Đưa hối lộ, nhận hối lộ: Hình phạt cao nhất là 20 năm và tử hình
15/04/2019 12:31 GMT+7
Tội đưa hối lộ, tùy điều kiện, hình phạt cao nhất là 20 năm. Với tội nhận hối lộ, hình phạt cao nhất, tùy điều kiện, có thể bị phạt chung thân hoặc tử hình.
Tự động phát
[VIDEO] Nhận hối lộ 1 tỷ trở lên có thể ngồi tù 20 năm, chung thân đến tử hình
|
Như Thanh Niên đã thông tin, quá trình điều tra mở rộng vụ án vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tổng công ty viễn thông MobiFone và các đơn vị liên quan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã phát hiện thêm nhiều hành vi vi phạm pháp luật hình sự nghiêm trọng, ngày 12.4, C03 đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện các lệnh khám xét và bắt tạm giam Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), về tội đưa hối lộ, quy định tại khoản 4 điều 364 bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
C03 cũng ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với các ông: Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, cùng nguyên là Bộ trưởng Bộ TT-TT; Lê Nam Trà và Cao Duy Hải, nguyên là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc MobiFone, về tội nhận hối lộ, quy định tại khoản 4 điều 354 BLHS năm 2015.
Hối lộ trị giá 1 tỉ đồng trở lên: 20 năm tù
Qua vụ việc nêu trên, nhiều bạn đọc của Thanh Niên có nhiều ý kiến thắc mắc, muốn tìm hiểu về hình phạt đối với tội “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ”. Trao đổi với PV Thanh Niên về những thắc mắc này, luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho biết đưa hối lộ là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trực tiếp hoặc qua trung gian để đưa cho người có chức vụ, quyền hạn, để người này làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của mình.
Về hình phạt đối với người đưa hối lộ, LS Tuấn cho hay, người phạm tội đưa hối lộ sẽ bị xử lý theo điều 364 BLHS năm 2015, với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù nếu của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỉ đồng trở lên.
Nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ: Chuyển án tử hình thành chung thân
Còn đối với tội danh nhận hối lộ, LS Tuấn nêu, điều 354 BLHS năm 2015 quy định nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận, hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
|
“Mức hình phạt cao nhất đối với tội nhận hối lộ là tử hình nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỉ đồng trở lên, hoặc việc nhận hối lộ gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên. Ngoài ra, theo LS Tuấn người nhận hối lộ sau khi bị tòa tuyên án tử hình, nếu chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì sẽ không bị thi hành án tử hình, mà được chuyển thành tù chung thân theo quy định tại khoản 3 điều 40 BLHS năm 2015.
“Đồng thời, trường hợp người phạm tội nhận hối lộ rơi vào khoản 3 và khoản 4, khi của hối lộ từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 3 tỉ đồng trở lên thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Tức, dù thời điểm nhận hối lộ có thể là vài chục năm hoặc lâu hơn thế nhưng khi phát hiện, có đầy đủ chứng cứ, thì vẫn xử lý người phạm tội”, LS Tuấn nhấn mạnh.
Điều 364. Tội đưa hối lộ
1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.
7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
|
Điều 354. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
|
Bình luận (0)