Sản phẩm du lịch văn hóa thiếu bản sắc

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
15/12/2019 09:36 GMT+7

Những chương trình nghệ thuật “hỗn hợp” bình bình, những sản phẩm lưu niệm quá giống nhau ở các điểm du lịch; hiếm có những tour trải nghiệm đặc sắc... là điểm yếu của du lịch Việt Nam .

Chương trình nghệ thuật xây dựng cho Hoàng thành Thăng Long đã chạy thử hồi đầu tháng 12 tại Hà Nội và sẽ tiếp tục được hoàn thiện. Ở đó, sân khấu được kết hợp cả sân khấu nước cho múa rối và sân khấu “khô” cho diễn viên. Các tiết mục không có chung chủ đề, cũng không cùng thể loại. Một chút múa Champa, một chút rối nước, một chút chầu văn. Nội dung cũng không kể câu chuyện gì về Hoàng thành Thăng Long cả. Có nghĩa là mang chương trình này đi diễn ở đâu cũng được. “Thực ra, chương trình nghệ thuật hỗn hợp như thế khá nhiều. Và vì thế nó sẽ không đặc sắc”, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc, nói.
Sản phẩm du lịch văn hóa thiếu bản sắc

Du khách tham gia bài chòi tại Hội An

Ảnh: Nguyễn Tú

Tìm câu chuyện của điểm đến

Nếu sử dụng quà lưu niệm giống nhau, biểu diễn giống nhau hết cả thì sẽ bão hòa và không còn ý nghĩa nữa. Việc có sản phẩm chuyên biệt, độc đáo riêng mới giúp phát triển du lịch bền vững

PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học

Tuy nhiên, Hoàng thành Thăng Long lại nổi trội ở tour trải nghiệm giáo dục cho học sinh. Tour trải nghiệm này có tên Em tập làm nhà khảo cổ. Với chương trình giáo dục này, học sinh được xuống các hố khảo cổ, được hướng dẫn đào khảo cổ để “phát hiện” những hiện vật đã được chuẩn bị ở đó. Các em cũng được học cách nhận biết các mảng gốm sứ, vật liệu kiến trúc đó là ở thời kỳ nào. Phần trải nghiệm vẽ lại, tô lại các hiện vật trên tranh cũng rất thú vị. “Tôi nghĩ đấy là một trải nghiệm thú vị. Nó làm Hoàng thành gần gũi hơn, khảo cổ học gần gũi hơn với các em. Đấy chính là phát huy giá trị di sản và cũng là sản phẩm du lịch văn hóa rất sáng tạo”, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học, nói. Chương trình như vậy, một khu di sản lớn như Tràng An (Ninh Bình) lại hoàn toàn chưa có.
Trong khi đó, Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) lại có cả không gian trải nghiệm lẫn gian hàng riêng với các sản phẩm lưu niệm được thiết kế riêng cho Văn Miếu. Các sản phẩm này không chỉ dừng lại ở áo phông nền đỏ sao vàng, hay thổ cẩm như các hàng lưu niệm khác vẫn bán nhan nhản. Nó được thiết kế dựa trên chính những câu chuyện của riêng di tích. Chẳng hạn, gian hàng bán những bình ủ nước nóng có in hình cá chép - gắn liền với câu chuyện Cá chép vượt vũ môn hóa rồng. Đèn ngủ ở đây được thiết kế giống như cuốn sách dày với những trang sách đang mở ra. Các USB, hộp bút cũng có các hoa văn được khắc trên bia của Văn Miếu...
Sản phẩm du lịch văn hóa thiếu bản sắc

Quà tặng ở Suối cá thần (Thanh Hóa) rất giống ở nhiều nơi với măng ớt muối và các loại củ ngâm rượu

Ảnh: Ngọc Thắng

Không phải điểm du lịch nào cũng làm được như Văn Miếu. “Cái thiếu hiện nay của các bảo tàng cũng như các di tích trên địa bàn Hà Nội và cả nước là các sản phẩm lưu niệm chỗ nào cũng giống chỗ nào. Chúng ta đến Văn Miếu, Bảo tàng Lịch sử hay phố cổ, các mặt hàng lưu niệm đều giống nhau hết. Và mua ở đâu cũng được. Rất nhiều hàng nhập từ Trung Quốc. Điều đó đã có từ nhiều năm nay. Bây giờ Văn Miếu khởi động việc tự mình thiết kế và sản xuất quà lưu niệm cũng như mặt hàng được bán mang bản sắc riêng là hướng đi rất tốt. Họ đã khai thác được các chi tiết văn hóa từ các bia tiến sĩ, từ kiến trúc và từ rất nhiều sách vở để tạo ra sản phẩm mang tính đa dạng. Đây là hướng đi có thể nói là rất tuyệt vời cần phát huy mở rộng”, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, nói.

