Cả nước ghi nhận 9.521 ca Covid-19 mới, 11.848 ca khỏi
Bản tin
Bộ Y tế tối 4.9 cho biết tính từ 17h ngày 3.9 đến 17h ngày 4.9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.521 ca ghi nhận trong nước. Trong ngày có 11.848 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 4.9, tổng hợp số liệu
tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 347 ca tử vong tại 16 tỉnh, thành phố nâng tổng số ca Covid-19 tử vong tại Việt Nam lên 12.793 ca.
Ngày 4.9: Cả nước 9.521 ca Covid-19, 11.848 ca khỏi | TP.HCM 4.104 ca
|
9.521 ca được công bố vào ngày 4.9 đều là các ca bệnh ghi nhận trong nước, trong đó có 4.734 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (4.104),
Bình Dương (2.485), Đồng Nai (992), Long An (544), Tiền Giang (148), Tây Ninh (137), Kiên Giang (125), Đồng Tháp (120),
Quảng Bình (110),
Bình Thuận (99), Cần Thơ (76), Đắk Lắk (73), Bình Phước (62),
Hà Nội (52), Khánh Hòa (51),
Đà Nẵng (47), Bà Rịa - Vũng Tàu (39), An Giang (35), Nghệ An (32), Phú Yên (29), Quảng Ngãi (23), Thừa Thiên - Huế (22),
Sóc Trăng (21), Bạc Liêu (15), Trà Vinh (14), Gia Lai (12), Sơn La (9), Thanh Hóa (8 ), Bình Định (7), Vĩnh Long (7), Cà Mau (6), Lâm Đồng (5),
Ninh Thuận (3), Bắc Ninh (3),
Bến Tre (2), Hà Tĩnh (1), Thái Bình (1), Lạng Sơn (1), Đắk Nông (1).
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 5.373 ca. Tại TP.HCM giảm 4.395 ca, Bình Dương giảm 1.191 ca, Đồng Nai tăng 6 ca, Long An giảm 20 ca,
Tiền Giang giảm 6 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 511.170 ca nhiễm, đứng thứ 52/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 160/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.199 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 506.912 ca, trong đó có 279.742 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 10/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh,
Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu,
Hòa Bình, Yên Bái,
Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.
+ Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ,
Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (245.188), Bình Dương (128.893), Đồng Nai (27.306), Long An (24.329), Tiền Giang (10.438).
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.572 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.204
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.267
- Thở máy không xâm lấn: 173
- Thở máy xâm lấn: 899
Ngày 4.9: Thông báo 347 ca Covid-19 tử vong tại 16 tỉnh thành
|
Trong ngày 4.9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 347 ca tử vong tại 16 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (256), Bình Dương (45), Long An (9),
Đồng Tháp (6), Đồng Nai (tính trong hai ngày 3 - 4.9: 5 ca), Khánh Hòa (5), Tiền Giang (5), Cần Thơ (4), Đà Nẵng (4), Đắk Lắk (2), Hà Nội (1), Bình Phước (1), Cà Mau (1), Nghệ An (1), Quảng Nam (1), Vĩnh Long (1).
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.793 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên
thế giới (2,1%).
- Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 643.793 xét nghiệm cho 1.148.822 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 16.706.988 mẫu cho 38.182.379 lượt người.
- Trong ngày 3.9 có 210.119 liều
vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 21.046.279 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.998.754 liều, tiêm mũi 2 là 3.047.525 liều.
Thủ tướng chỉ thị tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh, giáo viên
Theo đó, để thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT:
Chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh,
sinh viên học tập, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo. Những nơi an toàn trong phòng, chống dịch thì vẫn khai giảng bình thường như mọi năm.
Xác định các yêu cầu, nội dung cốt lõi, căn bản trong chương trình dạy học, làm cơ sở cho các địa phương, các cơ sở giáo dục chủ động triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương, nhất là ở những địa bàn dịch
Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tổ chức tiêm chủng cho học sinh các cấp sau khi cơ quan chuyên môn có hướng dẫn tiêm chủng vắc xin phòng
Covid-19 cho người dưới 18 tuổi; rà soát gửi Bộ Y tế cấp bổ sung và tiêm vắc xin cho tất cả giáo viên các cấp học theo quy định.
Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch cho học sinh, sinh viên và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường. Xây dựng phương án cụ thể về việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp (đối tượng dưới 18 tuổi).
Chính phủ Đức và Chính phủ Nhật Bản viện trợ vắc xin Covid-19 cho Việt Nam
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 3.9,
Chính phủ Đức đã quyết định viện trợ khoảng 2,5 triệu liều vắc xin AstraZeneca để hỗ trợ Việt Nam
chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao chưa thông tin về kế hoạch thời gian số lượng vắc xin này sẽ về tới Việt Nam.
Trước đó, Chính phủ Đức cũng đã thông báo tặng Việt Nam lô trang thiết bị y tế gồm 75 máy thở, 15 màn hình điều trị bệnh và 20.000
máy đo nồng độ ôxy. Theo Bộ Ngoại giao, đây là kết quả của sự vận động tích cực ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, trong đó có việc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi thư và điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nỗ lực vận động mà Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin, các bộ, ngành và Cơ quan đại diện Việt Nam tại Đức đã triển khai trong thời gian qua. Đức là một trong những nước tài trợ lớn nhất thế giới cho
cơ chế COVAX với tổng cam kết đóng góp trị giá 2,2 tỉ Euro.
Cũng theo thông tin từ
Bộ Ngoại giao, ngày 3.9, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định viện trợ bổ sung vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam. Bộ Ngoại giao cho biết, đây là thành quả của vận động cấp cao, nỗ lực của Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin.
Nhật Bản đã viện trợ vắc xin Covid-19 cho Việt Nam với nhiều đợt vận chuyển
|
Cũng theo Bộ Ngoại giao, dự kiến số vắc xin do Nhật Bản viện trợ bổ sung này sẽ tới Việt Nam ngày 9.9.2021 sắp tới. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao không cung cấp số lượng cụ thể số lượng vắc xin Nhật Bản sẽ viện trợ. Cho đến nay, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 3 triệu liều
vắc xin AstraZeneca; là nước viện trợ vắc xin nhiều thứ 2 cho Việt Nam sau Mỹ với 6 triệu liều.
TP.HCM tìm giải pháp cho người chưa tiêm vắc xin Moderna mũi 2
Trước thông tin những người đã tiêm mũi 1 ngừa Covid-19 bằng vắc xin Moderna đang có nguy cơ không được tiêm mũi 2 theo kỳ hạn 4 tuần như khuyến cáo của nhà sản xuất, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã cung cấp những thông tin liên quan đến vấn đề này.
Tính đến ngày 4.9.2021, TP.HCM đã nhận tổng cộng 10,3 triệu liều vắc xin Covid-19; trong đó có hơn 4,5 triệu liều vắc xin AstraZeneca, hơn 571.000 liều vắc xin Moderna, 312.510 liều vắc xin Pfizer và 5 triệu liều vắc xin Vero Cell.
Tính đến hết ngày 3.9, TP.HCM đã tiêm 6,3 triệu liều, trong đó hơn 5,9 triệu mũi 1 và gần 398.000 mũi 2.
Riêng với vắc xin Moderna, toàn TP.HCM đã tiêm 624.418 liều (bao gồm khối bộ, ngành). Trong đó, khối TP.HCM tiêm mũi 1 là 518.821 liều và mũi 2 là 53.990 liều. Như vậy, số người chưa tiêm mũi 2 vắc xin Moderna là rất lớn. Hiện tại, một số người đang lo lắng Moderna không còn, và sợ nếu tiêm trễ sẽ giảm hiệu quả bảo vệ của mũi 1.
