Ngày 19.7.2021, trao đổi qua điện thoại, TS Hà Anh Đức và TS-BS Lê Tuấn Thành (Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam) rất bất an khi thấy nguy cơ quá tải y tế do dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM và các tỉnh phía nam…
Cùng thời điểm đó, PGS-TS Bùi Thế Duy (Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống Covid-19) cũng nghĩ tới giải pháp công nghệ tổng đài để hỗ trợ TP.HCM. Hai nhóm cùng ý tưởng gặp nhau và các anh quyết định phải làm gì đó. Vậy là Mạng lưới thầy thuốc đồng hành nhanh chóng được thành lập, lực lượng chủ chốt là bác sĩ (BS), tình nguyện viên (TNV) nhằm tư vấn người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc Covid-19 tại cộng đồng, đồng thời hỗ trợ tăng cường cho y tế các tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường. Đến nay, mạng lưới đã hỗ trợ tại TP.HCM, Bình Dương và Hà Nội.
Chiến dịch lịch sử
PGS-TS Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, Tổ trưởng Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống Covid-19, gọi Mạng lưới thầy thuốc đồng hành là “chiến dịch lịch sử”. Khởi đầu chiến dịch này, ngày 20.7.2021, dưới sự chỉ đạo của PGS-TS Bùi Thế Duy và TS Hà Anh Đức, mạng lưới bắt đầu thành hình với bản dự thảo đầu tiên. Ngày 22.7.2021, cái tên “Thầy thuốc đồng hành” được TS-BS Lê Tuấn Thành đề xuất và cuối cùng được ban điều hành đồng ý, đánh dấu mốc ra đời của mạng lưới. “Từ đó, không kể ngày đêm, tôi đã dành tất cả tình yêu với ngành y để cùng mọi người tìm cho ra những người cần hỗ trợ y tế gấp, trong cả biển người mênh mông”, BS Thành tâm sự.
BS Thành nhớ như in cuộc gọi đầu tiên của mạng lưới do ông thực hiện để thử nghiệm kiểm tra, báo cáo. Đó là lúc 22 giờ 54 phút ngày 26.7.2021, một bệnh nhân (BN) Covid-19 huyết áp cao khó kiểm soát.
BS Thành cố gắng tìm hiểu tình trạng người bệnh ra sao rồi giải thích trường hợp này là tăng huyết áp khẩn cấp, đã tự ngậm dưới lưỡi thuốc hạ áp nhanh nhưng chưa đáp ứng. Người nhà báo y tế địa phương nhưng được đề nghị theo dõi ở nhà do quá tải. Đêm hôm đó, khi người nhà gọi lại báo huyết áp của mẹ đã ổn hơn, BS Thành rất vui mừng. Nhưng cũng kể từ lúc đó, anh nhận ra mô hình Mạng lưới thầy thuốc đồng hành cần phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương. “Bảy ngày sau đó, tôi đã ăn ngủ trực tuyến cùng các nhóm, theo dõi các hoạt động, họp tổ chức, không biết thời gian trôi ra sao. Đến hôm nay, tôi chỉ có thể nói rằng rất biết ơn mọi người đã cùng tham gia mạng lưới, đã cùng nhau tạo nên một chiến dịch lịch sử”, BS Thành chia sẻ.
Mạng lưới thầy thuốc đồng hành tập trung hỗ trợ 5 nhóm đối tượng: F0 cần giúp khẩn cấp, F0 đã xác định nhiễm Covid-19 nhưng chưa kịp đưa đến cơ sở y tế điều trị, F0 có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà sau điều trị ban đầu tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F1 có triệu chứng nhưng xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính, F1 tiếp xúc nguy cơ cao vì ở chung trong không gian kín với BN Covid-19.
