Hoài bão của Hồ Chí Minh không phải là nhằm lo cho bản thân giàu có, quyền cao chức trọng... Hồ Chí Minh có “sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Trong Di chúc, Hồ Chí Minh còn nêu “điều mong muốn cuối cùng” của Người là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh dấn thân vào cuộc trường chinh ba giải phóng: Giải phóng dân tộc - Giải phóng xã hội - Giải phóng con người, không phải chỉ trong phạm vi đất nước Việt Nam mà còn cho cả toàn nhân loại cần lao.
Hồ Chí Minh dùng quyền lực của nhân dân ủy thác cho mình với chức trách là Chủ tịch nước để mưu việc lớn cho dân, cho nước, cho người lao động trên toàn thế giới. Đến khi sắp về cội, trong Di chúc, Hồ Chí Minh viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Hối hận thì không. Nhưng, tiếc thì có. Sự tiếc nuối như thế là tiếc nuối của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng.
Cả cuộc đời Hồ Chí Minh vất vả, đầy lo toan cho sự nghiệp lớn lao. Hồ Chí Minh mồ côi mẹ lúc 10 tuổi. Hồ Chí Minh ra nước ngoài tìm mục tiêu và con đường cứu nước mà trong túi không có một xu, phải đem sức vóc thư sinh làm lụng để sống và hoạt động. Hồ Chí Minh bị hai lần cầm tù, bị một án tử hình vắng mặt; chịu nhiều cảnh thiếu thốn, có lần trong tù “Gầy đen như quỷ đói/Ghẻ lở mọc đầy thân”, răng rụng mất mấy chiếc, mắt mờ, bị lao phổi. Hồ Chí Minh là người có đầy nghị lực để chiến thắng bệnh tật và vượt qua những sự hiểu lầm của không ít người.
Hình như các bậc danh nhân thường hay trải qua không ít quãng đời gian truân. Hồ Chí Minh kiên trì cho cái đúng, bảo vệ cái đúng và đầy lòng vị tha. Từ thuở hàn vi, Hồ Chí Minh đã được các bậc chí sĩ hoặc các bậc cao niên đánh giá cao, đầy khích lệ và tin tưởng. Khi có kẻ nói xấu về Người, trong báo Le Paria, số 9, ngày 1.12.1922, có bài nêu rằng: “Anh Nguyễn đầy tham vọng ư? Đúng. Nhưng anh Nguyễn tham vọng cái gì? Tham vọng giải phóng anh em của anh bị rơi vào vòng bóc lột hết sức dã man. Có tham vọng nào cao quý hơn thế không?... Ngực anh không có huân chương. Túi anh không có ngân phiếu chính phủ. Nhưng anh mang nguyện vọng của một dân tộc bị áp bức... Nguyễn Ái Quốc có tham vọng giải phóng đồng bào thoát khỏi cùm kẹp của thực dân Pháp, đem lại tự do, hạnh phúc cho dân Việt Nam... Tiếng nói của Nguyễn Ái Quốc phản ánh khát vọng của dân Việt Nam muốn được cơm no áo ấm, được tự do, không bị áp bức. Tiếng nói của Nguyễn Ái Quốc là tiếng nói của toàn dân Việt Nam”.
Cụ Phan Châu Trinh viết trong một bức thư ngày 28.2.1922 gửi cho Nguyễn Ái Quốc: “Thực tình, từ trước tới nay, tôi không khinh thị anh mà ngược lại, tôi còn cảm phục anh nữa là đằng khác... Anh như cây dương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông”. Đó là những lời không dễ gì mà có được ở Phan Châu Trinh, một người vốn rất kiệm lời khen người khác.
Còn trong bức thư ngày 14.2.1925 gửi Nguyễn Ái Quốc, cụ Phan Bội Châu viết: “Nhớ lại 20 năm trước đây khi đến nhà cháu uống rượu gõ án ngâm thơ, anh em cháu thảy đều chưa thành niên, lúc đó bác có ngờ đâu rằng sau này cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như thế này... Nhận được liên tiếp hai lá thư của cháu, bác cảm thấy vừa buồn vừa mừng. Buồn là buồn cho thân bác, mà mừng là mừng cho đất nước ta. Việc thừa kế này đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối sẽ xuất hiện ánh sáng ban mai. Ngày xế đường cùng, chỉ sợ không thấy được ngày đó, làm sao bác không cảm thấy buồn cho chính mình được! Một đời tận khổ, gánh vác công việc một mình, được sức lớn của cháu giúp vào thì ắt sẽ có nhiều người hưởng ứng theo. Việc gây dựng lại giang sơn, ngoài cháu có ai để nhờ ủy thác trách nhiệm thay mình. Có được niềm an ủi lớn lao như thế, làm sao bác không cảm thấy vui mừng được!”.
