Chưa đồng tình đưa hộ kinh doanh vào luật Doanh nghiệp

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/10/2019 07:42 GMT+7

Nhiều đề xuất tại các dự án luật Doanh nghiệp sửa đổi và luật Đầu tư sửa đổi chưa nhận được sự đồng tình của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp hôm qua (16.10).

Một trong những đề xuất được Chính phủ đưa ra trong dự thảo luật Doanh nghiệp sửa đổi dự kiến trình Quốc hội là bổ sung hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật Doanh nghiệp.

Tác động gần 5 triệu hộ kinh doanh

Tờ trình của Chính phủ về dự án luật do ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, cho hay nội dung cơ bản của quy định về hộ kinh doanh là tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh và bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như: chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện...).
Tuy nhiên, hầu hết các thành viên Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội (QH) băn khoăn với đề xuất này. Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị cân nhắc vì việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh vào luật sẽ tác động tới gần 5 triệu hộ kinh doanh và hàng chục triệu lao động. Trong khi đó, việc bổ sung vào luật thì đồng nghĩa với việc phải có chế tài, nên càng phải tính toán kỹ lưỡng.
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng băn khoăn khi điều này có thể cản trở hộ sản xuất kinh doanh và đề nghị có thể sửa đổi, bổ sung nghị định để giải quyết vướng mắc, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển chứ không nhất thiết phải đưa vào luật.
Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định, đây là một đề xuất chính sách lớn, nhưng chưa đánh giá tác động đầy đủ. Bà Ngân đề nghị chỉ nên bổ sung những vấn đề đã rõ, đã chín và đánh giá được tác động.

Làm từ thiện cũng cần chứng chỉ?

Một đề xuất khác trong dự thảo luật Đầu tư sửa đổi là bổ sung một số ngành nghề mới vào kinh doanh có điều kiện và cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng không nhận được sự đồng tình của các thành viên UBTVQH. Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển băn khoăn với đề nghị bổ sung việc kinh doanh cơ sở cai nghiện thuốc lá, điều trị HIV/AID, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em... vào danh mục kinh doanh có điều kiện. Ông cho rằng quy định này có thể khiến những cơ sở thiện nguyện phải đóng cửa.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đánh giá nếu yêu cầu những cơ sở bảo trợ người già phải có bằng đại học và chứng chỉ được Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cấp hay yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, điều kiện y tế... thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho họ.
“Nhiều người đang sống lang thang ngoài đường, người ta đưa về nhà nuôi, bây giờ yêu cầu người ta phải chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, phải có đủ điều kiện y tế chăm sóc người già mới cho làm thì tôi băn khoăn có phù hợp với điều kiện thực tế hay không?”, bà Ngân nói và đề nghị những ngành nghề không ảnh hưởng tới quốc kế dân sinh, nhất là việc từ thiện, thiện nguyện, nhân đức thì không nên tăng thêm các điều kiện, rào cản.
Về đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khi trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật đề nghị không nên cấm hoạt động kinh doanh này. Thay vào đó, theo ông, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ.

Thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP.Hà Nội

Tại phiên họp ngày 16.10, UBTVQH thống nhất trình QH xem xét, thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND phường tại TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo dự thảo nghị quyết, tại những phường thí điểm, HĐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc, UBND phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thành lập. Dự thảo cũng bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng, cơ cấu tổ chức của UBND, chủ tịch UBND tại những nơi không có HĐND phường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.