Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua (2.4), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết liên quan đến Chỉ thị 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 của Thủ tướng, đã có một số địa phương hiểu và thực hiện sai. Cụ thể, từ ngày 1.4, có một số địa phương tiến hành việc rào đường, hạn chế người đi lại từ địa phương này sang địa phương khác hay tạm dừng các công trình xây dựng. “Chúng tôi đã gọi điện cho các tỉnh rồi, bây giờ phải thay đổi lại ngay. Ai cho phép ngăn sông cấm chợ, ai cho phép hạn chế đi lại? Những việc này, Văn phòng Chính phủ sẽ có văn bản cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, Chính phủ vẫn cho nhà máy, phân xưởng hoạt động nhưng yêu cầu cán bộ văn phòng, cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Tuy nhiên, nếu để xảy ra một trường hợp lây nhiễm cũng phải đóng cửa ngay lập tức, nhằm tránh lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng.
Lý giải vì sao chưa ban hành lệnh phong tỏa khi dịch đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy, vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, sản xuất, KT-XH. “Khi kiểm soát được thì không nên đóng cửa ngay lập tức, vì có những tỉnh chưa có dịch, hoặc có nhưng họ đã khoanh vùng và kiểm soát được. Tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, Chính phủ sẽ đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu ở mức độ phù hợp”, ông Dũng nói.
|
Kiểm soát chặt xe kinh doanh
Trong khi chờ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy tại nhiều địa phương, việc lập chốt, kiểm soát phương tiện ra vào địa giới hành chính vẫn được triển khai khá quyết liệt.
Trưa 2.4, tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - QL50 (H.Bình Chánh, TP.HCM), tổ công tác gồm CSGT (Công an TP.HCM), TTGT (Sở GTVT TP.HCM) chốt chặn, kiểm tra các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách (taxi, xe hợp đồng, xe công nghệ...). Theo quan sát của PV, ô tô loại 4 và 7 chỗ vẫn lưu thông bình thường trên tuyến đường này. Xe tải, container vẫn chở hàng hóa lưu thông qua lại. Tổ công tác cho biết, chỉ trường hợp xe loại 9 chỗ trở lên, khi phát hiện sẽ được yêu cầu kiểm tra về “lý lịch”, có chở hành khách hay không; cũng như mục đích lưu thông là gì. “Chúng tôi chốt chặn từ 6 giờ sáng (2.4) đến giờ nhưng chưa phát hiện trường hợp vi phạm nào. Vị trí này sẽ đón lõng phương tiện từ Long An di chuyển từ QL50 lên TP.HCM. Nhưng trên tuyến QL50 thuộc địa bàn Long An cũng có 1 chốt kiểm tra của Công an tỉnh Long An, nên sáng giờ chưa thấy chiếc nào “lọt lưới” lên đây”, một thanh tra viên nói.
Quảng Ninh đã yêu cầu thu dọn đất đá, gỡ barie ngăn đườngNgày 2.4, một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết địa phương này đã yêu cầu các huyện, thị phải thu dọn đất đá, thành lũy nhằm hạn chế người dân di chuyển để cách ly xã hội. Dù vậy, lãnh đạo tỉnh này cũng khẳng định việc đổ đất, ngăn các lối đi không ảnh hưởng nhiều, người dân có thể đi bằng các đường chính có lực lượng kiểm soát. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ sáng 2.4, một số địa phương tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh) đã thu dọn đất đá và bố trí lực lượng kiểm soát người ra vào. Tuy nhiên, một số nơi tại TP.Cẩm Phả, TP.Hạ Long còn nhiều ngõ xóm vẫn giữ nguyên những “barie”.
Tại Hải Phòng, người địa phương chỉ ra ngoài nếu có lý do chính đáng. Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Giám đốc Sở GTVT TP.Hải Phòng, từ 1.4 Sở phối hợp với lực lượng công an, quân đội, y tế ở các chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào TP. “Các phương tiện đi lại phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, đưa đón công nhân lao động, các trường hợp khẩn cấp về y tế vẫn ra vào bình thường nếu có giấy tờ hợp lệ. Lái xe phải khai báo chặt chẽ y tế. Những phương tiện khác chở người từ tỉnh khác được đề nghị quay xe. Chủ các phương tiện đã được giải thích, tuyên truyền về công tác phòng chống dịch của TP và đều đồng thuận, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của TP”, ông Nguyễn Đức Thọ nói. Ngoài ra, theo thông báo ra ngày 2.4 của UBND TP.Hải Phòng, người lưu trú ở TP này nếu không có lý do chính đáng cũng không ra khỏi TP.
