Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải: Chánh tòa tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ tọa phiên giám đốc thẩm

Phan Thương
Phan Thương
29/04/2020 10:36 GMT+7

Phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải sẽ do ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao làm chủ tọa. Ông Bình là người ký quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm vụ án khi ông đang làm Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Sáng 29.4, luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết ông đã nhận được giấy mời của TAND tối cao về việc tham dự phiên tòa giám đốc thẩm, xét xử vụ án Hồ Duy Hải bị kết án về các tội “giết người”, “cướp tài sản”. Phiên giám đốc thẩm sẽ diễn ra tại trụ sở TAND Tối cao (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Bà Nguyễn Thị Loan - Mẹ của tử tù Hồ Duy Hải tâm sự trong khi chờ phiên giám đốc thẩm

Phiên tòa giám đốc thẩm sẽ Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa phiên tòa, thời gian xét xử dự kiến trong 3 ngày, từ 6.5 - 8.5. Ông Trần Hồng Phong là luật sư bào chữa cho tử tù Hồ Duy Hải.

Hồ Duy Hải tại phiên tòa sơ thẩm

Ảnh: Hoàng Phương

Thời điểm năm 2011, ông Nguyễn Hòa Bình là Viện trưởng Viện KSND tối cao, từng ra quyết định không kháng nghị (ngày 24.10.2011) theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vì cho rằng cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội.
Vụ án Hồ Duy Hải xảy ra tháng 1.2008, đã qua 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên tử hình bị cáo, Viện KSND tối cao năm 2011 từng có quyết định không kháng nghị. 
Cuối tháng 11.2019, Viện trưởng Viện KSND tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên bị án Hồ Duy Hải tử hình về tội “giết người”, “cướp tài sản”, để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật. Quyết định kháng nghị mới nhất này sẽ thay thế quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao năm 2011.

Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải

Sáng 14.1.2008, dư luận chấn động trước thông tin 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (đóng tại ấp 5, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại dã man ngay tại nơi làm việc. Sau đó, bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Sau khi những bản án được tuyên, mẹ bị án Hồ Duy Hải liên tục kêu oan cho con. Nhưng ngày 24.10.2011, Viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành quyết định không kháng nghị vụ án của Hồ Duy Hải.
Năm 2014, TAND tỉnh Long An cho biết sẽ tổ chức thi hành bản án tử hình đối với tử tù Hồ Duy Hải.
Tuy nhiên, trong ngày 4.12.2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản thông báo tới các cơ quan chức năng, về việc Văn phòng Chủ tịch nước đã nhận được đơn kêu oan của mẹ bị án Hồ Duy Hải nên đã yêu cầu Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND và Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự tỉnh Long An tạm dừng thi hành án để xem xét cho kỹ trước khi tước đoạt sinh mạng một con người.
Theo Viện KSND tối cao, bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ.
Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng như: bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.
Đồng thời, Viện KSND tối cao xác định lời khai đầu tiên ngày 20.3.2008 của Hồ Duy Hải không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án. Những tài liệu này có trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan điều tra.
Ngoài ra, theo Viện KSND tối cao, cơ quan tiến hành tố tụng đã không lấy lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu, nhân chứng đầu tiên phát hiện vụ án. Ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai thì còn có đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol không được điều tra làm rõ.
Kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSND tối cao nêu rõ những mâu thuẫn từ lời khai, chứng cứ, dấu vết tại hiện trường chưa được làm rõ, cùng những thiếu sót, vi phạm tố tụng nghiêm trọng đã trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của chứng cứ theo quy định pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những căn cứ kết luận hành vi phạm tội của bị cáo.
Vì vậy, Viện KSND tối cao cho rằng những vấn đề trên cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.

Infographic: Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải - Thực hiện: Phạm Thu Ngân

ĐỒ HỌA: DUY QUANG

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.