Tại cuộc họp báo chiều 4.9,
trả lời câu hỏi của phóng viên
Thanh Niên về việc khi nào TP.HCM triển khai tiêm vắc xin Moderna mũi 2 cho người dân, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành HCDC cho biết đến nay TP.HCM chưa nhận được vắc xin Moderna để tiêm cho người chưa tiêm mũi 2. Ngành y tế TP.HCM đang tính các giải pháp thay thế, phù hợp nguyên tắc về khoa học và chuyên môn.
Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm Trương Hữu Khanh thì sau khi tiêm Moderna mũi 1, chậm nhất tối đa 4 tháng phải tiêm mũi 2. Nhưng lo nhất là trong thời gian chờ thì bị nhiễm bệnh.
Về giải pháp, theo bác sĩ Khanh, một số nước trên
thế giới khi thiếu vắc xin Covid-19 đã tiêm trộn Moderna với Pfizer và ngược lại; AstraZeneca tiêm trộn với Pfizer, Moderna; tuy nhiên chưa có nghiên cứu tiêm Pfizer, Moderna mũi 1, dùng AstraZeneca mũi 2.
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, thành phố vừa được Bộ Y tế phân bổ hơn 1 triệu liều vắc xin Pfizer (hơn 500.000 liều) và vắc xin AstraZeneca. Nhiều khả năng TP.HCM sẽ tiêm Pfizer mũi 2 cho người đã tiêm Moderna mũi 1.
Đồng Nai hỏa tốc đề nghị Bộ Y tế cấp thêm gần 3 triệu liều vắc xin Covid-19
Theo nội dung văn bản, Đồng Nai có hơn 3,7 triệu người sinh sống, trong đó gần 2,4 triệu người trên 18 tuổi. Như vậy nhu cầu vắc xin để tiêm hết số người trên 18 tuổi khoảng 4,8 triệu liều. Tính đến nay, Bộ Y tế đã cấp 8 đợt vắc xin phòng Covid-19 cho Đồng Nai với gần 1,8 triệu liều.
Trong khi đó Đồng Nai đang là địa phương có dịch diễn biến phức tạp, số ca nhiễm Covid-19 đứng thứ 3 cả nước (sau TP.HCM và Bình Dương). Mặc dù đã áp dụng quyết liệt các biện pháp phòng tránh nhưng với chủng Delta siêu lây nhiễm, mỗi ngày Đồng Nai có từ 400 - 1.000 ca mắc mới.
Đồng Nai hỏa tốc đề nghị Bộ Y tế cấp thêm gần 3 triệu liều vắc xin Covid-19
|
Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều ổ dịch ở các doanh nghiệp lớn,
có hàng chục ngàn công nhân như Changshin, Taekwang Vina, Pouchen… Tại các khu phòng trọ công nhân cũng bùng phát dịch.
Từ thực tế trên, Đồng Nai mong muốn có
thêm vắc xin phòng Covid-19 để tiêm cho người dân, lực lượng lao động tại các doanh nghiệp, từ đó duy trì hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất. Đồng Nai đề nghị Bộ Y tế cấp bổ sung 2.968.878 liều. Cụ thể, gồm 1.576.940 liều (các loại Moderna, Pfizer, AstraZeneca và Sinopharm) để tiêm mũi 2 trong khoảng thời gian từ 10 - 30.9, và 1.391.938 liều vắc xin để tiêm mũi 1.
Được lo đủ cơm, F0 ở Bình Dương lại quay ra phá cửa bệnh viện lấy đồ dùng
Theo bác sĩ Lê Ngọc Vũ, Giám đốc
Bệnh viện dã chiến số 1 cơ sở Thới Hòa (TX.Bến Cát, Bình Dương), trước tình trạng
F0 vượt rào, giật đồ ăn, phá cửa... hiện bệnh viện này đã tạm dừng tiếp nhận F0 trên địa bàn
Bình Dương để củng cố nội vụ, lập danh sách, hồ sơ bệnh án từng bệnh nhân để phân loại, điều trị.