|
Trong khi đó, các loại xe cứu thương, chở bệnh nhân (BN) đều di chuyển bình thường để ra, vào địa bàn TP.HCM. Ông Đàm Phan Phát, Phó chánh thanh tra Sở GTVT, cho biết theo thống kê từ ngày 31.3 - 1.4, đơn vị đã phát hiện và yêu cầu quay đầu xe khoảng 70 trường hợp. Riêng các xe cứu thương, xe chở người bị bệnh vẫn được lưu thông ra, vào TP. Hiện TTGT phối hợp với CSGT lập 10 chốt kiểm soát các phương tiện giao thông ra, vào TP trên QL1, QL13, QL50...
Còn tại Hà Nội, từ tối 1.4 Công an TP phối hợp Sở GTVT triển khai lực lượng tại 30 điểm chốt ở các cửa ngõ ra vào thủ đô trên cả đường bộ, đường sắt và đường thủy để tuần tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện cách ly xã hội. Cũng trong ngày đầu tiên thực hiện cách ly xã hội, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã lập biên bản xử lý 2 trường hợp vi phạm với xe khách tuyến cố định và xe hợp đồng đón khách mà không có lệnh vận chuyển.
Ưu tiên xe cấp cứu, chở bệnh
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT TP.Hà Nội, cho hay trong trường hợp đặc biệt có người ốm cần đi viện, người dân có thể sử dụng các phương tiện như ô tô cá nhân (nếu có) hoặc taxi. “Trường hợp này thì xe gì cũng như xe nhà chở BN đi viện”, ông Viện nói và nhấn mạnh theo quy định hiện tại, xe cá nhân gồm cả ô tô, xe máy không bị hạn chế đi lại, nhưng nếu không có việc cấp thiết, người dân nên ở nhà theo lời kêu gọi của Chính phủ.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cũng khẳng định “xe chở người cấp cứu lưu thông thì không ai cấm cản”. Việc BN tử vong, hấp hối đưa về nhà thì có giấy xuất viện và cũng sẽ được ra vào TP. Còn bác sĩ (BS) Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết cán bộ, nhân viên trung tâm trực 24/24. Trung tâm có 7 xe cấp cứu, 32 trạm vệ tinh 115 còn có thêm 32 xe. Ngoài nhiệm vụ vận chuyển các ca cách ly nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid-19, trực gác ở các khu cách ly thì trung tâm và các trạm vệ tinh phải đáp ứng nhu cầu cấp cứu tại nhà, ngoài hiện trường của người dân TP. Hiện trung tâm cũng đã cấp cứu tại nhà các ca sinh rớt và vận chuyển vào bệnh viện (BV). Với những ca cấp cứu khó tại nhà liên quan đến sản khoa thì trung tâm báo động đỏ với BV Phụ sản Từ Dũ, Hùng Vương để có các chuyên gia đi cùng. Ngoài ra, người dân cần cấp cứu trong một số trường hợp cần thiết cũng có thể liên hệ trực tiếp với các BV ở địa phương để được giải quyết...
Nếu BN cấp cứu đến cửa ngõ TP nhưng không vào được thì các BV có hỗ trợ không? BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết hiện BV vẫn hỗ trợ xe cấp cứu đưa BN tử vong, hấp hối, bệnh nặng về nhà. Còn vấn đề hỗ trợ BN cấp cứu từ các tỉnh lên ở các cửa ngõ thì BV chưa đủ lực. Ngoài ra, hiện nay muốn vận chuyển một BN từ bên ngoài TP vào BV thì xe phải được khử khuẩn rất nghiêm ngặt.
Chiều tối qua (2.4), nguồn tin của Thanh Niên cho biết Sở Y tế TP.HCM vừa có thông báo cho các BV trên địa bàn về việc hỗ trợ BN không thể đi lại bằng xe máy (sản phụ sau sinh, BN tim mạch, chấn thương, sau phẫu thuật...). Theo đó, Sở Y tế TP phối hợp Sở GTVT bố trí một số lượng taxi đậu gần các BV để phục vụ BN có nhu cầu. Tuy nhiên, để huy động số lượng xe phù hợp, tránh tình trạng xe không chở bệnh mà chở hành khách khác, Sở Y tế chỉ đạo các BV ước tính số lượng BN có nhu cầu (BN xuất viện) cung cấp cho Sở Y tế để điều phối xe.
|
Bình luận (0)