Gần 26.000 hộ dân Khánh Hòa có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt do hạn hán

Nguyễn Chung
Nguyễn Chung
15/05/2020 09:49 GMT+7

Khô hạn đang diễn ra gay gắt tại nhiều nơi ở Khánh Hòa. Dự báo nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, có gần 26.000 hộ dân, với hơn 100.000 người có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt .

Ngày 13.5, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết tỉnh này vừa ban hành phương án phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn toàn tỉnh. 

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, trong các tháng đầu năm 2020, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh hầu như không mưa. Tổng lượng mưa đo được toàn tỉnh chỉ đạt dưới 10 mm, một số sông suối nhỏ không còn dòng chảy. Dự báo từ nay đến hết tháng 8.2020, sẽ có thêm các đợt nắng nóng kéo dài. Trong trường hợp thiếu mưa, nắng hạn tiếp tục, ước tính sẽ có gần 26.000 hộ dân với hơn 100.000 người thiếu nước sinh hoạt

 

Đối với sản xuất nông nghiệp, chỉ sản xuất được 4.460 ha, còn diện tích khoanh vùng không sản xuất được khoảng 14.480 ha. Nắng hạn còn làm suy giảm lượng thức ăn tự nhiên của gia súc, gia cầm; thiếu nước, giảm sức đề kháng, dễ gây dịch bệnh trên vật nuôi. 

Một điểm cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn ở H.Khánh Sơn (Khánh Hòa)

Ảnh: V.N

 
Hiện nay, tình hình nắng hạn tại hai huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn đang rất khốc liệt. Mực nước các sông ở mức thấp, nhiều con suối gần như cạn dòng. Ông Đặng Thành Nhân, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Nam (H.Khánh Vĩnh), cho biết: “Địa phương cố gắng đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho dân bằng các giếng chống hạn, hệ thống nước tự chảy. Còn nước để phục vụ sản xuất thì rất nan giải. Các nhà vườn chủ yếu sử dụng nước sông suối, nhưng nguồn nước ngày càng cạn kiệt, nhiều suối tắt dòng chảy. Thiếu nước tưới, nhiều diện tích cây trồng héo hắt". 
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT H.Khánh Sơn, cho biết, toàn huyện có hơn 1.000 ha sầu riêng đang trong thời gian “nuôi trái”, dự kiến tháng 7 sẽ thu hoạch. Người dân đang dốc sức đào ao, khoan giếng để tìm nguồn nước. Nếu nắng hạn còn kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, có thể dẫn tới rụng trái, cây suy kiệt, cuộc sống bà con sẽ đối mặt nhiều khó khăn. 
 

Ưu tiên nước cho sinh hoạt

 

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành các giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước. Hai kịch bản chống hạn được tỉnh đưa ra trên nguyên tắc ưu tiên nước cho sinh hoạt. Theo đó, với kịch bản 1, tới trước tháng 6.2020, nếu thời tiết có mưa, lưu lượng nước trên các sông, suối, đập, hồ chứa nước được cải thiện, các địa phương, đơn vị chủ động tính toán, cân đối để điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông nghiệp cho phù hợp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai sản xuất. 

Người dân H.Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) lấy nước tưới từ lòng hồ đang cạn dần vì nắng hạn

Ảnh: Nguyễn Chung

 

Kịch bản 2 trong tháng 5, thời tiết không có mưa hoặc mưa không đáng kể, lượng dòng chảy trên sông suối thiếu hụt nghiêm trọng. Để đối phó với tình hình này, UBND tỉnh giao các địa phương sẵn sàng thực hiện các giải pháp nhằm cấp nước sinh hoạt cho người dân như: khoan thêm các giếng nước tại các thôn dự kiến thiếu nước, xây dựng thêm vòi nước công cộng, đầu tư mở rộng hệ thống nước máy, chở nước từ nơi khác đến các vùng hạn; cải tạo đường ống cấp nước, xây các bể chứa để cung cấp nước sinh hoạt… 

 

Theo UBND tỉnh, kinh phí thực hiện các phương án cấp nước sinh hoạt cho người dân được trích từ ngân sách nhà nước, quỹ phòng chống thiên tai và các nguồn hợp pháp khác. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh khoảng 88,6 tỉ đồng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.