Cuộc đời của Hồ Chí Minh trải qua nhiều sóng gió. Điều đáng nói nhất ở đây là Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực tôi rèn trong sóng gió đó để trưởng thành. Cả cuộc đời của Hồ Chí Minh chỉ nhằm một cái đích là giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, xây dựng một đất nước hùng cường, trong đó mọi người có cuộc sống tốt đẹp về cả vật chất và tinh thần, mọi người trên thế giới đều được giải phóng.
Đó là cái đại sự trong cuộc đời Hồ Chí Minh. Mọi cái khác còn lại đều là tiểu tiết. Bản lĩnh đó là bản lĩnh của một trái tim, khối óc lo toan đại sự. Vì thế, đối với mọi khó khăn, trở ngại, Hồ Chí Minh đều cố gắng vượt qua, và mọi khổ ải đối với Hồ Chí Minh không làm Người sờn lòng, hơn thế Hồ Chí Minh còn sống một cuộc sống ung dung, tự tại, thanh thản. Cũng vì thế mà chúng ta thấy ở Hồ Chí Minh một tấm lòng quả cảm, một sự quyết tâm vô cùng tận, một tấm lòng bao dung, vị tha, một đại nghĩa phi thường, một trí lực dồi dào, một nhân cách đặc biệt.
Hồ Chí Minh hóa thân vào dân tộc Việt Nam và nhân loại cần lao với những giá trị đạo đức tốt đẹp nhất. Người đã hiện thân cho những giá trị tốt đẹp nhất mà bất cứ ai có lương tri đều mong muốn đạt được. Đạo đức của Hồ Chí Minh có sức lay động, đi vào tâm khảm của những người chân chính, biến thành sức mạnh, làm cho con người ta luôn luôn muốn vươn lên các giá trị chân, thiện, mỹ.
Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật tiêu biểu trong lịch sử nhân loại có tác động mãnh liệt vào tiến trình phát triển văn hóa. Sự nghiệp của Người là cái nền văn hóa mà trên đấy biểu đạt những giá trị toàn cầu, những khát vọng của con người, của các dân tộc khác nhau, có bản sắc, cốt cách, đặc tính khác nhau nhưng thống nhất, hài hòa trong những giá trị chung nhất, tốt đẹp nhất mà con người toàn nhân loại và các dân tộc trên thế giới khát khao vươn tới. Đó là sự thống nhất trong đa dạng. Nhà văn hóa Hồ Chí Minh khuếch những cái đa dạng ấy lên, kết dính sự thống nhất đó vào một khối văn hóa đầy sức sống để bảo tồn, thúc đẩy chân, thiện, mỹ. Hồ Chí Minh sống với nhân dân Việt Nam, với nhân dân tiến bộ trên thế giới với giá trị vĩnh hằng là con người văn hóa.
Hồ Chí Minh, tư tưởng, gương sáng của Người có sức lan tỏa vô cùng tận.
Hồ Chí Minh cũng chịu trách nhiệm trước các biến cố, hạn chế trong bước đường phát triển của cách mạng nước nhà. Người đã vượt qua biết bao trở ngại, gian truân, vượt cả chính mình trong đường đời. Và bằng cách như thế, ý chí và bản lĩnh của Người mới được tôi rèn. Sức sống mãnh liệt ở Hồ Chí Minh chính là lẽ phải và lòng kiên trì, ở chỗ bao dung, mưu lược, tất cả vì đại sự. Hồ Chí Minh đã đi qua những năm tháng đầy cam go, biết gạt đi những tiểu tiết và Người đã đến được với chân lý. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn sống trong những nhịp đập của đất nước, vì sự nghiệp của Người luôn đồng hành cùng dân tộc. Điều tuyệt diệu là ở chỗ đó.
Hồ Chí Minh không phải là một nhân vật huyền thoại theo nghĩa gồm những điều người đời thêu dệt, mà con người Hồ Chí Minh, cái đức, cái tâm, cái tầm, cái trí, cái tài của Hồ Chí Minh đã thành giá trị thực luôn hiển hiện trong tâm khảm của mỗi người dân yêu nước ở các thế hệ người Việt Nam kế tiếp nhau. Hồ Chí Minh có trong hành trang của dân tộc Việt Nam và nhân loại cần lao tiến bước vào văn minh, tiến bộ. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh chính là một thông điệp cho sự phát triển. Và, chính vì như vậy, giá trị cuộc đời Hồ Chí Minh trở thành một tài sản tinh thần quý báu cho dân tộc Việt Nam và - rộng hơn nữa - cho nhân dân lao động trên toàn thế giới.
Bình luận (0)