Đô thị thông minh lấy dân làm trung tâm

15/02/2020 07:50 GMT+7

'Phải lấy người dân làm trung tâm, đẩy mạnh tính tương tác giữa người dân và chính quyền', Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu đánh giá kết quả thí điểm đề án đô thị thông minh của Quận 1 và 12.

Chiều 14.2, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh tại 24 quận, huyện. Đề án này được phê duyệt cuối năm 2017, chọn Q.1 và Q.12 thí điểm trước.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND Quận 1, sau 2 năm thực hiện thí điểm xây dựng đô thị thông minh, quận đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, triển khai 9 dịch vụ công trực tuyến, chuyển từ nộp hồ sơ trực tiếp sang nộp hồ sơ trực tuyến. Quận cũng đã số hóa dữ liệu sổ hộ tịch 845.261 hồ sơ từ năm 1954 - 2009, tiếp tục số hóa hơn 319.000 hồ sơ từ 2010 đến nay.
Còn tại quận 12, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận, cho biết ngoài tương tác với người dân qua đường dây nóng của UBND và công an thì quận cũng lập kênh Facebook, Zalo để tiếp nhận thông tin của người dân. Ở lĩnh vực quản lý đô thị, quận đã ứng dụng ảnh viễn thám so sánh sự biến đổi của các công trình để xác định công trình đó có giấy phép hay không; cung cấp bản vẽ các mẫu nhà để người dân lựa chọn trong quá trình làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng.
Ở lĩnh vực an ninh trật tự, hơn 1.000 camera quan sát được kết nối về phường, nén dữ liệu rồi gửi về Công an Q.12 phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự. Ngoài ra, quận cũng đã thu thập dữ liệu dân cư của hơn 620.000 người, số hóa dữ liệu về giáo dục, y tế, nhà vệ sinh trên địa bàn.
Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, nhìn nhận kết nối dữ liệu đồng bộ là yếu tố sống còn trong vận hành đô thị thông minh. Do công nghệ thông tin phát triển nhanh, thay đổi trong 6 tháng đến 1 năm nên các quận, huyện cần phân kỳ đầu tư theo lộ trình. Trong khi đó, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết đã trình UBND TP.HCM thông qua 67 dự án đầu tư trong đề án đô thị thông minh. Hiện 5 dự án trung tâm điều hành đã được HĐND TP.HCM thông qua với tổng vốn đầu tư khoảng 2.600 tỉ đồng. Đối với 62 dự án còn lại, bà Mai đề nghị các quận, huyện phối hợp với Sở TT-TT xác định sự cần thiết, mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, tiến độ, kết nối đồng bộ để làm thủ tục đầu tư theo luật Đầu tư công.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu đánh giá kết quả thí điểm đề án đô thị thông minh của Quận 1, Quận 12 sau 2 năm triển khai để tiến tới kết nối đồng loạt. Ngoài ra, ông Phong yêu cầu các quận huyện tuyên truyền để người dân hiểu, tham gia cùng thành phố xây dựng đô thị thông minh. “Phải lấy người dân làm trung tâm, đẩy mạnh tính tương tác giữa người dân và chính quyền”, ông Phong nhấn mạnh. Người đứng đầu chính quyền TP.HCM so sánh quận huyện như các vệ tinh nên đề án đô thị thông minh của 24 quận, huyện phải kết nối dữ liệu với cơ quan chuyên môn, với thành phố. Các quận, huyện phải hoàn thành đề án đô thị thông minh trước ngày 15.3 để thực hiện các bước theo thủ tục đầu tư công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.