Không để lây nhiễm dịch trong lúc chống bão số 5
Tại cuộc họp, Nguyễn Văn Quảng cho biết, bão số 5 là cơn bão mạnh, đường đi hết sức phức tạp. Cơn bão này dự báo sẽ đi vào hướng Đà Nẵng. Do đó, ông Quảng yêu cầu phải xây dựng phương án bão sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng, từ đó chuẩn bị cấp độ cao nhất để khi có tình huống xấu xảy ra thì có phương án xử lý. Ông Quảng cho rằng “chưa có tiền lệ vì vừa phải chống bão vừa chống dịch nên đây là chuyện khó”. Dù Đà Nẵng có kinh nghiệm chống bão nhưng không được chủ quan.
“Cái khó lần này là vừa chống bão nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch, không để lây nhiễm dịch bệnh trong lúc chống bão. Việc tổ chức lực lượng và quá trình di dân là vấn đề lớn, tôi đề nghị các sở ngành, địa phương và các lực lượng chủ động trong việc triển khai các biện pháp chống bão. Đặt tâm thế và phương án trong điều kiện vừa chống bão và chống dịch”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu.
|
Về các vấn đề cụ thể, ông Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo, các địa phương Sơn Trà, Liên Chiểu, Hòa Vang… tập trung phương án chống ngập úng. Nhất là khu vực H.Hòa Vang có phương án chi tiết xử lý tình huống sạt lở. Các công trình dự án trọng điểm, các địa điểm xung yếu; các khu cách ly tập trung; bệnh viện dã chiến phải được xây dựng phương án chống bão số 5 cụ thể.
Di dời người dân đảm bảo giãn cách
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay, mặc dù thời điểm này âu thuyền Thọ Quang đang đóng và rất lo ngại về tình hình dịch nhưng vì sự an toàn của người dân nên phải mở ngay âu thuyền Thọ Quang để đưa thuyền vào. Khi tàu cá và ngư dân vào bờ, Bộ đội biên phòng phải kiểm soát người ra vào và phải xét nghiệm Covid-19. Trước mắt, yêu cầu ngư dân ở trên tàu và chuẩn bị phương án bố trí người dân lên bờ khi bão vào. “Quận Sơn Trà phải có địa điểm để đưa ngư dân lên bờ để cách ly tập trung. Chúng ta phải xử lý như khi thực hiện việc cách ly y tế tập trung…”, ông Quảng nói.
Theo ông Quảng, các địa phương phải xây dựng chi tiết phương án di dời dân, xác định rõ những nơi an toàn, bố trí nhiều địa điểm để di dời. Khi di dời trong vùng đỏ phải thực hiện như phương án giãn dân. “Tôi đề nghị xây dựng kịch bản chi tiết trong việc này trong bối cảnh phải đảm bảo về việc giãn cách trong quá trình di dời dân và các địa điểm bố trí dân ở. Nguyên tắc mỗi hộ gia đình phải được bố trí 1 phòng”, ông Quảng nói.
|
Ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị UBND TP và Sở Công thương phải có phương án tích trữ lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu trong thời gian chống bão. Các sở ngành, địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra trong ngày 11.9 các công tác chuẩn bị phòng chống bão tận cơ sở, xã phường, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc bố trí di dời dân trước thời điểm bão đổ bộ.
“Sở Y tế rà soát các khu phong tỏa, các khu cách ly đảm bảo các điều kiện về phòng chống lụt bão. Khi bão số 5 vào, các hoạt động cơ bản phải dừng lại nên phải đảm bảo ăn uống hằng ngày tại các khu này; đảm bảo việc xét nghiệm người dân sơ tán”, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng nói: “Công an TP rà soát các điều kiện đảm bảo cho các chốt kiểm soát ra vào TP khi bão số 5 vào”.
Trước 17 giờ chiều 11.9, các địa phương phải hoàn thành việc chống bãoChiều tối 10.9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Đà Nẵng (BCH) cho hay, sẽ sơ tán hơn 58.000 người dân theo kịch bản ứng phó với bão cấp 8-11.
Theo BCH, trong số này có hơn 18.700 người dân ở trong các khu nhà tạm, nhà không kiên cố được sơ tán tập trung trước bão số 5.
BCH đã yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình mưa bão, yêu cầu lực lượng chức năng hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, sơ tán dân đến nơi an toàn vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, nhất là tại các khu vực dân cư đang sống ở trong những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối…
Đáng chú ý, BCH đã ấn định mốc thời gian trước 17 giờ ngày mai (11.9), các phần việc chống bão số 5 do các địa phương, các sở ngành đảm nhận phải hoàn thành. Cụ thể, UBND các quận ven biển thông báo, yêu cầu các chủ phương tiện neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định, tổ chức kéo tàu thuyền nhỏ, thuyền thúng lên bờ; di dời các tàu kinh doanh xăng dầu ra khỏi âu thuyền và cảng cá neo đậu tại khu vực phù hợp, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ; các chủ đầu tư tổ chức phòng chống cho các công trình xây dựng, có biện pháp neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, lưới bao che, hàng rào tôn, cần tháp, cẩu và thiết bị thi công trên cao đảm bảo an toàn…
Chiều 10.9, tại cuộc họp bàn công tác chống bão số 5 vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết, yêu cầu các địa phương cần quan tâm hỗ trợ những hộ đã đi cách ly gia cố nhà cửa. Các khu cách ly tại trường học phải đảm bảo an toàn. Phương án lương, thực phẩm cho sơ tán phải chuẩn bị chu đáo.
“Về địa điểm sơ tán dân cần khảo sát chu đáo, an toàn, không nhất thiết phải di dân sớm khi công tác chuẩn bị chưa chu đáo. Việc vận chuyển người dân ở vùng xanh có thể di chuyển đến nơi an toàn nhưng đảm bảo giãn cách. Còn các khu vực khác thì cần thiết phải test nhanh để kiểm tra đảm bảo an toàn”, ông Triết nói.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng chỉ đạo các quận huyện, xã phường tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân trong chống bão số 5, như: cấp giấy đi đường, mở các cửa hàng điện nước… “UBND TP sẽ có chỉ đạo cụ thể tuy nhiên các địa phương không cứng nhắc, máy móc việc này”, ông Chinh nhấn mạnh.
Theo dự báo của ngành chức năng, bão số 5 là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp. Dự kiến, bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền TP.Đà Nẵng vào rạng sáng 12.9, gây gió mạnh khu vực ven biển và đất liền, nguy cơ mưa lớn, lũ lớn gây ngập lụt vùng trũng thấp và các khu dân cư.
|
Bình luận (0)