Như Thanh Niên đã đưa tin, “hộ chiếu vắc xin” trên thế giới hiện nay đang tồn tại dưới dạng một ứng dụng miễn phí trên điện thoại, nơi mọi người có thể tải lên giấy chứng nhận đã được tiêm vắc xin của mình để sử dụng như một “giấy thông hành” khi di chuyển trong nước và quốc tế. Chính phủ và Bộ Ngoại giao cho biết hiện Việt Nam đang nghiên cứu việc áp dụng “hộ chiếu vắc xin” này. Thông tin tiêm chủng của công dân Việt Nam cũng được lưu giữ trong hồ sơ sức khỏe toàn dân, là “hộ chiếu vắc xin” Covid-19 liên thông quốc tế, quản lý bằng QR code. Tuy vậy, có thể thấy thái độ của Việt Nam là thận trọng, thể hiện ở việc đến nay, những người nước ngoài đã có “hộ chiếu vắc xin” nhập cảnh Việt Nam vẫn phải cách ly tập trung 14 ngày.
PGS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng khẩn cấp Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết: “Nhiều người kỳ vọng “hộ chiếu vắc xin” là một giải pháp để thế giới sống chung với đại dịch, để mở cửa lại nền du lịch. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn nhiều tranh cãi. Sự thành công của “hộ chiếu vắc xin” phụ thuộc vào hiệu quả của vắc xin - thứ mà hiện nay chúng ta vẫn còn biết chưa thật đầy đủ”.
Với các chuyên gia dịch tễ, có nhiều rủi ro cần cân nhắc. Thứ nhất, vắc xin phòng Covid-19 được nghiên cứu, cấp phép trong điều kiện khẩn cấp, với nhiều loại khác nhau, nên còn những vấn đề ngay cả các nhà khoa học cũng chưa lường hết. Thứ hai, do vấn đề biến đổi của vi rút, vắc xin có thể không còn tác dụng. Thứ ba là nguy cơ hộ chiếu giả.
Quá nhiều rủi ro
“Thận trọng vẫn hơn, có hộ chiếu thì vẫn cách ly bình thường, sót 1 con vi rút là đi hết một quá trình bảo vệ, lại tốn thêm tiền của đất nước”, bạn đọc (BĐ) do***@gmail.com nêu ý kiến. Cùng quan điểm, BĐ phuong nguyen dè dặt cho biết: “Theo tôi, “hộ chiếu vắc xin” có nhiều rủi ro tiềm ẩn, nhất là với trình độ làm hộ chiếu giả hiện nay... Xin hãy cẩn trọng”. BĐ Hoài Phương thì nhận xét: “Tôi thấy TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, phát biểu rất chí lý. Ông lưu ý “hộ chiếu
vắc xin” chỉ phát huy hiệu quả nếu đảm bảo được 3 yếu tố, trong đó yếu tố thứ nhất là khi dịch bệnh đã được kiểm soát ở mức độ gần như toàn cầu, giảm thiểu tối đa rủi ro... Tôi cho rằng chúng ta thận trọng là rất đúng, vì dịch bệnh đang còn rất phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới”.
Có thể xem xét mở cửa du lịch, nhưng an toàn là trên hết
Cùng cho rằng dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, nhiều nơi lại lo bùng phát đợt dịch thứ 3, BĐ Đào nhấn mạnh “phải hết sức thận trọng”, và gợi ý: “Có thể mở cho một số nước an toàn, có kiểm soát chặt chẽ, nếu trong nước ta đã kiểm soát được dịch bệnh tốt. Rồi mở dần dần, căn cứ vào tình hình thế giới và trong nước. Nhưng an toàn phải là trên hết”.
Trong khi đó, BĐ Tri lại cho rằng: “Trong bối cảnh các nước đang gấp rút thu hút du lịch để vực dậy nền kinh tế, nếu chúng ta quá thận trọng sẽ mất đi cơ hội. Không có gì tuyệt đối 100% nhưng phải biết cách hạn chế ở mức tối thiểu và có kiểm soát”.
Tôi hoàn toàn tin tưởng vào Chính phủ mình. Chính phủ sẽ hết sức thận trọng khi đưa ra quyết định. Bà con yên tâm.
Kim Anh
Chúng ta phải thận trọng và có tính toán khoa học, hợp lý, đảm bảo an toàn cho đất nước. Quá thận trọng thì sẽ chậm cơ hội phát triển kinh tế, nhưng dễ dãi thì sẽ nguy hiểm. Các nhà lãnh đạo sẽ tìm ra giải pháp đúng đắn nhất.
Thanh Bình
Nếu thận trọng, thì hãy chờ đến khi xác định được hiệu quả miễn dịch của vắc xin hoặc khi nào hết dịch. Chứ nếu chấp nhận "hộ chiếu vắc xin" mà còn cách ly thì chắc chỉ những người đến Việt Nam làm việc, công tác... mới chấp nhận thôi. Đi du lịch mà phải cách ly 14 ngày và tự trả phí, thì có phải là du lịch không?
kh***@yahoo.com
|
Bình luận (0)