Cương thổ Tây Nam: Những người cắm mốc

09/10/2019 07:00 GMT+7

Rất nhiều mồ hôi, thậm chí cả máu của những người làm nhiệm vụ phân giới cắm mốc đã đổ xuống cùng với 317 mốc chính, 315 mốc phụ và 1.042 km đường phân giới trên toàn tuyến biên giới Tây Nam.

Đại tá Trịnh Văn Biên có thâm niên gần 20 năm gắn bó với tuyến biên giới VN - Campuchia nên thấm thía: “Rất nhiều mồ hôi, thậm chí cả máu của anh em làm nhiệm vụ phân giới cắm mốc đã đổ xuống cùng với 317 mốc chính, 315 mốc phụ và 1.042 km đường phân giới trên toàn tuyến”.

Sức người là chính

Giờ đang giữ cương vị Đồn trưởng Đồn biên phòng (ĐBP) Bù Đốp, Bình Phước, nhưng cứ nói đến chuyện phân giới cắm mốc (PGCM) là thiếu tá Phạm Văn Chỉnh lại sáng bừng mắt, say sưa kể về quãng thời gian gần 10 năm làm đội trưởng đội PGCM số 5 của tỉnh Bình Phước.
Bình Phước giáp với 3 tỉnh Tbong Khmun, Kratie và Mondulkiri của Campuchia. Trong đó, PGCM tuyến biên giới giáp với tỉnh Mondulkiri là gian nan nhất, vì đường sá đi lại hiểm trở. Có đoạn chỉ cách 1 km đường chim bay, nhưng để đến được vị trí đặt mốc phải đi bộ đường vòng trong rừng 3 - 4 giờ. Các chuyến thực địa thường kéo dài và chuyện dựng lều bạt sinh hoạt trong rừng, chống chọi với muỗi vắt, rắn độc là thường tình.
“Hồi cuối 2007 cả nhóm đi phân giới dọc tuyến sông Đăk Huýt, phải bám dây thừng để bơi qua sông. Hôm ấy, phiên dịch Cao Xuân Trọng là người cuối cùng qua sông để mở nút dây thừng. Do nước trên thượng nguồn đổ về, anh Trọng bị dòng nước cuốn xa vài ki lô mét, may mắn lắm mới bám được cành cây, vào bờ an toàn”, thiếu tá Chỉnh kể lại và nói: “Khó khăn trong công tác PGCM không chỉ là việc đi lại, ăn ở, vượt sông, băng rừng mà còn trong công tác phối hợp song phương. Nhiều đoạn biên giới vẫn còn vướng mắc trong công tác xác định vị trí, quy tập cồn bãi, nên phải tiến hành xác định, đo đạc và đàm phán nhiều lần”.
Cương thổ Tây Nam: Những người cắm mốc1

Ông Lê Xuân Phong (bìa trái) đứng trên diện tích đất đã hiến cho BĐBP xây trạm kiểm soát

Với đại úy Nguyễn Văn Tuấn, Phó đồn trưởng ĐBP Đắk Bô, thì những ngày tham gia PGCM ở tuyến Bù Gia Mập là những ngày gian nan nhất. Cột mốc nặng vài tạ được xe reo chở từ cửa rừng vào, khi đến gần vị trí cắm mốc phải dùng sức người khênh cáng, có khi cả tuần mới tới nơi. Có nhiều đoạn không thể khênh, bộ đội phải đóng bè chở mốc và dùng sức người kéo ngược dòng chảy. Rất nhiều cán bộ chiến sĩ bị sốt rét, bệnh nặng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ PGCM. “Bên mình chủ yếu dùng sức người và ý chí của bộ đội. Bên Campuchia, chỗ nào khó khăn quá thì họ dùng trực thăng cẩu mốc đến hạ đặt và chỉ dùng sức người khi thực hiện cắm, xây dựng mốc giới”, đại úy Tuấn kể.

Những cột mốc sống

Sáu Kề là tên gọi thân thuộc của BĐBP đồn Phước Chỉ dành cho ông Nguyễn Văn Tiện (ngụ ấp 4, xã Mỹ Quí Đông, H.Đức Huệ, Long An). Là dân Long An nhưng ông sinh ra, lớn lên ở vùng biên A8 thuộc ấp Phước Mỹ (xã Phước Chỉ, H.Trảng Bàng, Tây Ninh). Năm 1977, khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, vợ và 2 con ông bị Pôn Pốt sát hại. Quá đau đớn, ông đã định bỏ đi nơi khác nhưng nghĩ đến vợ con và tiếc mồ hôi công sức, ông quay trở lại và sang bờ rạch phía đối diện thuộc tỉnh Long An để khẩn đất cất nhà. Phần đất ở nhà cũ diện tích hơn 1.500 m2, ông hiến tặng ĐBP Phước Chỉ để dựng chốt K1. Hiện cả 3 thành viên trong gia đình ông đều phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống.
Cương thổ Tây Nam: Những người cắm mốc2