Trong số F0 ra ngoài lấy đồ dùng có cả nam lẫn nữ
|
Để tránh tình trạng
F0 giật đồ ăn như đã xảy ra vào ngày 3.9, bác sĩ Vũ cho biết mỗi lần phát cơm đều có lực lượng tình nguyện viên từ 20 - 30 người đi theo để ổn định trật tự. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát cơ động cũng được tăng cường để đảm bảo an ninh trật tự và đóng quân ngay trong bệnh viện nhằm hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ trong trường hợp xảy ra sự cố tương tự.
Giải thích về tình trạng thiếu cơm dẫn đến giật đồ ăn xảy ra trong ngày 3.9, bác sĩ Vũ cho biết: "Do số lượng F0 từ TX.Tân Uyên (Bình Dương) đưa lên quá đông, trong khi đó số lượng báo không chính xác dẫn đến bị động, không đặt trước được suất ăn".
Đến tối 3.9, các suất ăn đã được cung cấp đủ nhưng vẫn xảy ra tình trạng F0 giật đồ ăn
|
Cụ thể, bác sĩ Vũ nói: “Có ngày số lượng báo cho chúng tôi là đưa lên 600 F0, nhưng thực tế tiếp nhận chỉ có 300 người nên lượng cơm đã đặt trước bị dư phải đổ đi rất lãng phí. Tuy nhiên, cũng có ngày chúng tôi được báo sẽ có 500 F0, nhưng con số thực tế đưa lên từ 800 - 1.000 người khiến bệnh viện bị động”. Chưa dừng lại ở đó, bác sĩ Vũ cũng cho biết tình trạng 1 F0 lấy một lúc 4 - 5 suất cơm dẫn đến việc thiếu cơm của F0 khác.
Cũng theo bác sĩ Vũ, số lượng F0 được đưa đến
Bệnh viện dã chiến cơ sở Thới Hòa hầu hết chưa có danh sách hoàn chỉnh, danh sách viết bằng tay, chưa đầy đủ thông tin, F0 chưa được phân loại như người già, trẻ em, người có bệnh nền… Vì thế, sau khi F0 được đưa đến bệnh viện phải mất thời gian phân loại lại và cập nhật thêm thông tin.
Khi vào phòng, khóa cửa phía trước thì F0 phá cửa phía sau để ra ngoài
|
“Có những trường hợp F0 có số điện thoại trong danh sách nhập viện nhưng khi chúng tôi gọi đến thì trả lời đang ở nhà”, bác sĩ Vũ nói.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trong đêm 3.9, tại Bệnh viện dã chiến số 1 cơ sở Thới Hòa vẫn còn xảy ra tình trạng F0 ùa vào giật đồ ăn khi xe chở các suất ăn đến.
Chưa dừng lại ở đó, các F0 (hầu hết từ TX.Tân Uyên đưa lên) còn phá cửa ra ngoài lấy đồ dùng của bệnh viện đang tập kết ở ngoài như quạt, ghế bố… để mang vào phòng sử dụng.
Cảnh sát cơ động đã được tăng cường trong bệnh viện dã chiến cơ sở Thới Hòa
|
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên, bác sĩ Vũ xác nhận có tình trạng trên ra và còn hơn thế nữa. “F0 phá cửa rào ở phía trước ra ngoài tập thể dục, khạc nhổ bừa bãi ra sân, còn gõ cửa phòng các y bác sĩ khác để hỏi lấy đồ… Sau đó, chúng tôi dồn lại vào phòng, khóa, hàn cửa phía trước lại thì F0 lại phá cửa phía sau của bệnh viện để ra ngoài”, bác sĩ Vũ nói.
Bác sĩ Vũ cũng khẳng định nhóm F0 này trước đó đã từng gây ra cảnh
đập phá khu cách ly ở TX.Tân Uyên.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng có nhóm F0 phá cửa bệnh viện, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết đã cùng với Công an tỉnh Bình Dương đến tận Bệnh viện dã chiến cơ sở Thới Hòa để chỉ đạo, xử lý; đồng thời tăng cường lực lượng cảnh sát cơ động chốt trực, đảm bảo an ninh trật tự.
