Sáng 14.6, Công an TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết 3 tháng thực hiện chỉ đạo của Ban thường vụ Thành ủy về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn TP.HCM.
Hội nghị có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng; Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong; thượng tướng Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Công an; trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Ban giám đốc và lãnh đạo các phòng nghiệp vụ Công an TP.HCM; Trưởng công an 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố…
tin liên quan
'Sài Gòn vẫn bất an vì trộm cướp': Công an TP.HCM nói gì?‘Xu thế tội phạm trẻ hóa đang tăng lên. Tội phạm trẻ hóa có hành vi manh động, côn đồ, sẵn sàng chống trả lực lượng truy bắt’.
|
|
Báo cáo tại hội nghị, trung tướng Lê Đông Phong cho biết phạm pháp hình sự 3 tháng (từ 16.2.2016 - 15.5.2016) tại địa bàn thành phố ghi nhận xảy ra 1.173 vụ (so với cùng kỳ: giảm 86 vụ, so với liền kề: giảm 67 vụ) làm chết 22 người, bị thương 167 người, tài sản thiệt hại trị giá trên 33 tỉ đồng.
Theo trung tướng Lê Đông Phong, phạm pháp hình sự tuy đã được kéo giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều thách thức. Các băng nhóm tội phạm từ các tỉnh vào thành phố hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ giải trí nhạy cảm (vũ trường, quán bar…) tại khu vực trung tâm thành phố và ẩn náu trong các khu dân cư cao cấp hoặc núp bóng doanh nghiệp dịch vụ cầm đồ có chiều hướng co cụm và dịch chuyển sang các địa bàn vùng khác, móc nối với các băng nhóm, đối tượng hình sự tại địa phương để thực hiện các hoạt động đòi nợ thuê, cầm đồ, cho vay nặng lãi, tổ chức cờ bạc trái phép.
Cũng theo trung tướng Lê Đông Phong, tội phạm xâm phạm tài sản được Công an thành phố tập trung đấu tranh và liên tục kéo giảm nhưng vẫn xảy ra nhiều và chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu phạm pháp hình sự, nhất là án cướp giật, trộm tài sản. Các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội lừa đảo có tính quốc tế (do các đối tượng người Đài Loan hoặc Nigeria cầm đầu) trước đây tái xuất hiện như: lừa đảo qua điện thoại, sử dụng các trang mạng xã hội để kết bạn làm quen sau đó dẫn dụ nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt...
tin liên quan
Dẹp loạn ở bar, vũ trườngTrước tình trạng nhiều bar, vũ trường có nhiều hoạt động phức tạp liên quan giới giang hồ, lực lượng Công an TP.HCM đang tăng cường trấn áp.
“Công an TP.HCM huy động tổng lực tiếp tục tập trung trấn áp các loại tội phạm trên địa bàn, đặc biệt là cướp giật, trộm cắp để bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân, du khách”, trung tướng Lê Đông Phong khẳng định.
Trung tướng Lê Đông Phong nhìn nhận từ khi có chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố thì phạm pháp hình sự được kéo giảm; những nhóm mà Công an thành phố tập trung đấu tranh trấn áp đều có giảm.
“Công an thành phố lấy kết quả giảm đó để đối chiếu lại với các giải pháp mình đã thực hiện để phân tích, đánh giá tính hiệu quả của nó và mình tiếp tục thực hiện sao cho có hiệu quả hơn”, trung tướng Lê Đông Phong khẳng định.
|
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, trung tướng Lê Đông Phong nói: “Việc kéo giảm được tội phạm không làm cho mình tự mãn. Mình xác định là phải tiếp tục làm cho tốt hơn”.
“Mình vẫn phải đi sâu tìm hiểu nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm trên từng địa bàn, từng vụ việc cụ thể để có giải pháp khắc phục. Có như thế thì việc kéo giảm tội phạm mới ngày càng đi theo hướng tích cực và sự bền vững, ổn định các giải pháp mới căn cơ hơn”, ông Phong khẳng định thêm.
tin liên quan
Bí thư Đinh La Thăng: 10 triệu dân TP chịu thua loại thảo khấu sao?Bí thư Thăng nói: "10 triệu dân TP lại để chịu thua loại thảo khấu sao?". Nếu làm quyết liệt thì đám thảo khấu có nghĩa lý gì.
Án trộm cắp, cướp giật chiếm tỷ lệ cao nhất
Trung tướng Lê Đông Phong cho biết qua phân tích trong số 902 đối tượng bị bắt giữ cho thấy: Đối tượng có tiền án, tiền sự gây án chiếm tỷ lệ cao (đối tượng có tiền án chiếm 12,75%; đối tượng có tiền sự chiếm 26,16%); hầu hết là lao động tự do (67,62%) và không việc làm (32,37%); độ tuổi phần lớn từ 18 đến 30 tuổi (59,87%); đối tượng tại thành phố (62,53%), các tỉnh khác (28,38%). Có 16,3% đối tượng bị bắt nằm trong diện có hồ sơ quản lý nghiệp vụ.
Trong đó, án trộm tài sản xảy ra 622 vụ (giảm 68 vụ), chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu phạm pháp hình sự (53,03%), chủ yếu vẫn là trộm xe gắn máy (48,07%), tập trung nhiều tại Q.Gò Vấp, Thủ Đức, Q.2, Q. 12, Phú Nhuận, Tân Phú, Bình Thạnh, Q.9… đáng chú ý là xảy ra nhiều vụ trộm đột nhập với số tài sản bị chiếm đoạt có giá trị lớn có tính chuyên nghiệp cao. Riêng án trộm xe gắn máy chủ yếu là đối tượng lợi dụng sơ hở của nạn nhân để xe ngoài đường, trước các cửa nhà, cửa hàng không người trông coi hoặc đột nhập vào nhà cắt khóa trộm xe máy (83,25%). Thời gian gây án chủ yếu từ 18h - 6h sáng hôm sau (80,71%).
Án cướp giật tài sản xảy ra 218 vụ (giảm 10 vụ), chiếm tỷ lệ cao sau án trộm (18,58%), gần đây khi bị trấn áp mạnh ở trung tâm có dấu hiệu dạt ra vùng ven như Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh...; hầu hết là cướp giật có phương tiện (90,37%), phần lớn phát sinh trong số thanh thiếu niên thất nghiệp, nghiện ma túy (35,14%).
Án cướp tài sản xảy ra 45 vụ (giảm 12 vụ), hầu hết xảy ra ở vùng ven và giáp ranh như quận 12, huyện Bình Chánh (mỗi nơi 5 vụ), quận 7, Bình Tân (mỗi nơi 4 vụ), quận 3, Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn (mỗi nơi 3 vụ), Q.2, 8, 9, Bình Thạnh, Tân Phú (mỗi địa bàn xảy ra 02 vụ), ... Thủ đoạn chủ yếu vẫn là băng nhóm từ 2-4 tên dùng xe gắn máy kè theo nạn nhân tham gia giao thông đến những đoạn đường vắng, tối chặn đánh cướp tài sản hoặc phục sẵn nơi tối vắng, chặn đường dùng hung khí cướp tài sản (66,66%)…
|
Bình luận (0)