Nhật Cường nhận việc chẳng ai làm
Trả lời ý kiến của đại biểu Đỗ Thùy Dương (Cầu Giấy) về việc thành phố nên xây dựng mạng lưới giao thông thông minh, có chức năng cảnh báo cho người dân biết đường tắc, Chủ tịch Hà Nội cho biết, hiện nay thành phố mới xây dựng được bản đồ thực của ngập úng, cố gắng trước tháng 6.2020 sẽ xong trung tâm điều hành giao thông thông minh, thì sẽ triển khai được bản đồ thực về ùn tắc cho người dân.
Bên cạnh việc khẳng định thành phố “đang triển khai rất quyết liệt”, ông Chung cũng trần tình: “Thực ra, hành trình này đáng lẽ chúng ta xong sớm rồi".
Theo ông Nguyễn Đức Chung, khi bắt đầu xây dựng chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin của thành phố, Hà Nội đã mời các tập đoàn lớn, các công ty làm công nghệ thông tin vào, công khai các dự án, xem ai làm được cái gì.
Thời điểm đó, Viettel đồng ý xây dựng trung tâm công nghệ thông tin, FPT nhận nghiên cứu giao thông thông minh, GMC thì xây dựng bản đồ số về đất đai.
Còn "Nhật Cường nhận xây dựng dịch vụ công, là cái khó nhất, vì phải lọ mọ từ phường, xã gặp cán bộ để hiểu quy trình công tác thì mới số hóa được nó. (Đó là việc) người ta ngại nhất, chẳng ai làm”, theo ông Chung.
Tuy vậy, Chủ tịch thành phố vẫn tỏ ra tự tin về chương trình công nghệ thông tin này, cho biết tuy Hà Nội khởi động chậm, nhưng có thể đón đầu để tiếp cận với phiên bản 2.0, 3.0 mà hiện thế giới đang triển khai.
“Hà Nội sẽ xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh, tích hợp với phòng chống tội phạm, phục vụ báo chí, nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng biển số xe, bản đồ úng ngập… tất tần tật ở trong này. Đề án này đã giao cho các quận, huyện xây dựng dự án camera giám sát, thành phố xây dựng trung tâm điều hành. Chúng tôi phấn đấu hoàn thành trong tháng 6.2020”, ông Chung nói.
"Cháy Rạng Đông, nước mặt sông Đuống đáng lẽ không đến nỗi nóng như thế"
Cũng tại phiên họp tổ, ông Nguyễn Đức Chung thừa nhận công tác tuyên truyền của thành phố "có vấn đề", và qua các sự cố truyền thông vừa qua mới bộc lộ rõ điểm yếu.
Theo ông Chung, nhìn thấy điểm này, thành phố đã xây dựng và ban hành quy chế người phát ngôn. Theo đó, trách nhiệm này thuộc về thủ trưởng và chánh văn phòng các đơn vị.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn có tâm lý chung: thứ nhất không cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, thứ hai là ngại tiếp xúc, nên cuối cùng thông tin bị sai lệch đi.
“Điển hình, một số vấn đề không đến mức nóng như thế: từ cháy Rạng Đông đến nước mặt sông Đuống, là do truyền thông”, ông Chung nhấn mạnh.
Nhìn nhận “đây là một điểm yếu, ngay cả của UBND TP”, Chủ tịch Hà Nội cho biết trong các cuộc giao ban đã quán triệt: thủ trưởng các đơn vị, người phát ngôn, khi có vấn đề - kể cả việc tốt, việc xấu, việc chưa làm được, cũng chủ động cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, chủ động tiếp cận để thông tin, chứ không phải bị động.
“Đấy là giải pháp của tôi”, ông Chung nói.
Bình luận (0)