Túi an sinh chậm đến tay hộ khó khăn tại TP.HCM
Theo số liệu của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM, tính đến ngày 3.9,
Trung tâm an sinh TP.HCM đã chuyển gần 1,5 triệu túi an sinh đến 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Tuy nhiên, thực tế, một số hộ dân khó khăn vẫn chưa nhận được túi an sinh kịp thời.
Lý giải, ông Lê Văn Thu, Trưởng ban Tuyên giáo - Đối ngoại Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho hay UB MTTQ Việt Nam TP.HCM khi tiếp nhận hàng hóa như rau củ, gạo, lương thực thực phẩm đã phân bổ về 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức, để địa phương có kế hoạch phân bổ cho nhân dân trên địa bàn của mình. Vì vậy, theo ông Thu, việc chậm trễ cấp túi an sinh cho các hộ dân khó khăn có thể do khi túi an sinh về địa phương, chính quyền chưa phân bổ kịp đến người dân.
Túi an sinh chậm đến tay hộ khó khăn tại TP.HCM
|
Thứ hai, ông Thu cũng nhìn nhận trên cơ sở rà soát của tổ dân phố cũng như ban công tác mặt trận khu dân cư.
“Chắc chắn rằng trong quá trình rà soát có thiếu sót. Vấn đề này UB MTTQ Việt Nam TP.HCM cũng đã yêu cầu mặt trận quận, huyện và TP.Thủ Đức chỉ đạo, hướng dẫn địa phương nắm lại các hộ khó khăn, tránh thiếu sót và lọt các hộ khó khăn trên địa bàn”, ông Thu nêu.
Ngoài ra, ông Thu cho biết, Trung tâm an sinh TP.HCM đã tổ chức các
lực lượng SOS chuyển hơn 9.000 phần quà và hơn 7.000 lốc sữa (đối với hộ có con nhỏ) đến hộ khó khăn thông qua các cuộc gọi đến tổng đài 1022.
“Hiện nay
tổng đài 1022 tiếp tục nhận thông tin các hộ khó khăn về lương thực để chuyển túi an sinh kịp thời. Đồng thời ngoài việc người dân gọi qua 1022, thì có thể liên hệ đến tổng đài UB MTTQ Việt Nam TP.HCM: (028) 38226167, (028) 38293771, hoặc (028) 38293978”, ông Thu chia sẻ.
Sốt ruột vì con vào lớp 1 học online mà nhà chỉ có chiếc điện thoại hỏng
Thất nghiệp nhiều tháng trời, con gái lại chuẩn bị vào lớp 1; dịch bệnh làm hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoa (ở trọ Q.12, TP.HCM) thất nghiệp đã hơn 3 tháng trời.
Mất việc, họ cũng chạy vạy khắp nơi vay tạm người quen ít tiền để mua tạm đồ ăn sống qua ngày.
Để tiết kiệm, mỗi ngày hai vợ chồng chỉ dám ăn uống tằn tiện.
Bà Hoa thường nhận may gia công áo quần ở chợ, việc lúc có lúc không. 3 năm trước lúc đạp xe ra ngoài bà bị xe máy tông bị đứt dây chằng gối. Do không có tiền để mổ nên đành phải nằm ở nhà
uống thuốc một năm mới có thể đi lại được.
Chồng của bà Hoa năm nay cũng 53 tuổi, làm nghề chạy xe ôm. Thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng cũng chỉ đủ trang trải tiền trọ và tiền sinh hoạt cho 3 người. Dịch bệnh ngoài số cá khô và cải muối trữ sẵn, họ cũng 3 lần nhận được
nhu yếu phẩm hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng như hội đồng hương.
Sốt ruột vì con vào lớp 1 học trực tuyến mà nhà chỉ có chiếc điện thoại hỏng
|
Khó khăn là vậy nhưng họ vẫn gắng cho con gái 6 tuổi được đi học. Cô bé năm nay cũng chuẩn bị vào lớp 1 ở một trường tiểu học trên địa bàn Q.12. Tuy nhiên, bà Hoa đang chưa biết phải xoay xở thế nào khi được thông báo sẽ
học online. Hai vợ chồng bà chỉ có một điện thoại thông minh có thể kết nối mạng mạng nhưng cũng gần hư hỏng. Ngoài ra nhà không còn thiết bị gì để có thể học online được.
