Toàn cảnh dịch Covid-19 tới 6.4: Cả nước chỉ có 2 bệnh nhân là F3

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/04/2020 07:05 GMT+7

Tính từ thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, chúng ta chỉ ghi nhận 2 trường hợp bệnh nhân là F3 trong tổng số 241 bệnh nhân được ghi nhận tới sáng nay, 6.4.

Sáng nay, 6.4, là buổi sáng thứ 2 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca bệnh Covid-19. Trong ngày hôm qua, 5.4, cả nước chỉ ghi nhận thêm 1 bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới (bệnh nhân số 241) và cũng là một ca bệnh “xâm nhập”. Bệnh nhân là một du học sinh tại Anh, trở về Việt Nam vào ngày 22.3, và được cách ly tại Trường quân sự tỉnh Bạch Liêu.

Công bố bệnh nhân thứ 241 mắc bệnh Covid-19

Đây là ngày hiếm hoi trong suốt 1 tháng qua, số ca bệnh Covid-19 mới được ghi nhận chỉ là 1 ca. Tính từ ngày 6.3 (khi Việt Nam bước sang giai đoạn 2 của dịch bệnh với ca bệnh số 17), hôm qua là ngày thứ 3 trong 1 tháng qua, chúng ta chỉ ghi nhận 1 ca bệnh trong ngày. Các chuyên gia cho rằng, số ca bệnh mới giảm xuống trong 1 ngày chưa có nhiều ý nghĩa về mặt dịch tễ, song là một tín hiệu đáng mừng.
Điều nhiều người lo lắng vẫn là những ổ dịch tiềm ẩn trong cộng đồng, nhất là trong giai đoạn chúng ta gần như đã “siết chặt” đầu vào của những ca bệnh xâm nhập.
Tuy nhiên, từ những ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng tại Việt Nam kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện cho thấy, các ổ dịch đã được khoanh vùng rất nhanh. Sự lây lan ra cộng đồng đã được ngăn chặn khá hiệu quả. Tính tới nay, chúng ta chỉ ghi nhận 2 trường hợp bệnh nhân là F3 trong tổng số 241 bệnh nhân Covid-19 của cả nước.

2 ổ dịch cộng đồng đầu tiên chỉ có 1 bệnh nhân là F2

Trong số 16 bệnh nhân của giai đoạn 1 (23.1 - 5.3), có 7 bệnh nhân thuộc diện lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó, 6 người là F1 (tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nhiễm bệnh).
Ngoài nữ nhân viên khách sạn nhiễm bệnh do tiếp xúc với 2 cha con người Trung Quốc từ Vũ Hán sang Việt Nam, thì nguồn lây bệnh cộng đồng của giai đoạn 1 chủ yếu là bệnh nhân số 5 (1 trong 5 trường hợp là nhân viên Công ty Nhật sang Vũ Hán thực tập và bị nhiễm bệnh).
Có 5 trường hợp nhiễm bệnh do tiếp xúc với bệnh nhân số 5. Trong số này, có 1 trường hợp là bệnh nhân số 10 đã lây cho cháu ngoại của mình khi tới thăm. Cháu ngoại 3 tháng tuổi của bệnh nhân số 10 là trường hợp F2 duy nhất trong giai đoạn 1 nhiễm bệnh.

16 ca bệnh trong giai đoạn đầu tiên chỉ có 1 bệnh nhân là F2

Đồ họa Lê Hiệp

Ổ dịch đầu tiên trong giai đoạn 2 chính là bệnh nhân số 17 trú tại Trúc Bạch (Hà Nội). Tuy nhiên, bệnh nhân này chỉ lây cho 3 người là bác gái, tài xế riêng và giúp việc. Sau khi ca bệnh này được xác nhận, cả khu phố Trúc Bạch bị cách ly đủ 14 ngày.
Tài xế bị lây bệnh từ bệnh nhân số 17 (vừa ra viện vài ngày trước) thời điểm đó cũng được cho là có rất nhiều nguy cơ tạo ra các ổ dịch lây lan trong cộng đồng, khi anh này đã tiếp xúc với rất nhiều người, tới từ nhiều địa phương. Tuy nhiên, tới nay, sau đúng 1 tháng, không có thêm ca bệnh nào từ “ổ dịch Trúc Bạch” này.
Một ổ dịch lây lan trong cộng đồng khác của giai đoạn 2 là bệnh nhân số 34 tại Bình Thuận. Bản thân là một ca bệnh “xâm nhập”, bệnh nhân này đã lây bệnh cho 8 người thuộc diện F1, chủ yếu là người thân, họ hàng và nhân viên của công ty.
Ngoài ra, có 3 người là F2 liên quan tới bệnh nhân này. Tuy nhiên, tới nay, hầu hết các ca bệnh của ổ dịch này đều đã khỏi bệnh và ra viện, song Bình Thuận cũng chưa ghi nhận trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng ngoài 9 trong số 11 ca bệnh (2 ca được phát hiện tại TP.HCM) nêu trên.

