Miền Trung oằn mình trong lũ dữ

11/10/2020 05:28 GMT+7

Mưa lớn suốt 3 ngày qua kèm thủy điện phía thượng nguồn xả lũ điều tiết đã khiến nhiều tỉnh, thành ở miền Trung tiếp tục oằn mình ứng phó lũ dữ, nhất là khi đang có đợt áp thấp nhiệt đới mới...

Vỡ đập thủy lợi, Quảng Nam dự báo còn ngập sâu

Hôm qua 10.10, thống kê sơ bộ tại Quảng Nam cho thấy hàng ngàn nhà dân ở Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Hội An... ngập sâu trong nước, các phương tiện không thể lưu thông. Mưa lũ cũng gây sạt lở, bồi lấp 68 điểm trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh, thêm 106 điểm sạt lở trên các tuyến đường giao thông địa phương.

Nhiều nơi sắp thành biển nước khi 4 thủy điện ở Quảng Nam xả lũ

Nhiều nơi ở H.Duy Xuyên, Quảng Nam ngập sâu khiến việc đi lại khó khăn ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Nhiều nơi ở H.Duy Xuyên, Quảng Nam ngập sâu khiến việc đi lại khó khăn

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Trước tình hình mưa lũ phức tạp, theo chỉ đạo của ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh này đã lập sở chỉ huy tiền phương, đặt tại H.Đại Lộc. Dự báo trong ngày hôm nay (11.10), do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn sẽ bị ngập nặng ngang với mức lũ các năm 2009, 2013 và có thể ngập sâu hơn.
Ông Nguyễn Văn Tiền, Chủ tịch UBND xã Duy Phú (H.Duy Xuyên), cho biết do mưa lớn kéo dài, sáng 10.10, gần 25 m cống xả trên thân đập hồ thủy lợi Cát Bầu (dung tích khoảng 800.000 m3) bị vỡ. Nước tràn xuống khiến 20 nhà dân bị ngập sâu gần 1 m, hư hỏng nhiều tài sản, vật dụng. Đây là đập phục vụ nước tưới cho khoảng 5 ha hoa màu của người dân thôn Mỹ Sơn (xã Duy Phú).

Miền Trung hứng chịu đợt mưa rất to, sẽ xuất hiện lũ đặc biệt lớn

“Nếu không có các chú, chắc chúng tôi không sống nổi”

Hôm qua, sau gần 3 ngày bị cô lập giữa mênh mông nước, người dân ở vùng Càng (H.Hải Lăng, Quảng Trị) đã nhận được những vật phẩm tiếp tế đầu tiên là những thùng mì ăn liền, nước uống do ngành chức năng vận chuyển vào bằng thuyền nhỏ và ca nô. Đây là vùng thấp trũng nằm giữa những cánh đồng Hải Lăng, thường xuyên bị ngập lụt, đời sống người dân vốn đã khó khăn nên càng thêm thiếu thốn do bị lũ cô lập.
Với trận lũ lịch sử vượt cả mốc lũ năm 1983 diễn ra mấy ngày qua, chưa khi nào chính quyền tỉnh Quảng Trị đã phải huy động lực lượng và phương tiện nhiều đến thế để ứng cứu. Theo thống kê sơ bộ, có đến 18.000 ngôi nhà bị ngập trong lũ, 15.000 người dân phải sơ tán (kể cả di dời tại chỗ). Nhiều người dân ở thôn Hà Xá (xã Triệu Ái, H.Triệu Phong) cảm kích: “Nếu không có các chú (lực lượng công an, biên phòng - PV), chắc chúng tôi không sống nổi”.
Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Trị, kể rằng trong đêm 9.10, khi nước vẫn đang lên, có tiếng kêu cứu của người dân phát ra từ dãy nhà ngập trong lũ đến tận nóc. Đơn vị liền điều động ca nô cùng lực lượng chuyên nghiệp đến ứng cứu xuyên đêm. Chiếc ca nô sau mỗi lần lao đi trong đêm tối thường chở theo 3 - 5 người khi quay về, chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em.
Dù đã ở nơi an toàn, 2 chị Nguyễn Thị Hoài Như (32 tuổi) và Nguyễn Thị Ngọc Oanh (28 tuổi, cùng trú thôn Thượng Nguyên, xã Hải Lâm, H.Hải Lăng) vẫn chưa thôi xúc động khi nhắc đến lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị và chính quyền xã Hải Lâm. Chiều 9.10, nước lũ tràn về Thượng Nguyên chạm nóc ít nhất 500 nhà dân ở đây. Chị Như, chị Oanh còn yếu sau khi vừa vượt cạn, 2 con nhỏ cũng chỉ mới 3 tháng tuổi. Hai bà mẹ trẻ loay hoay chưa biết làm cách nào để cứu con nhỏ, thì thấy ca nô cứu hộ của lực lượng CSGT trờ tới... Ông Hoàng Hoa Thám, Phó chủ tịch UBND xã Hải Lâm (người đi trên ca nô cứu hộ), kể lại nhiều người trên ca nô cứu hộ đã rất xúc động khi chuyền tay nhau để bồng các cháu nhỏ.

