Khóa chặt từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong

Chí Hiếu
Chí Hiếu
04/04/2020 07:02 GMT+7

Thông điệp trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi chủ trì cuộc họp chiều 3.4 của Thường trực Chính phủ để nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 .

Thủ tướng cho hay tăng trưởng quý 1/2020 đạt 3,82%, là mức thấp trong nhiều năm, nhưng Việt Nam vẫn là nước tăng trưởng cao nhất khu vực.
Thủ tướng chia sẻ, kinh nghiệm được rút ra từ nhiều nước trong nhiều thời kỳ, là nơi nào chống dịch kiên quyết thì sau đó kinh tế phát triển, còn nếu để dịch tràn lan, gây hại rất lớn thì sau đó kinh tế khó phục hồi.
Do đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Đây là giai đoạn cần huy động tổng lực trong phòng chống dịch, cần phối hợp nhuần nhuyễn, nghiêm túc, khóa chặt từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, nhất là các ổ dịch, tìm cho được các trường hợp lây nhiễm”.
Song trong hoàn cảnh đó, cần quan tâm sớm hơn, kịp thời hơn đối với người nghèo, không để ai bị đói kém, bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người dân như điện, nước, gạo, thực phẩm, rau, thuốc chữa bệnh… là vấn đề đặt ra đối với các cấp, các ngành. Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế sớm hoàn thành công tác chuẩn bị cho các tình huống phức tạp; đẩy nhanh hơn nữa việc tự chủ sản xuất trang thiết bị phòng hộ. Có chương trình phát triển máy thở ở Việt Nam một cách căn cơ, chặt chẽ, có sự hỗ trợ về cơ chế của nhà nước. Thủ tướng hoan nghênh các đơn vị có phương án sản xuất máy thở tại Việt Nam.
Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu này, Thủ tướng cho rằng: “Đây là nguy cơ nhưng cũng là thời cơ cho phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin, hiện có chuyển biến rõ rệt ở nước ta, đặc biệt đẩy mạnh kinh tế số, thương mại điện tử. Đây cũng là dịp cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa”.
Nhấn mạnh không làm suy giảm tinh thần của Chỉ thị 16, Thủ tướng nêu rõ, không để tác động của tình hình kinh tế làm thay đổi tinh thần của Chỉ thị 16 mà cần thực hiện nghiêm hơn.
Mục tiêu đưa ra là không để vỡ trận, lây lan dịch trong cộng đồng ở mức độ cao, nhiều ca, có thể dẫn tới phá vỡ hệ thống cơ sở điều trị. Việc cách ly cần tiếp tục thực hiện nghiêm. Theo Thủ tướng, có một số địa phương vận dụng Chỉ thị 16 còn máy móc, có điểm sai, “chúng ta thực hiện nghiêm nhưng không vận dụng sai, hiểu không đúng nghĩa cụm từ cách ly xã hội”.

Việt Nam có 239 bệnh nhân Covid-19 sau khi công bố 2 ca mới

Làm rõ một số nội dung về Chỉ thị 16

Văn phòng Chính phủ ngày 3.4 đã có văn bản “về việc thực hiện Chỉ thị 16” gửi các bộ, các địa phương về việc “một số nội dung của chỉ thị còn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất”. Nổi bật có các nội dung sau:
- Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động.
- Yêu cầu địa phương công khai loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình phải tạm đình chỉ hoạt động. Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với Chỉ thị số 16/CT-TTg. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức làm việc tại nhà phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.