Trong khi đó, tình trạng mua bán, sử dụng bằng giả vẫn lộng hành khiến dư luận hoang mang.
Điển hình nhất là trường hợp bác sĩ Đinh Viết Hưng (TP.HCM). Tháng 10.2019, dư luận bàng hoàng khi chị V.N.A.T (33 tuổi) tử vong sau khi được bác sĩ Hưng phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện thẩm mỹ E. (Q.10). Qua xác minh, Sở Y tế TP.HCM kết luận vụ phẫu thuật cho chị V.N.A.T có nhiều sai sót chuyên môn. Đáng chú ý, trước đó không lâu (tháng 9.2019), ông Hưng còn thực hiện hút mỡ bụng cho khách hàng Đ.T.N.A (ngụ Hà Nội) lúc chị này đang mang thai. Sở Y tế TP.HCM tiến hành xác minh việc cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ cho ông này của Sở Y tế Đồng Nai thì TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, khẳng định quyết định cấp khám, chữa bệnh chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ mà bác sĩ Hưng sử dụng là giả.
Từ tháng 11.2019, bác sĩ Hưng bị Sở Y tế TP.HCM đình chỉ hành nghề 9 tháng, thu giữ chứng chỉ hành nghề (CCHN) giả và chuyển hồ sơ vụ việc qua cơ quan công an điều tra xử lý, nhưng đến nay gần 1 năm vẫn chưa có kết quả.
Đáng nói, trong thời gian bị “treo giò”, bác sĩ Hưng vẫn tiếp tục hành nghề ở bệnh viện thẩm mỹ khác và cách đây 3 tháng bị Sở Y tế TP.HCM phát hiện, phạt 40 triệu đồng!
Bác sĩ dùng bằng giả lọt vào khoa... cấp cứu
Sử dụng bằng cấp, CCHN giả như ông Hưng trong thực tế không phải hiếm. Tháng 6.2020, Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai kiểm tra Phòng khám đa khoa Đ.P (H.Nhơn Trạch, Đồng Nai) và nghi vấn bà Trần Xuân Ngọc sử dụng bằng tốt nghiệp y khoa Trường đại học Y Dược TP.HCM giả nên tiến hành xác minh. Kết quả, Trường đại học Y Dược TP.HCM khẳng định không cấp bằng tốt nghiệp y đa khoa hệ chính quy cho bà Ngọc vào ngày 10.10.2002, số hiệu 191/Y96. Đáng nói, bà Ngọc đã dùng bằng đại học y giả đăng ký học thêm nhiều bằng cấp quan trọng khác, được cấp CCHN và nghề ở nhiều nơi (Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM, Đồng Nai) với thâm niên khá lâu, trước khi bị phát hiện.
|
Cũng tại Đồng Nai, tháng 4.2020 qua rà soát hồ sơ, Sở Y tế phát hiện bà Đinh Kim Loan (35 tuổi, công tác tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) sử dụng bằng tốt nghiệp đại học y giả. Ngày 27.8.2019, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai ký hợp đồng thực hành khám, chữa bệnh với bà Loan, sau đó phân công người hướng dẫn thực hành nội khoa cho bà Loan tại khoa cấp cứu. Theo hồ sơ làm việc, bà Loan tốt nghiệp Đại học Dược tại Học viện Quân y năm 2011; đăng ký thực hành chuyên môn tại Khoa Dược của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai từ năm 2013 - 2017. Song song đó, năm 2012, bà Loan đăng ký học bác sĩ tại Trường đại học Y Dược TP.HCM và tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 2018. Thực tế bà Loan không thực hành tại Khoa Dược của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai từ năm 2013 - 2017. Học viện Quân y xác nhận bằng dược sĩ đại học của bà Loan là giả; Trường đại học Y Dược TP.HCM cũng xác nhận bằng bác sĩ y khoa của bà Loan là giả.
Ngoài sử dụng bằng bác sĩ giả để hành nghề, bà Loan còn dùng bằng dược sĩ giả đứng tên chịu trách nhiệm chuyên môn về dược tại nhà thuốc T.T (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa).
