì vui thì mẹ tôi nấu đãi cả nhà một bữa thật thịnh soạn, cả nhà quây quần bên bàn ăn, vui đến giờ vẫn nhớ. Bây giờ mỗi lần nhà có việc gì vui thì cả nhà kéo nhau ra tiệm, mà mấy đứa nhỏ thì chỉ thích đồ ăn nhanh, toàn gọi gà rán, kem, nước ngọt, burger... mình không thích cũng phải ăn chung”.
Thời đại này mà đòi có người nấu ăn ở nhà cho cơm nóng canh sốt, ăn uống lành mạnh thì chỉ có mơ hoặc là giàu có thuê người nấu. Nên nhớ không phải phụ nữ nào cũng thích nấu ăn nhé. Giờ chỉ có mong các tiệm quán, nhà hàng... nấu ăn như mình tự nấu ở nhà: ít dầu mỡ, ít phụ gia, ít chất bảo quản... dễ ăn và giá cả hợp lý một chút, vậy thôi.
Thanh Yến
Khi tôi lấy vợ, một trong những tiêu chuẩn là phải biết nấu ăn. Không cần phải giỏi, nhưng phải thích và biết nấu ăn. Thử nghĩ xem: Sẽ ra sao nếu người mẹ trong gia đình không thích và không biết nấu ăn?
Nhật Quốc
VN mình ít có những cuộc thi ẩm thực Việt, phim ảnh về ẩm thực Việt... để tôn vinh ẩm thực, nhất là tôn vinh gia đình trong việc giáo dục con cái thông qua ẩm thực. Đây cũng là một cách để người Việt có thói quen ăn uống lành mạnh.
Nhã Lý
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.