Muốn phát triển phải có sản phẩm đặc thù

TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, cho rằng sản phẩm du lịch văn hóa, quà tặng văn hóa, tour trải nghiệm đặc thù là điểm yếu của du lịch Việt Nam. “Đến rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng mà không có đồ lưu niệm mang sắc thái ở đấy, từ Bắc đến Nam. Thậm chí, thổ cẩm cứ na ná nhau. Đấy là điểm yếu. Phải có sự đầu tư của doanh nghiệp, của nhà thiết kế, nhà khoa học tham gia vào. Phải làm cho mỗi vùng có một sắc thái quà tặng riêng. Tất nhiên, mỗi vùng thì cũng khó. Vì vậy, nên chọn những vùng lớn. Chẳng hạn, lễ hội chùa Hương phải có đặc thù là chỉ đến chùa Hương mới có. Côn Sơn, Kiếp Bạc cũng thế. Các trung tâm lớn phải thế, phải mang nét đặc thù vùng ấy”, ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL), cho biết hiện cũng chưa có nghiên cứu thống kê về việc bao nhiêu phần trăm khách nước ngoài tới Việt Nam có được quà tặng mang bản sắc địa phương như ý mang về. “Năm nay, tổng cục có làm điều tra khách, nhưng nội dung này lại không có trong bảng câu hỏi. Nội dung này tương đối hẹp vì hầu hết mọi người cũng mua cái gì đó, nhưng nó là hàng hóa sử dụng hay đồ lưu niệm hay không lại là việc khác”, ông Khánh cho biết.
PGS-TS Nguyễn Văn Huy lại cho rằng, hiện còn thiếu các công ty chuyên nghiệp chuyên sản xuất hàng lưu niệm, quà lưu niệm đối với bảo tàng và di tích, điểm đến du lịch. “Cần khuyến khích, tìm kiếm những công ty để họ nghiên cứu các sản phẩm phù hợp với từng di tích, từng bảo tàng. Như vậy, mỗi bảo tàng, mỗi di tích, điểm đến có sản phẩm rất riêng của mình. Điều đó sẽ làm đa dạng hóa sản phẩm và lúc đó mới thu được tiền từ khách du lịch. Nếu sử dụng quà lưu niệm giống nhau, biểu diễn giống nhau hết cả thì sẽ bão hòa và không còn ý nghĩa nữa. Việc có sản phẩm chuyên biệt, độc đáo riêng mới giúp phát triển du lịch bền vững”, ông Huy nói.
Sản phẩm du lịch văn hóa thiếu bản sắc

Những quầy sản phẩm lưu niệm như thế này không mang lại giá trị văn hóa cho khách tham quan

Ảnh: Ngọc Thắng

Theo TS Trần Hữu Sơn, để có được các sản phẩm văn hóa như chương trình biểu diễn, quà tặng... cho du lịch, trách nhiệm địa phương rất quan trọng. Nhà quản lý phải điều phối việc đó. Ông nhắc lại câu chuyện khi còn làm Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lào Cai: “Phải có sự chủ động của chính quyền, thậm chí chính quyền mời doanh nghiệp chuyên làm đến với mình. Khi làm sản phẩm ở Lào Cai, cả ngành nông nghiệp và văn hóa cùng làm gạo Séng Cù và tương ớt Mường Khương. Đầu tiên phải thuyết phục doanh nghiệp, rồi xây dựng bài bản thương hiệu. TP.Lào Cai phải cử người lên Mường Khương học làm tương ớt Mường Khương. Sau đó mang cả về Lào Cai làm nhưng vẫn đóng thương hiệu Mường Khương, quy trình Mường Khương. Mường Khương lại trở thành chi nhánh, sau đó Mường Khương đủ mạnh thì đứng riêng được và Lào Cai lại thành chi nhánh”.
Về chương trình nghệ thuật, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho rằng, cái gì giới thiệu được đúng bản sắc nghệ thuật thì sẽ được yêu quý. “Mang di sản làm hổ lốn thì không nên. Chèo là chèo, và chèo muốn hấp dẫn thì phải làm được trích đoạn ngẫu hứng. Và như thế càng dân gian càng tốt, càng gần cái cổ càng tốt. Chương trình ngắn, càng nguyên chất càng tốt. Giới thiệu phải làm sao bóc được chân tướng của hiện tượng nghệ thuật ấy. Chẳng hạn, chèo phải nói rõ được đó là sân khấu trào phúng để châm biếm, sự trào lộng hấp dẫn”, ông Loan nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.