Ngày 1.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định công bố dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước, đồng thời chủ trì cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 để bàn nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có câu chuyện chính sách an sinh xã hội cho người nghèo, người mất việc, ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo đó, Thủ tướng công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam với tên dịch bệnh là Covid-19, do chủng mới của virus Corona gây ra. Thời gian xảy ra dịch bệnh từ 23.1.2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra). Địa điểm và quy mô dịch xảy ra trên cả nước. Tính chất mức độ nguy hiểm của dịch bệnh là bệnh truyền nhiễm nhóm A; nguy cơ mức độ đại dịch toàn cầu, lây lan qua đường hô hấp từ người sang người.
Trước đó, hồi đầu tháng 2, Thủ tướng cũng đã có Quyết định 173 công bố dịch, song khi đó địa điểm và quy mô xảy ra dịch Covid-19 chỉ là các tỉnh Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa. Do đó, Thủ tướng nêu rõ, quyết định này thay thế Quyết định 173 ngày 1.2.2020.
Cách ly xã hội không phải là phong tỏa xã hội
Trong buổi sáng của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra cùng ngày, đầu tiên Thủ tướng dành thời gian để nói về việc yêu cầu “cách ly xã hội” mà Chỉ thị 16 đã ban hành trước đó 1 ngày.
Thủ tướng giải thích, cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. “Đó không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong tỏa xã hội, mà chỉ hạn chế giao thông. Trong bối cảnh ấy, chúng ta vẫn phải duy trì hàng hóa lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường”, Thủ tướng nói thêm.
Thông tin lý do về hiệu lực cách ly xã hội trong vòng 15 ngày, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đây là khoảng thời gian vàng để hạn chế tối đa việc lây nhiễm ra cộng đồng - điều mà một số nước đã vấp phải. “Nếu chúng ta không cương quyết việc này thì hậu quả khôn lường đối với sức khỏe, tính mạng của nhân dân”, Thủ tướng lưu ý.
Dù vậy, Thủ tướng yêu cầu “sắp tới phải làm quyết liệt hơn nữa, làm sao trong 15 - 20 ngày tới, có thể trong vòng 1 tháng, không để dịch Covid-19 bùng nổ nặng nề ở Việt Nam. Muốn như vậy, cả hệ thống chính trị phải đoàn kết, muôn người như một, quyết tâm cao”. Thủ tướng cũng nêu rõ tinh thần chống dịch là tiếp tục “khóa chặt bên ngoài”, trừ trường hợp đặc biệt, và kiên quyết khoanh các ổ dịch bên trong, phát hiện rốt ráo, tìm dấu vết, cách ly nghiêm túc, đủ thời gian, đồng thời phải điều trị tốt, hạn chế tử vong.
Có thể nâng gói tài khóa lên 150.000 tỉ đồng
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong số các công việc sắp tới, việc phải lo cho an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, như lao động bị mất việc, người nghèo... là ưu tiên. Bên cạnh đó, cần quan tâm bảo đảm an ninh trật tự cho người dân. Cụ thể, với gói tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí, tăng chi tiêu công, Thủ tướng cho hay gói này không phải chỉ 30.000 tỉ đồng, mà có thể nâng lên 150.000 tỉ đồng, thậm chí lớn hơn, để hỗ trợ trong lúc khó khăn này.
Tiếp tục khẳng định quan điểm “không phải là vì kinh tế mà chúng ta bất chấp những vấn đề về tính mạng, sức khỏe của nhân dân”, khi đề cập vào từng lĩnh vực, như với nông nghiệp, Thủ tướng nêu ra nhiều yêu cầu then chốt. Trong đó, yêu cầu trong thời gian dịch bệnh, an ninh lương thực, bảo đảm lương thực hằng ngày phục vụ cho người dân cần đặt lên hàng đầu. Phát triển mạnh mẽ thị trường thương mại trong nước; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối, bán lẻ, không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh Covid-19 mà “ngăn sông, cấm chợ”, những hành vi vi phạm phải xử lý nghiêm khắc.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ thống nhất cao dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và giao Bộ KH-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp... rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Thủ tướng ký ban hành theo thẩm quyền.
Bình luận (0)