Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng: Nếu vượt quá 6.000 ca, y tế sẽ quá tải

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
12/08/2021 15:03 GMT+7

Nói trên sóng truyền hình trực tiếp từ kỳ họp HĐND TP. Đà Nẵng , Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đã thẳng thắn nêu ra thông tin này nhằm cảnh báo cho người dân.

Có tối đa 300 giường cho bệnh nhân nặng

Sáng 12.8, tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP.Đà Nẵng, khi được mời để thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 đến cử tri, Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đã có những chia sẻ về công tác phòng chống dịch cũng như khả năng, năng lực điều trị của ngành y tế địa phương trước toàn cử tri TP.Đà Nẵng.

"Vùng xanh" tại TP.HCM chỉ có 1 lối ra vào, đóng chặt các hẻm nhỏ phòng Covid-19

Bà Yến cho hay, nếu trong đợt 1 (từ ngày 3.5 đến ngày 2.6), dịch Covid-19 với chủng Alpha ghi nhận 158 trường hợp mắc thì đợt từ ngày 10.7  - 11.8, dịch Covid-19 với biến thể Delta đã ghi nhận đến 1.473 trường hợp. Mặc dù tình hình dịch bệnh diến biến phức tạp, song TP.Đà Nẵng đã kiểm soát, khống chế được nhiều chuỗi lây nhiễm.
Hiện nay, TP.Đà Nẵng đã kiểm soát và chuỗi lây nhiễm cảng cá Thọ Quang đang đi xuống. Tuy nhiên, TP.Đà Nẵng lại đang xuất hiện các chuỗi liên quan Công ty Fujikura ở Khu công nghiệp Hòa Cầm; chuỗi Mỹ An, chuỗi Thuận Phước. Sáng hôm nay (12.8) đã xuất hiện chuỗi lây nhiễm rất phức tạp ở chợ đầu mối cung cấp thực phẩm cho TP.Đà Nẵng.
“Chúng ta cần làm mạnh, quyết liệt hơn… Đó là tập trung phong tỏa cứng, rộng; sau đó đánh giá để thu hẹp hoặc mở rộng. Xét nghiệm thần tốc đúng địa điểm, trọng tâm. Tránh trường hợp, nơi cần lấy mẫu thì không được lấy, nơi không cần lấy mẫu thì được lấy 5 - 10 lần. Thực hiện giãn cách một cách thực chất, ai ở đâu ở yên ở đó…”, bà Yến nói.

Theo Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, năng lực y tế Đà Nẵng có thể điều trị cho 6.000 ca Covid-19, nếu vượt ngưỡng này sẽ có nguy cơ quá tải

Ảnh: HOÀNG SƠN

Đáng chú ý, về công tác điều trị, bà Yến cho hay, hiện TP.Đà Nẵng có khoảng 2.500 giường thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. TP.Đà Nẵng đã thiết lập 300 giường hồi sức đủ điều kiện cho bệnh nhân thở máy, các điều kiện cao hơn, như: lọc máu, ECMO... đặc biệt là hệ thống khí nén oxy cho 300 giường.
“Tuy nhiên, đây đã là những cố gắng hết sức và tối đa. Nếu như TP.Đà Nẵng có trên 6.000 bệnh nhân, theo tỉ lệ 5% ca bệnh nặng thì chúng ta chỉ có thể phục vụ với mức tối đa là 300 bệnh nhân. Nếu như vượt tối đa trên 6.000 bệnh nhân thì với quy mô của TP.Đà Nẵng, hệ thống y tế sẽ quá tải. Chính vì điều đó việc kiểm soát tình hình dịch bệnh và làm cho số ca bệnh giảm cần phải hành động quyết liệt, mạnh mẽ của hệ thống chính trị”, bà Yến nhấn mạnh.

Trong 1 tháng sẽ tiêm vắc xin phòng Covid-19 xong 826.000 người

Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết thêm ngành y tế cũng đã chủ động đào tạo, sử dụng nguồn lực từ bệnh viên tư nhân, bệnh viện bộ ngành, các sinh viên, bác sĩ nghỉ hưu… vào công tác chống dịch. Hiện ngành y tế cũng đã có tham mưu kế hoạch tiêm vắc xin nhanh nhất, an toàn nhất.
Theo đó, lãnh đạo TP.Đà Nẵng đã phê duyệt chiến dịch tiêm vắc xin an toàn tại 9 địa điểm tiêm với 102 điểm tiêm. Kế hoạch này nếu chỉ diễn ra trong giờ hành chính thì có thể tiêm được 20.000 người/ngày. Tuy nhiên, ngành y tế đã có kế hoạch tối ưu hóa điểm tiêm đến 2 - 3 ca làm việc thì có thể tiêm đến 35.000 - 40.000 người/ngày.
Theo bà Yến, TP.Đà Nẵng đang nhận 3 loại vắc xin và lãnh đạo thành phố thống nhất quan điểm vắc xin Pfizer chỉ dành ưu tiên tiêm cho người cao tuổi và bệnh mãn tính; vắc xin Moderna một phần tiêm cho đối tượng ưu tiên, một phần tiêm cho người cao tuổi có bệnh nền vì ít có phản ứng sau tiêm; còn vắc xin Astra Zeneca tiêm cho toàn bộ đối tượng còn lại.
Theo kế hoạch, Bộ Y tế phân bổ về TP.Đà Nẵng 197.000 liều vắc xin. Thực tế, lượng vắc xin về tới Đà Nẵng hiện nay khoảng 95.000 liều. TP.Đà Nẵng đã tiêm hơn 70.000 liều, đến 14.8 sẽ tiêm hết 100% vắc xin hiện có.

Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho hay, nếu đầy đủ vắc xin, ngành y tế sẽ tiêm xong mũi 1 cho 826.00 người dân trong vòng 1 tháng

Ảnh: HOÀNG SƠN

“Vắc xin được điều hành liên tục để không bị lãng phí và không để trống thời gian có vắc xin mà người dân lại không được tiêm. Ngành y tế cố gắng hết sức để không có những tai biến đáng tiếc. Ngành y tế hứa nếu có vắc xin đầy đủ thì trong vòng 1 tháng, 826.000 người dân (trên 18 tuổi) sẽ được tiêm mũi 1. Nếu tiêm nhanh nhất có thể, tạo được miễn dịch cộng đồng thì công tác phòng chống dịch mới đỡ vất vả…”, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng nói.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng cho hay, các địa phương trên địa bàn đều có nguy cơ rất cao. Qua đánh giá toàn bộ 56 xã, phường thì có 2 quận có nguy cơ rất cao và 5 quận, huyện còn lại ở nguy cơ cao. Nếu không kịp thời, quyết liệt hơn thì sẽ dẫn đến hậu quả, ảnh hưởng xấu đến tình hình, đặc biệt là tính mệnh nhân dân.
Đề nghị người dân TP.Đà Nẵng bình tĩnh ứng phó với đại dịch, không hoảng loạn, ông Lương Nguyễn Minh Triết cho biết: “Phương án chúng ta chuẩn bị (tức phong tỏa toàn TP.Đà Nẵng trong 7 ngày - PV), nếu như một số ngày đến mà ca dương tính trên địa bàn không giảm hoặc tăng thì áp dụng biện pháp mạnh hơn. Còn lại từ nay đến đó nếu ca dương giảm xuống sâu hơn thì chúng ta cân nhắc lại hình thức, phương án đối phó phù hợp với tình hình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.