Lực lượng phân giới cắm mốc kiểm tra tiến độ xây dựng mốc 120, Tây Ninh, năm 2010

Nhà chỉ cách đường biên chưa đầy 200 m, nên hằng ngày đi làm đồng, chăn trâu, bắt chuột, hễ thấy có dấu hiệu gì lạ ngoài biên giới là ông Sáu Kề báo ngay cho anh em ở chốt biết để nhanh chóng xử lý. Mấy năm trước, huyện đầu tư làm con đường từ ngoài chạy vào vùng biên A8, ngang qua đất của ông, nhưng ông cũng không đòi quyền lợi, thậm chí còn cho anh em ở chốt K1 gần 100 m2 để tăng gia sản xuất. Năm 2017, khi thực hiện PGCM và cột mốc phụ 176 được cắm ngay giữa phần đất ruộng gần 2 ha của gia đình nhưng ông Sáu Kề không đòi bồi thường, thậm chí còn đăng ký tham gia tự quản cột mốc. Cuối năm 2018, lực lượng chức năng 2 nước triển khai xây dựng 2 tuyến đường Vành đai biên giới bên phía Campuchia và đường Tuần tra biên giới bên phía VN, thì toàn bộ diện tích đất còn lại của ông Sáu Kề và một số bà con đều nằm trọn trong 2 dự án. Dẫu thiệt thòi, ông Sáu Kề vẫn cười: “Hiến mấy công đất để các chú biên phòng bảo vệ biên giới cùng bà con mình và gia đình mình thì có nhằm nhò gì đâu”.
Ở ấp Rừng Dầu (xã Tân Thuận, H.Bến Cầu, Tây Ninh), ông Lê Xuân Phong có mảnh đất ruộng trên 1,5 ha nằm sát đường biên. 15 năm trước, ông Phong đã dành hơn 150 m2 đất nằm ngay đầu con đường tiểu ngạch nối liền từ xã Tiên Thuận sang phường Ba-Vet (Svay Rieng, Campuchia) cho ĐBP cửa khẩu quốc tế Mộc Bài dựng chốt kiểm soát. Năm 2008, ông Phong lại bàn giao hơn 2.000 m2 đất ruộng của mình để phục vụ cho công tác PGCM mà không hề đòi hỏi quyền lợi gì. “Nhiều người can ngăn, bảo đó là đất vàng ở cửa khẩu trọng điểm lớn miền Nam. Nhưng với tui thì Tổ quốc trên hết”, ông Phong cười.
Kể về những gương nông dân khẳng khái, thật thà, tuy nghèo nhưng luôn tâm niệm “Tổ quốc là trên hết”, đại tá Nguyễn Tài Sơn, Chính ủy BĐBP tỉnh Tây Ninh, thấm thía: “Nếu không có sự cưu mang đùm bọc, hỗ trợ giúp đỡ của bà con nhân dân sống dọc đường biên thì chúng tôi khó mà hoàn thành được nhiệm vụ của mình và xây dựng được lũy thép biên phòng toàn dân vững mạnh như hôm nay”. (còn tiếp)
…“Ban đầu, việc PGCM gặp nhiều khó khăn từ phía Campuchia như: Bạn thiếu kinh nghiệm trong xây dựng các văn kiện pháp lý về biên giới, nên thường tỏ ý “nghi ngờ” về các đề xuất của phía ta; khối lượng công việc lớn nhưng nhân lực phía bạn vừa mỏng vừa yếu về pháp lý, nên đã nảy sinh vấn đề nội bộ giữa các cấp làm việc, ảnh hưởng nhiều tới tiến độ đàm phán PGCM… Từ sau chiến thắng tuyệt đối của Đảng Nhân dân (CPP) trong bầu cử năm 2018, tình hình Campuchia cơ bản ổn định, trên thực địa không còn các hoạt động chống phá của phe đối lập, Thủ tướng Hun Sen bày tỏ mong muốn hoàn thành 100% công tác PGCM biên giới đất liền với VN.
(Đại tá Trịnh Văn Biên, Phó trưởng phòng Quản lý biên giới, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng)
Trải qua 36 năm đàm phán về biên giới, kể từ Hiệp định quy chế quản lý biên giới năm 1983 đến nay (2019), VN - Campuchia đã hoàn thành phân giới cắm mốc đối với khoảng 1.045 km đường biên giới đất liền VN - Campuchia, xây dựng được 315 cột mốc chính, 1.511 cột mốc phụ, 221 cọc dấu, tức là đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến. Tính đến nay, trung bình trên toàn tuyến biên giới đã phân giới cắm mốc, cứ 670 m có 1 cột mốc hoặc cọc dấu.
(Nguồn: Bộ Tư lệnh BĐBP)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.