Có khoảng trống trong quản lý
Tại TP.HCM, Sở Y tế cho biết từ 2018 đến nay phát hiện 9 trường hợp thuê CCHN. Tính riêng từ tháng 1 - 8.2020 phát hiện 3 CCHN cho thuê. Theo quy định, hành vi thuê, mượn CCHN và cho người khác thuê, mượn CCHN sẽ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng và hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng CCHN từ 6 - 12 tháng với người cho thuê, mượn CCHN. Tuy nhiên, ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy việc phát hiện so với thực tế là còn ít.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, tất cả hành vi vi phạm của người hành nghề được đưa lên cổng thông tin điện tử Sở Y tế và kết nối với cơ sở y tế trên địa bàn. Ngoài ra, Sở Y tế còn có phần mềm rà soát những người hành nghề trên địa bàn TP, tất cả cơ sở y tế đều phải nhập cơ sở dữ liệu người hành nghề vào để Sở quản lý. “Nhưng có thể do cố tình nên có trường hợp bị lọt, tức không đăng ký. Lỗi này thuộc về người sử dụng”, bà Mai nói.
Cũng theo bà Mai, do trong lĩnh vực dược cho phép dược sĩ được ủy quyền nên thanh tra khó có thể “dựng lều” một chỗ để phát hiện việc thuê, mượn CCHN dược. “Việc dược sĩ cho thuê bằng người khác đứng bán, khi có kiểm tra thì chạy tới hoặc có giấy ủy quyền, đây cũng là khoảng hở. Đây là một hình thức thuê nhưng được biến tấu và không phải một sớm, một chiều là dẹp được ngay”, bà Mai nhìn nhận và cho biết Thanh tra Sở đã có đề xuất Bộ Y tế tăng mức xử phạt với hành vi dược sĩ vắng mặt nhưng không chứng minh hợp lý, có hình thức khống chế hành vi cho thuê bằng mà có giấy ủy quyền...
“Sở Y tế luôn truyền thông về ý thức để người hành nghề thực hiện đúng pháp luật. Khi người hành nghề vi phạm thì đưa công khai thông tin. Luật chưa quy định dược sĩ, bác sĩ cho thuê CCHN bị phát hiện 2 lần trở lên thì rút CCHN vĩnh viễn; nếu việc cho thuê mượn gây tai biến thì chuyển cơ quan điều tra”, bác sĩ Mai nói.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cũng nhìn nhận tình trạng cho thuê bằng cấp, CCHN là có và cần công nghệ thông tin để phát hiện sớm; còn ngành nghề sức khỏe mà sử dụng bằng cấp giả là không thể chấp nhận. “Hiện các sở y tế chỉ số hóa dữ liệu nội bộ nhưng cần phải số hóa dữ liệu và liên thông với các tỉnh, các trường đại học, cao đẳng trung cấp có đào tạo chuyên ngành sức khỏe... Tuy nhiên, để đồng bộ thì Bộ Y tế cần phải có chủ trương triển khai”, ông Thượng thông tin.
“Điệp khúc” chờ điều traTheo số liệu thống kê của Sở Y tế TP.HCM, từ năm 2015 đến nay đã phát hiện được 10 CCHN y giả, 18 bằng cấp chuyên môn dược giả, 42 giấy tờ xác nhận thực hành giả. Sở Y tế chuyển qua công an đề nghị điều tra nhưng đến nay không nhận được thông tin xử lý ra sao. “Sở Y tế mong nhận được thông tin xử lý từ ngành công an”, bác sĩ Mai nói.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, đối với trường hợp bác sĩ Đinh Viết Hưng, Cơ quan điều tra Công an TP.HCM vẫn đang làm rõ vụ sử dụng CCHN phẫu thuật giả và phẫu thuật đặt túi ngực cho bệnh nhân dẫn đến tử vong. Trong khi đó, có nguồn tin lại cho rằng vụ việc đã bàn giao cho Công an Q.10 và cơ quan này đang thụ lý điều tra.
Về 2 trường hợp sử dụng bằng cấp ngành y giả Đồng Nai phát hiện nêu trên, trao đổi với PV Thanh Niên, TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết đã chuyển vụ việc qua Công an tỉnh Đồng Nai điều tra nhưng đến nay chưa có kết quả. Trả lời về hai trường hợp này, Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an tỉnh Đồng Nai cho hay sau khi tiếp nhận hồ sơ 2 vụ việc mà Sở Y tế Đồng Nai chuyển sang, qua kiểm tra nhận thấy bà Trần Xuân Ngọc có hộ khẩu ở TP.HCM nên đã chuyển Công an TP.HCM xử lý theo thẩm quyền. Đối với hồ sơ của bà Đinh Kim Loan (35 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai), PA03 cũng đã chuyển hồ sơ cho Công an TP.Biên Hòa xử lý, hiện chưa có kết quả.
|
Bình luận (0)