“Đây là nhóm đối tượng dễ tổn thương do chưa biết tình trạng của mình ở mức độ nào, khi nào thì mình cần đi bệnh viện điều trị. Họ cũng chưa biết phải gọi cho chuyên gia y tế nào và ở đâu khi đang tự cách ly tại nhà, hoặc chưa liên hệ được cơ quan y tế khi trở bệnh nặng hơn nên dễ có tâm lý hoang mang, hoảng loạn”, TS Hà Anh Đức giải thích.
|
Sức nóng của chiến dịch
Trong gần 2 tháng đồng hành “ăn ngủ” cùng Sài Gòn vừa qua, TNV Nguyễn Thị Thanh Nga cảm nhận được rõ nhất sức nóng của chiến dịch. Hằng ngày, thông tin các ca bệnh đã xác định hoặc nghi nhiễm nguy cơ cao được gửi và mã hóa vào công cụ quản lý. Dữ liệu này được lấy từ nguồn CDC các tỉnh và trực tiếp từ cuộc gọi đến các đường dây nóng. TNV là y BS, nhân viên y tế chủ động gọi điện, tư vấn, ghi chép tình trạng bệnh. Thông tin về mức độ nguy cơ của từng ca bệnh sẽ được ghi chép, dán nhãn. Các trường hợp được đánh giá nguy cơ 3 và 4 sẽ được BS quản lý kích hoạt cơ chế của nhóm hỗ trợ cấp cứu.
“30 ngày đêm đầu tiên - tháng 8.2021, chỉ riêng TP.HCM, mạng lưới đã thực hiện khối lượng công việc ngoài sức tưởng tượng. Theo đó, hơn 4.000 BS, TNV đã thực hiện hơn 1 triệu phút đàm thoại với BN. Thời gian đàm thoại tương đương với một người nói không ngừng nghỉ trong 2 năm”, TNV Thanh Nga cho biết. TS-DS Hồ Thị Thanh Huyền chia sẻ thêm: “Tất cả mọi thành viên đã thực hiện các cuộc gọi điện đến cho BN với tình yêu thương. Họ tư vấn cho BN từ sức khỏe đến những vấn đề liên quan cách ly, Covid-19, cấp cứu, chính quyền… Họ phải theo dõi những kiến thức cập nhật, diễn biến dịch từng giờ, từng phút”.
|
Mỗi giờ đồng hồ trôi qua công việc sàng lọc, chăm sóc BN cứ thế tiếp diễn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhưng Th.S-BS Lê Thị Mỹ Duyên vẫn dành thời gian trực tuyến với mạng lưới để chăm sóc các BN Covid-19 nguy cơ cao.
“Tuy chỉ tranh thủ được 15 - 30 phút nói chuyện chia sẻ với nhau, nhưng tinh thần mọi người đều lạc quan hơn hẳn. Chúng tôi động viên nhau gắng sức đồng hành để Sài Gòn lại nhộn nhịp, tươi vui như ngày nào”, BS Duyên bày tỏ. Còn BS Phương Anh phụ trách tư vấn khu vực G23, một trong những khu vực tiếp nhận rất nhiều ca NCC (NC3, NC4) trải lòng: “Đôi khi chỉ chậm một giây thôi, những tiếng khóc, sự tiếc nuối tại đầu dây bên kia ngay lập tức vang lên và để lại một nỗi buồn man mác cho các BS, TNV”.
Nhưng niềm vui vẫn lớn hơn nỗi buồn khi mạng lưới liên tục nhận được kết quả tốt đẹp của những BN được tư vấn. “Chị ơi em khỏi bệnh, em đang được về nhà rồi đây”. “Thật sự rất đáng quý khi những lúc như thế này lại nhận được một cuộc gọi hỏi thăm sức khỏe con à”. “Rất vui vì dù ở nhà cách ly, các y BS cũng không bỏ rơi mình”. “Biết ơn BS nhiều lắm. BS giữ gìn sức khỏe để chăm sóc các BN khác nghen”… “Những chia sẻ của BN như thế đã tiếp thêm năng lượng cho đội ngũ y BS, TNV”, TNV Thanh Nga bộc bạch.
(còn tiếp)
Những con số biết nóiMạng lưới thầy thuốc đồng hành đến nay có 9.300 thành viên với khoảng 5.830 y BS, TNV đang trực chiến tại 3 khu vực là TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội và gần 3.000 TNV đang trong đợt tập huấn chuẩn bị sẵn sàng tinh thần, kiến thức để cùng tham gia. Sơ kết từ ngày 1.8 - 19.9.2021, mạng lưới đã đạt con số như sau: 298.339 ca nhiễm SARS-CoV-2 được tiếp cận, hỗ trợ y tế từ xa, 1.920 ca bệnh nặng đã được liên hệ cấp cứu kịp thời hoặc telehealth hướng dẫn sơ cứu trong khi đợi y tế địa phương đến, 2.800.000 phút gọi và 2.200.000 phút đàm thoại.
|
Bình luận (0)