Trong phiên tòa sáng nay, 15.10, sau kiểm tra nhân thân các bị cáo và điểm danh nhân chứng, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, do nhiều người vắng mặt, Hội đồng xét xử đã hỏi ý kiến Viện kiểm sát về việc có tiếp tục hoãn phiên tòa?
Đại diện cơ quan công tố tại tòa cho rằng, sự vắng mặt trên không ảnh hưởng đến quá trình xét xử của vụ án và đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc. Các luật sư có mặt tại phiên tòa cũng đề nghị tương tự.
Luật sư Phạm Văn Hiển, người bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Yến, cho biết trong quá trình xét xử vụ án này, có 4 nhân chứng rất quan trọng, trong đó có ông Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, nhưng sáng nay ông Đức không có mặt tại phiên tòa, với lý do đang chữa bệnh.
Luật sư Hiến đề nghị dù không hoãn phiên toà, tuy nhiên, trong quá trình xét xử, đề nghị làm rõ lý do vắng mặt của ông Hoàng Tiến Đức có thực sự chính đáng hay không, nếu không thì cần áp giải ông Đức tới toà.
Hội đồng xét xử cho biết ông Hoàng Tiến Đức có đơn và lý do chính đáng nên sẽ công bố lời khai tại toà. Ngoài ra, tòa sẽ yêu cầu dẫn giải 6 người làm chứng vắng mặt nhưng không có lý do chính đáng, gồm: Nguyễn Văn Hải, Ngần Văn Lói, Nguyễn Minh Khoa, Lê Minh Loan, Phạm Phương Loan, và Nguyễn Hồng Hà.
Tại phiên tòa lần này, ngoài 8 bị cáo đưa ra xét xử, TAND tỉnh Sơn La đã tống đạt giấy triệu tập 90 người gồm những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhân chứng và những người tham gia tố tụng; đồng thời, đề nghị các cơ quan có liên quan phối hợp để những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng có điều kiện thuận lợi nhất tham gia phiên tòa.
Đáng chú ý, trong số 27 người làm chứng quan trọng, có ông Lê Trọng Bình, Phó chủ tịch UBND TP. Sơn La (người có con được nâng điểm) cũng đã có mặt tại tòa trong phiên xử sáng nay, dù phiên trước đó vắng mặt.
Căn cứ vào bộ luật Tố tụng hình sự, với những trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan, và việc vắng mặt gây trở ngại cho việc xét xử, Tòa có thể sẽ áp dụng biện pháp dẫn giải. Cơ quan công an, quân đội có thẩm quyền sẽ tổ chức thi hành quyết định áp giải, dẫn giải.
Ngoài ra, Thường trực Tỉnh ủy Sơn La đã có công văn chỉ đạo đến những người liên quan có mặt tại phiên xử để đảm bảo buổi xét xử công minh, chính xác, đúng người, đúng tội.
Trước đó, tại phiên tòa tổ chức lần đầu vào 16.9, sau khoảng 30 phút thảo luận, lúc 9 giờ 45, toà tuyên bố hoãn phiên toà đến 15.10, vì lý do vắng 44 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 32 người làm chứng.
Như Thanh Niên đã đưa tin, trong 8 bị cáo được đưa ra xét xử, có 6 người thuộc Sở GD-ĐT và ngành GD-ĐT Sơn La, gồm: Trần Xuân Yến, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT; Nguyễn Thị Hồng Nga, nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng; Cầm Thị Bun Sọn, nguyên Phó phòng Chính trị tư tưởng; Lò Văn Huynh, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục; Nguyễn Thanh Nhàn, nguyên Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục; Đặng Hữu Thủy, nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu.
2 bị cáo còn lại là Đỗ Khắc Hưng và Đinh Hải Sơn, nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Sơn La, trên cơ sở kết quả điều tra của Cơ quan an ninh điều tra PA09 Công an tỉnh Sơn La, Viện KSND tỉnh Sơn La xác định các bị can có hành vi nhận thông tin thí sinh; câu kết rút sửa bài thi nâng điểm các môn trắc nghiệm.
Cụ thể, trước khi chấm thi, thông qua cac mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè, người thân, 8 bị can trên đều nhận thông tin của các thí sinh để nâng sửa điểm, người ít thì 1 trường hợp, nhiều thì 15 trường hợp, sau đó cấu kết với nhau rút bài để nâng điểm, sửa điểm.
Khi bị phát hiện, bị can Trần Xuân Yến đã mang 2 hộp đựng 16 đĩa CD (chứa các dữ liệu thật của bài thi) ra nghĩa trang nhân dân tỉnh Sơn La đốt, tiêu hủy.
Theo cáo trạng, trong quá trình điều tra, các bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy đã khai nhận tiền của một số trường hợp để sửa bài nâng điểm cho thí sinh. Có những bị can nhận tiền tỷ, và đã nộp lại cho cơ quan điều tra. Có những bị can khai đã trả lại tiền cho người nhờ sửa bài nâng điểm.
Theo Viện KSND tỉnh Sơn La, hành vi nhận tiền, thỏa thuận sẽ nhận tiền để sửa nâng điểm cho các thí sinh của Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy có dấu hiệu của các tội nhận hối lộ; tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ. Song, qua điều tra, các bị csn Trần Văn Điện, Hoàng Thị Thành, Nguyễn Minh Khoa, Lò Thị Trường, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Thị Mai Hà, Nguyễn Thị Xuyên, Bùi Thị Xuân đều không thừa nhận được thỏa thuận và đưa tiền cho Nga, Sọn, Huynh, Thủy.
Ngoài lời khai của các bị can Nga, Sọn, Huynh, Thủy và số tiền đã nộp cơ quan điều tra, không có tài liệu chứng cứ nào khác để chứng minh. Do đó, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị can Nga, Sọn, Huynh, Thủy về tội nhận hối lộ, và cũng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp nêu trên về các tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ.
Số tiền các bị can Nga, Sọn, Huynh, Thủy nhận của các đối tượng được xác định là tiền do vụ lợi mà có.
Với các đối tượng có dấu hiệu sai phạm liên quan đến việc chấm thi môn tự luận (ngữ văn) và đối tựợng trung gian có liên quan đên việc nhận thông tin của thí sinh nhờ các bị can nâng đểm, Cơ quan An ninh điều tra Công tinh Sơn La cho biết sẽ tiếp tục điều tra xác minh làm rõ, có căn cứ thì xử lỷ theo quy định của pháp luật.
|
Bình luận (0)