Tại phiên chất vấn Giám đốc Sở Du lịch của HĐND TP.HCM sáng ngày 11.7, đại biểu Cao Thanh Bình cho biết qua khảo sát, du lịch đường sông còn bộc lộ bất cập, hạ tầng kỹ thuật dọc bờ sông chưa được đầu tư, thiếu điểm nhấn thiết kế mỹ thuật.
Do đó, ĐB đề nghị Sở Du lịch cho biết chiến lược phát triển du lịch có định hướng gì, kết nối các công trình bờ sông Sài Gòn ra sao. Về du lịch y tế, ông Bình nhìn nhận y tế chuyên sâu là lợi thế tiềm năng của thành phố và đặt câu hỏi TP.HCM sẽ có kế hoạch gì để triển khai?
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết du lịch đường thủy, mỗi năm đón 450.000 khách du lịch quốc tế qua đường tàu biển nhưng khu vực phía nam gặp khó khăn bởi tàu thủy phải cập cảng Thị Vải - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) rồi đi ô tô về TP.
|
Về du lịch đường thủy nội địa, những năm gần đây có sự khởi sắc, hiện có 87 phương tiện khai thác 7 tuyến du lịch kết nối các tỉnh lân cận, đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia, Thái Lan. Dù vậy, ông Vũ nhận định đây là sản phẩm du lịch có tính tiềm năng, cần phải mất 3 - 5 năm để quy hoạch lại bờ sông Sài Gòn, các khu đô thị ven sông thì mới phát triển được.
Về du lịch y tế, theo thống kê, hằng năm người Việt Nam đi nước ngoài chữa bệnh khoảng 300.000 người, chi khoảng 2 tỉ USD, ngược lại người nước ngoài chi 1 tỉ USD, năng lực TP.HCM chiếm 40%. Ông Vũ cho biết TP.HCM đã khởi động từ 3 năm trước, tập trung phát triển du lịch y tế trên thế mạnh về tầm soát, y học dân tộc, nha khoa và spa, làm đẹp...
Tập trung vào du lịch nội địa
Về chiến lược phát triển du lịch sắp tới, ông Vũ thông tin dựa trên khảo sát của tư vấn và các chuyên gia đưa ra trong 15 cuộc hội thảo, TP đưa ra 9 nhóm giải pháp. Đầu tiên, TP phải giải quyết về giao thông, bao gồm cả giao thông hàng không. Sau dịch bệnh Covid-19, TP cơ cấu lại thị trường, đầu tư sản phẩm để tăng chi tiêu của du khách.
Hiện cơ cấu chi tiêu của du khách khi đến TP bao gồm 30 - 32% cho lưu trú, 18% cho giải trí, 14% cho ăn uống. Sắp tới, TP tập trung vào nhóm du khách ở thị trường có năng lực chi tiêu cao như châu Âu và khu vực Đông Bắc Á.
Ngoài ra, TP cũng có giải pháp quan tâm đến thị trường nội địa đang chiếm 32% doanh thu. Các sản phẩm mà TP sẽ tập trung phát triển bao gồm du lịch văn hóa, ẩm thực, mua sắm, đường thủy.
|
Ngoài ra, TP.HCM cũng phải nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ du lịch, trong 10 năm tới phải nếu muốn nằm trong top 20 TP du lịch của châu Á thì phải tăng gấp đôi số phòng hiện hữu (hiện TP.HCM có 4.800 khách sạn, 15.000 phòng cao cấp).
Về nguồn nhân lực, ông Vũ khẳng định TP.HCM xác định nguồn nhân lực rất quan trọng. Năm 2019, TP.HCM có 145.000 người làm việc trực tiếp trong ngành du lịch, trong đó 70% đã qua đào tạo. TP.HCM có thế mạnh là nơi có 54 trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành đạo tạo về du lịch. “Dù ứng dụng công nghệ thông tin thế nào thì nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch về kỹ năng, thái độ ứng xử văn hóa, thể hiện vai trò đại sứ phải luôn luôn được bồi đắp”, ông Vũ khẳng định.
Bình luận (0)