Cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Giang Triệu Thị Chính kháng cáo kêu oan

Thái Sơn
Thái Sơn
06/11/2019 16:43 GMT+7

Bị cáo Triệu Thị Chính, cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Hà Giang, đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm vụ gian lận điểm thi năm 2018 tại Hà Giang, với lý do "bị oan".

Liên quan tới vụ gian lận điểm thi trong trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hà Giang, bị cáo Triệu Thị Chính, cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Hà Giang, đã có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung trong bản án liên quan tới bị cáo.

Vụ gian lận thi ở Hà Giang: 5 bị cáo lãnh án

Lý do kháng cáo được bị cáo này đưa ra là “tôi không có tội, tôi bị oan", theo cáo buộc tại cáo trạng của Viện KSND tỉnh Hà Giang và bản án sơ thẩm số 46/2019/HS-ST ngày 25.10 phần quyết định và những vấn đề liên quan đến bị cáo Chính.
Từ đó, cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Giang đề nghị tòa cấp phúc thẩm giải quyết hành vi của bị cáo không cấu thành tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi, theo điều 358 bộ luật Hình sự.
Trước đó, tại phiên xét xử phúc thẩm, bị cáo Triệu Thị Chính là người duy nhất trong 5 bị cáo kêu oan, không thừa nhận tội danh như cáo trạng truy tố. Tại tòa, bị cáo này vừa khóc vừa cho rằng việc bản thân cung cấp danh sách các thí sinh cho bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, cựu Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Hà Giang, nhằm mục đích “xem điểm”, không phải là “nâng điểm”, như quy buộc của Viện KSND.
3 luật sư bào chữa cho bị cáo Chính cũng đưa ra nhiều luận điểm cho rằng thân chủ họ không phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
Tuy nhiên, HĐXX nhận định, bị cáo Triệu Thị Chính, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, là Phó chủ tịch Hội đồng thi kiêm Trưởng ban chấm thi; là người có chức vụ quyền hạn, đã gặp và đưa cho Nguyễn Thanh Hoài một tờ giấy khổ A4 có danh sách chữ đánh máy tính gồm thông tin của 13 thí sinh, nhờ Hoài nâng điểm môn ngữ văn.
Trong danh sách này có con gái của ông Triệu Tài Vinh, cựu Bí thứ tỉnh Hà Giang; cháu của bà Nguyễn Thị Nga, vợ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn...
Theo HĐXX, lời khai của bị cáo Hoài tại tòa khẳng định bị cáo Chính đưa danh sách các thí sinh là nhờ nâng điểm; lời khai của bị cáo Lương được nhìn thấy danh sách 13 thí sinh là có căn cứ đáng tin cậy.
Với chức vụ của mình, bị cáo Chính đã dùng ảnh hưởng để tác động ghép phách, kiểm dò, nâng điểm môn ngữ văn. Tội phạm hoàn thành từ khi bị cáo Chính đưa danh sách cho bị cáo Hoài. Hành vi của bị cáo Chính được HĐXX xác định là lỗi cố ý trực tiếp. Ngoài ra, không có căn cứ chứng minh bị cáo nhận tiền, tài sản khác để trục lợi.
Do đó, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Triệu Thị Chính 2 năm tù, cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý giáo dục trong một năm. Mức án này ít hơn 6 tháng so với đề nghị của Viện KSND tỉnh Hà Giang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.