2 bệnh nhân F3 từ ổ dịch Bạch Mai và bar Buddha

2 trường hợp bị lây nhiễm trong cộng đồng là F3, từ 2 ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và quán bar Buddha (TP.HCM).
Tại ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, tới nay đã có 44 trường hợp bệnh nhân liên quan (là ổ dịch lớn nhất cho tới hiện tại), trong đó có 27 trường hợp là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh, cung cấp suất ăn, nước uống cho Bệnh viện Bạch Mai.

Trường hợp bệnh nhân là F3 liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai là từ gia đình bệnh nhân 161

Đồ họa Lê Hiệp

Tới nay, dù không xác định được F0, ngoài các ca bệnh là nhân viên của Công ty TNHH Trường Sinh làm việc trong bệnh viện, chưa có y bác sĩ, nhân viên y tế nào nhiễm bệnh (ngoại trừ 2 nữ điều dưỡng). Chỉ có một số bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tới bệnh viện thăm khám được xác định dương tính với SARS-CoV-2.
Các trường hợp lây lan ra ngoài Bệnh viện Bạch Mai không nhiều, chỉ duy nhất bệnh nhân là F3 bị nhiễm bệnh là bệnh nhân số 227, là con trai của bệnh nhân 209 (F2). Bệnh nhân 209 lại bị lây từ bệnh nhân 163 (F1), là cháu gái của bệnh nhân số 161 (F0, bệnh nhân tại khoa Thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai). 

Sơ đồ 17 ca lây nhiễm từ quán bar Buddha với giả thiết bệnh nhân số 91 là F0

Đồ họa Lê Hiệp

Một trường hợp F3 khác là tại ổ dịch quán bar Buddha. Trong số 17 bệnh nhân liên quan tới ổ dịch này, có 12 bệnh nhân là những người tham dự bữa tiệc tại quán bar tối 14.3; 4 người khác (F2) nhiễm bệnh do tiếp xúc với những người này; có 1 bệnh nhân là F3 lây nhiễm từ những người thuộc diện F2 kể trên.
Cụ thể, đó là trường hợp của bệnh nhân 207. Bệnh nhân này có chồng là bệnh nhân 151. Dù cả 2 bệnh nhân cùng là đồng nghiệp với bệnh nhân 124 (lây bệnh do dự tiệc tại quán bar Buddha), song nhiều khả năng bệnh nhân 207 lây bệnh từ chồng nên bệnh nhân này được coi là F3 nhiễm bệnh.

Tỷ lệ bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng không cao

Về tổng thể, tổng số ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng (lây nhiễm thứ phát, phát hiện trong cộng đồng, không phải từ vùng dịch về) là 87 bệnh nhân, chiếm 36% tổng số bệnh nhân được ghi nhận cho tới thời điểm hiện tại. Tỷ lệ này là không cao so với nhiều quốc gia mà dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.
Chẳng hạn, ở Hàn Quốc, theo báo cáo của Bộ Y tế nước này, trong 9.976 ca bệnh được ghi nhận (tới 2.4) chỉ có 601 ca bệnh xâm nhập, chiếm 6%. Số ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại Hàn Quốc là 94%.
Tại Singapore, một quốc gia đang kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh, tỷ lệ số ca lây nhiễm trong cộng đồng là 68% (759 ca trên tổng số 1.309, tính tới 12 giờ ngày 5.4).
 Trong thời gian tới, các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng có thể sẽ tiếp tục tăng lên, tuy nhiên, với chiến lược phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch nhanh đã được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua từ 4 ổ dịch trong cộng đồng, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, sẽ không có tình trạng bùng phát các ổ dịch trong cộng đồng.

Các ca bệnh mới theo ngày (kể từ 6.3 tới nay) phân theo các ca bệnh xâm nhập (phần lớn được cách ly sau nhập cảnh) và các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng

Đồ họa Lê Hiệp

Bên cạnh đó, một tin rất đáng mừng là số bệnh nhân khỏi bệnh đang tăng lên. Tới nay đã có 91 bệnh nhân khỏi bệnh, chiếm tới 37,7%. Trong số 150 bệnh nhân đang điều trị, đã có 45 ca âm tính từ 1 lần trở lên; trong đó, 18 ca đã âm tính 2 lần trở lên. Dự kiến, trong hôm nay sẽ có thêm một số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Việt Nam có 91 bệnh nhân nhiễm virus corona khỏi bệnh, xuất viện

Các ca bệnh Covid-19 nặng cũng có những tiến triển. Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (huyện Đông Anh, Hà Nội) có 2 ca nặng nguy kịch đang thở máy, lọc máu là ca 19 (bác gái của bệnh nhân số 17) và 161 (88 tuổi, bệnh nhân khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai).
Trong đó, ca số 19 đã có tiến triển, kết thúc ECMO lúc 12 giờ 20 ngày 4.4; còn 1 ca thở máy không xâm nhập đã được chuyển sang thở ô xy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.