Chiều 22.7, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai đã ra công điện gửi các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh yêu cầu sẵn sàng ứng phó mưa lớn và áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 3.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13 giờ ngày 22.7, áp thấp nhiệt đới trên vùng ven biển phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 70 km về phía đông đông bắc.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm với gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trên vịnh Bắc Bộ là phía Bắc vĩ tuyến 20,0 độ vĩ bắc; từ kinh tuyến 107,5 đến 110,0 độ kinh đông. Tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Dự báo đến 13 giờ ngày 23.7, áp thấp nhiệt đới có vị trí trên vùng biển bắc vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 70 km về phía đông nam. Vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới sức gió cấp 6, giật cấp 8; vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao từ 2 - 3 m.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, bắt đầu từ đêm nay đến hết ngày 24.7, ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao, các tỉnh Bắc bộ có mưa 50 - 150 mm/đợt; riêng đông bắc có mưa rất to, từ 100 - 250 mm/đợt, có nơi trên 250 mm/đợt.
Các tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa đến hết ngày 25.7, với lượng mưa phổ biến 50 - 150 mm/đợt, riêng Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng trên 200 mm/đợt.
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày, khiến các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ ở đồng bằng, đô thị.
Trong công điện hỏa tốc phát đi chiều nay, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền chủ động thoát ra, hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Các địa phương rà soát các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; chủ động phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp.
Bình luận (0)