Dân thủ đô 'khát' nước sạch: Lỗ hổng kinh người trong quản lý!

17/10/2019 07:00 GMT+7

Bất bình về sự cố nước sạch ở Hà Nội bị nhiễm bẩn, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN-PTNT), ngày 16.10 cho rằng phản ứng của TP.Hà Nội là quá chậm.

Theo ông, xét về trách nhiệm, đầu tiên phải nói đến Viwasupco, đặc biệt là những người đứng đầu doanh nghiệp. Viwasupco đã phát hiện ra dầu loang ở nguồn nước nguyên liệu, biết rõ mình không đủ khả năng xử lý, nhưng không báo cáo, vẫn tiếp tục cấp nước về Hà Nội cho người dân sử dụng là “rất tàn nhẫn, đặt sinh mạng của cả triệu người dưới lợi nhuận kinh doanh”.
Ông cũng đề nghị cần xem xét năng lực các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm về nguồn nước sinh hoạt cho người dân như Sở Xây dựng, Sở Y tế..., trách nhiệm của UBND TP.Hà Nội đã chậm đưa ra khuyến cáo, phải gắn với trách nhiệm từng cá nhân phụ trách. “Sau sự cố cháy Công ty Rạng Đông, nay lại thêm sự cố nguồn nước không đảm bảo, giả sử kẻ xấu đổ thuốc độc vào đầu nguồn nước, mà phản ứng chậm như vậy, biện pháp phòng vệ yếu kém thế đến gần 1 tuần mới đưa ra cảnh báo thì hậu quả sẽ ra sao?”, GS Hồng lo lắng.
Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban KH-CN, môi trường của Quốc hội, cho rằng “một lỗ hổng kinh người trong quản lý”. Ngoài Viwasupco có lỗi hoàn toàn, phải chịu trách nhiệm rồi, thì vấn đề còn thuộc về những người có trách nhiệm trong chính quyền, trong các cơ quan quản lý nhà nước.
“Thấy dân người ta hoang mang như thế, mà sự việc xảy ra ở 2 tỉnh, thì lẽ ra Bộ Công an phải vào cuộc, chỉ đạo lực lượng vào làm rõ. Dầu thải là thuộc về nguồn chất thải nguy hại, nó phải được xử lý rất nghiêm ngặt, lại bị đổ ra ngoài sông hồ mà còn lọt vào nguồn nước sạch cung cấp cho người dân thủ đô. Người ta hoàn toàn đủ nhận thức để biết việc này nguy hiểm như thế nào. Nếu công an vào cuộc kịp thời thì công ty đó sẽ bị xử lý, ngăn chặn ngay từ đầu, không thể để kéo dài đến hôm nay được. Nếu không phải dầu thải mà là chất khác, thì có phải là thảm họa rồi không?”, bà Khánh đặt câu hỏi, đồng thời nêu băn khoăn về việc Bộ Công an có hẳn lực lượng cảnh sát môi trường mà không hiểu vì sao đến giờ vẫn chưa lên tiếng.
Bà nói thêm: “Tôi cho rằng phải xem lại trách nhiệm của những người có trách nhiệm. Những việc như Rạng Đông, nước sạch bị nhiễm dầu bẩn thể hiện rõ bản chất của nền hành chính của chúng ta hiện nay, rất thiếu sự phối hợp. Tôi thấy một lỗ hổng kinh người trong quản lý”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.