Tiếp tục làm việc tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 14, sáng nay (12.11), các đại biểu thảo luận tại hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Trước đó, theo báo cáo của Chính phủ, Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) được Quốc hội thông qua chủ trương năm 2015 bằng Nghị quyết 94. Năm 2017, Quốc hội tiếp tục chấp thuận tại Nghị quyết 38 tách riêng dự án giải phóng mặt bằng giao cho Đồng Nai. Phần cảng và hạng mục khác giao cho Chính phủ đứng ra chủ trì.
Theo chủ trương, dự án sẽ được xây dựng với công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ 3 giai đoạn là 336.600 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD).
Theo tờ trình, giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư 1 đường băng và 1 nhà ga hành khách, cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng mức đầu tư theo phương án kiến nghị là 111.689 tỉ đồng (tương đương 4,779 tỉ USD). Chậm nhất đến năm 2025 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.
Một nội dung đặc biệt quan trọng là Chính phủ xin Quốc hội cho ý kiến “chỉ định thầu” cho Tổng Công ty Cảng hàng không VN (ACV). Theo đó, ACV sẽ lo các hạng mục thiết yếu của cảng, công trình phụ trợ,… với tổng mức đầu tư hơn 4,6 tỉ USD (khoảng 108.233 tỉ đồng).
Lý do Chính phủ “chọn mặt gửi vàng” cho ACV được lý giải vì công ty này đang quản lý 21 sân bay, có đủ kinh nghiệm để quản lý; giảm thời gian đầu tư được 1 năm (khởi công 2021 và đưa vào sử dụng 2025)…
|
Góp ý cho dự án, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) lo ngại, theo báo cáo giải trình thì ACV chỉ đáp ứng được 1/3 vốn cho dự án, còn hơn 2,6 tỉ USD phải đi huy động. “ACV là doanh nghiệp nhà nước sở hữu 95% vốn, nếu có rủi ro gì thì nhà nước vẫn phải gánh chứ không thế nói không bảo lãnh thì không có trách nhiệm gì”, ĐB Cường lo ngại.
Bên cạnh đó, Chính phủ cho rằng chỉ ACV có kinh nghiệm, năng lực nhưng cũng không ai khẳng định được khối tư nhân không có năng lực, không thể làm được. Nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa có kinh nghiệm, nhưng trên thực tế, khi đầu tư các dự án lại khá chất lượng, hiệu quả, hoàn thành trong thời gian rất ngắn.
“Như sân bay Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group làm được lựa chọn là 1 trong 6 sân bay mới đưa vào khai thác tốt nhất”, đại biểu Cường ví dụ.
Phát biểu ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) không đồng tình với ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường.
“Sun Group làm được Vân Đồn, tại sao ACV không làm được, vì ACV có tiềm lực, có kinh nghiệm và có sự chỉ đạo của Chính phủ…”, ông Hồng bày tỏ, và khen thời gian vừa qua, Chủ tịch ACV đã làm rất tốt công tác chuẩn bị, truyền thông tốt, vận động hành lang rất tốt.
Thậm chí, đại biểu Hồng cho rằng, nếu giao cho 1 doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện làm như ACV thì tương lai cả nước sẽ có một công nghiệp hàng không, điểm nhấn cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới.
Bình luận (0)