Do đó, ngoài việc sắp xếp lại, cần có quy định cụ thể, giám sát chặt chẽ và làm rõ trách nhiệm ở từng khâu, từng người.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết bản thân ông thấy các quỹ TCNNS vừa qua được thành lập tràn lan từ T.Ư đến địa phương, trong khi hành lang pháp lý thì lỏng lẻo, khâu kiểm tra, giám sát lại không chặt chẽ. Chỉ có một vài vụ khi cơ quan điều tra vào cuộc mới bị phanh phui, xử lý.
Đơn cử như vụ việc Công an TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Hữu Thái, Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN nhỏ và vừa, về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Quỹ bảo lãnh tín dụng TP.HCM là một tổ chức tài chính hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, có 93% vốn NSNN. Ông Thái đã có những sai phạm khi bảo lãnh vay cho một công ty tư nhân, gây thiệt hại cho quỹ hàng chục tỉ đồng.
Tại Mỹ, chính phủ luôn có các quỹ TCNNS như Quỹ bảo lãnh tiểu thương (SBA), bảo lãnh cho các DN nhỏ vay vốn ngân hàng, tuy nhiên các quỹ này đều phải báo cáo QH để phê duyệt hạn mức và giám sát hoạt động.
“Quỹ NSNN phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của hệ thống kho bạc theo quy định của pháp luật, còn đối với các quỹ TCNNS tự kiểm soát chi tiêu. Trường hợp các quỹ mở tài khoản tại kho bạc thì kho bạc cũng chỉ kiểm soát về mặt hợp pháp, hợp lệ. Vì vậy, nếu không có kiểm soát, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý, thì sẽ dễ dẫn đến khả năng vi phạm chế độ chi tiêu, sử dụng kinh phí sai mục đích... Do đó, cần phải quy định trách nhiệm và quyền hạn của các ngành, các cấp trong việc thành lập, sử dụng quỹ và báo cáo tình hình thu - chi của từng loại quỹ”, ông Hiếu đề nghị thêm.
PGS-TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán - Kiểm toán VN, cũng cho rằng gọi là các quỹ TCNNS, nhưng bản chất rất nhiều quỹ về mặt quy mô không kém NSNN, như các quỹ dự trữ, dự phòng, Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ xóa đói giảm nghèo… Những loại quỹ này hiện chưa được điều chỉnh bằng các khuôn khổ pháp lý thống nhất; chưa công khai trước nhân dân, Quốc hội (QH) như là NSNN. Vì vậy, theo ông Thanh, nếu xác định đó là một phần của tài chính NSNN thì phải được quản lý như NSNN, và phải chịu sự giám sát của cơ quan dân cử, ở T.Ư là QH, địa phương là HĐND. Khi giám sát như vậy thì quỹ mới buộc phải công khai, minh bạch.
Tất nhiên, theo chuyên gia này, QH giám sát các quỹ TCNNS không ở mức thảo luận, biểu quyết, thông qua, nhưng có quyền chất vấn, yêu cầu giải trình nếu thấy việc chi tiêu các quỹ đó không đúng, không hiệu quả. Quỹ có thể huy động từ các nguồn khác nhưng nguồn nào thì cũng phải công khai trước QH, để QH giám sát việc sử dụng có đúng mục đích, tôn chỉ và hiệu quả hay không. Ví dụ Quỹ xóa đói giảm nghèo phải dùng cho việc xóa đói giảm nghèo, Quỹ bảo vệ môi trường thì phải dùng cho việc bảo vệ môi trường.
Về lộ trình sắp xếp lại các quỹ, theo một lãnh đạo Bộ Tài chính, sau khi QH ra nghị quyết giám sát, bộ này sẽ tham mưu cho Chính phủ xây dựng nghị định hướng dẫn, quy định chi tiết về Quỹ TCNNS. Tinh thần là sáp nhập, hợp nhất các quỹ tài chính có mục tiêu hoạt động tương tự nhau để giảm bộ máy, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động.
“Chúng tôi cũng đồng tình với nhiều ý kiến, cần quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các ngành, các cấp trong việc thành lập, sử dụng quỹ và báo cáo tình hình thu - chi của từng loại quỹ. Chính phủ cần báo cáo QH kết quả hoạt động của các quỹ TCNNS cùng với báo cáo về NSNN hằng năm”, vị này bày tỏ.
Bình luận (0)