"Nhà có mỗi cái máy điện thoại mà lại đang bị hỏng, cứ chập chờn hời. Có lúc bật lên được, lúc lại không. Sợ là nếu dịch bệnh cứ kèo dài thế này thì bé không đuổi kịp được các bạn" bà Hoa lo lắng.
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa công bố số liệu sau khi các trường tiểu học, THCS, THPT rà soát tỷ lệ học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến từ đầu năm học mới này. Theo đó, thống kê về con số, trong tổng số gần 700.000 học sinh trung học thì có khoảng 17.000
học sinh không có thiết bị, không có đường truyền internet, hơn 5.000 học sinh có thiết bị nhưng lại không có internet. Trong tổng số 647.253 học sinh tiểu học thì có 591.764 học sinh đủ điều kiện tham gia học trực tuyến và số học sinh không đủ điều kiện học trong thời gian này là 53.349 học sinh. Cụ thể, có 19.669 học sinh không có thiết bị, 3.633 gia đình
thiếu đường truyền internet, 11.186 học sinh không có người hỗ trợ, học sinh đang ở quê…
Người dân Hà Nội khó khăn do Covid-19 gọi điện đến đâu để được hỗ trợ?
Ngày 4.9, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội cho biết, thành phố mới bổ sung thêm nhánh số 5 của Tổng đài điện thoại 1022 chuyên giải đáp về vấn đề
an sinh xã hội (Tổng đài 1022).
Theo đó, người dân, tổ chức, doanh nghiệp gọi điện đến Tổng đài 1022 (nếu gọi bằng điện thoại di động thì bấm số 0241022), chọn nhánh số 5 sẽ được Sở LĐ-TB-XH tiếp nhận thông tin và hỗ trợ giải đáp thông tin như: hỗ trợ lao động tự do,
người lao động chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người lao động làm việc tại các cơ sở
giáo dục dân lập, tư thục chấm dứt hợp đồng lao động. Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, lao động ngừng việc.
Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB-XH sẽ giải đáp về hỗ trợ cho người nghèo, người cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội; giải đáp về hỗ trợ cho người có công; giải đáp về công tác chi trả tiền hỗ trợ; giải đáp về các kiến nghị, phản ánh khác thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.
Ngoài nhánh số 5 giải đáp về các vấn đề an sinh xã hội, người dân cần hỗ trợ
nhu yếu phẩm trong thời gian giãn cách có thể bấm nhánh số 6 sẽ được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.Hà Nội tiếp nhận thông tin và hỗ trợ.
Trước đó, ngày 20.8, UBND TP.Hà Nội đã giao Sở TT-TT đưa vào vận hành Tổng đài 1022, đây là kênh kết nối, tiếp nhận, phản ánh, giải đáp kiện nghị của người dân, tổ chức trên địa bàn liên quan đến dịch Covid-19. Hiện tại, tổng đài được thiết lập với 6 nhánh:
Nhánh 1 (bấm phím 1): Kết nối đến Trung tâm Cấp cứu 115.
Nhánh 2 (bấm phím 2): Kết nối đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội.
Nhánh 3 (bấm phím 3): Kết nối đến Mạng lưới thầy thuốc đồng hành.
Nhánh 4 (bấm phím 4): Kết nối đến Sở TT-TT để phản ánh về vi phạm phòng, chống dịch Covid-19.
Nhánh 5 (bấm phím 5): Kết nối đến Sở LĐ-TB-XH để được giải đáp về các vấn đề an sinh xã hội.
Nhánh 6 (bấm phím 6): Kết nối đến Ủy ban Mặt trân Tổ quốc TP.Hà Nội để yêu cầu giúp đỡ, hỗ trợ nhu yếu phẩm khi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Để tránh tình trạng quá tải khi người dân gọi vào Tổng đài 1022, Sở TT-TT Hà Nội cũng đang nghiên cứu bổ sung tổng đài trả lời tự động và thiết lập cổng thông tin điện tử với tên miền: 1022.hanoi.gov.vn để tiếp nhận, giải đáp, tư vấn thông tin của người dân.
Người dân Hà Nội khó khăn do Covid-19 gọi điện đến đâu để được hỗ trợ?
|
Theo Sở LĐ-TB-XH, tính đến ngày 3.9, TP.Hà Nội đã có quyết định hỗ trợ cho gần 2,4 triệu người, hộ gia đình khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với tổng kinh phí gần 839 tỉ đồng… Trong đó, kinh phí từ ngân sách gần 676 tỉ đồng và nguồn vận động xã hội hóa gần 163 tỉ đồng.
Với
gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng của Chính phủ, Hà Nội đã ra quyết định hỗ trợ cho hơn 1,6 triệu người lao động, người sử dụng lao động với kinh phí gần 391 tỉ đồng. Đến nay, Hà Nội đã có 1,583 triệu người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận với chính sách, nguồn lực trợ giúp với số tiền gần 330 tỉ đồng.
Riêng với nhóm lao động tự do, cả 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã ra quyết định hỗ trợ cho 100.528 người với số tiền gần 151 tỉ đồng.
Với nhóm chính sách hỗ trợ đặc thù của
thành phố, về cơ bản Hà Nội đã chi trả xong kinh phí hỗ trợ cho 282.650 người thuộc đối tượng người có công, bảo trợ xã hội,
hộ nghèo, cận nghèo với tổng nguồn lực hỗ trợ đến thời điểm này là gần 448 tỉ đồng.
Niềm vui thai phụ ngày được máy bay đưa về Lâm Đồng tránh dịch Covid-19
Lúc 10 giờ 15 phút sáng 4.9.2021, chuyến bay đầu tiên chở thai phụ từ
sân bay Tân Sơn Nhất hạ cánh an toàn xuống sân bay Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng). Đến 14 giờ cùng ngày, chuyến bay thứ ba cũng hạ cánh an toàn trong niềm vui vỡ òa của các thai phụ.
Bà Lê Thị Thêu, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Lâm Đồng, cho biết danh sách ban đầu có 533 người, trong đó có 297 thai phụ và người thân đi kèm. Những người này có hộ khẩu thường trú tại
Lâm Đồng, đang sống tại 11 tỉnh, thành phía nam, nhiều nhất là TP.HCM,
Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tuy nhiên, trước thời điểm lên máy bay, có nhiều thai phụ không đảm bảo điều kiện
sức khỏe nên chưa thể trở về lần này. 3 chuyến bay đã chở 429 người, trong đó có 243
thai phụ, 186 người thân đi cùng (gồm 37 trẻ em). Trước khi lên máy, tất cả thai phụ và thân nhân đã được xét nghiệm và có kết quả âm tính với Covid-19.
Niềm vui thai phụ ngày được máy bay đưa về Lâm Đồng tránh dịch Covid-19
|
Chị Ngô Thị Thu Thủy - thai phụ 8 tháng, quê Lâm Đồng, cho biết chị đã chờ rất lâu để được về quê. Ngày hồi hương, trong lòng chị có rất nhiều cảm xúc lẫn lộn và trên hết là biết ơn quê hương vì đã tạo điều kiện để mẹ con chị trở về
an toàn.
Bà Lê Thị Thêu cho biết thêm trong số 243 thai phụ, có những người mang bầu tháng thứ 7, thứ 8 nhưng khi đáp xuống sân bay Liên Khương không có trường hợp nào phải gọi y tế trợ giúp.
Sau khi xuống sân bay, các huyện và 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc đã bố trí sẵn xe cấp cứu và xe đón các thai phụ và người thân để đưa về khu cách ly tập trung phòng dịch Covid-19 trong 14 ngày theo quy định.
Bình luận (0)