Hơn 500 hộ dân bị nước ngập lút mái nhà, tỉnh Quảng Trị đưa ca nô đi cứu

Báo Thanh Niên tìm cách đến với các gia đình có người tử nạn

Chiều 10.10, ngay sau khi có sự ủng hộ từ ông Lâm Tấn Lợi ở TP.HCM số tiền 100 triệu đồng để chi cho việc hỗ trợ các trường hợp bị tử nạn do mưa lũ, PV Thanh Niên lập tức liên lạc với địa phương để đến động viên thân nhân cháu L.T.M.H (3 tuổi, trú thôn Câu Hà, xã Hải Phong, H.Hải Lăng) và ông L.H.A (61 tuổi, trú thôn Vân Hòa, xã Triệu Hòa, H.Triệu Phong), 2 nạn nhân tử vong trong lũ dữ ở Quảng Trị.
Tuy nhiên, mong muốn kịp thời thăm hỏi và chuyển phần quà hỗ trợ (5 triệu đồng/người) của bạn đọc Thanh Niên đã không thực hiện được, do khu vực nạn nhân tử vong đang bị cô lập do ngập sâu. Anh Nguyễn Trịnh Điển, Bí thư Huyện đoàn Triệu Phong, cho hay gia đình nạn nhân đang lo hậu sự.
“Nhưng việc chôn cất vào sáng 11.10 cũng sẽ vất vả, dù đã tìm được khu đất cao để an táng”, anh Điển nói.
Nguyễn Phúc
Có mặt hầu hết tại các điểm nóng cứu hộ, từ Hải Lâm cho đến Triệu Ái, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết địa phương đã “làm tất cả những gì có thể” suốt những ngày qua để cứu dân, đưa họ ra khỏi vùng nguy hiểm. Địa phương huy động gần như toàn bộ 40 chiếc ca nô và hàng trăm chiến sĩ quân đội, công an, dân quân tự vệ... vào cuộc, với tinh thần nếu còn người dân mắc kẹt ở vùng rốn lũ thì ca nô công an, biên phòng vẫn tiếp tục phải đi...

Nhiều nơi người dân thiếu hụt nhu yếu phẩm

Vùng hạ du Thừa Thiên-Huế cũng đang bị ngập trên diện rộng, khi mực nước sông Bồ đã vượt qua đỉnh lũ lịch sử năm 1999 đến 0,06 m (hiện ở mức 5,24 m so với 5,18 m của năm 1999). Nhiều vùng dân cư ở TX.Hương Trà, H.Phong Điền, H.Quảng Điền bị chia cắt, toàn tỉnh có đến 24.520 nhà bị ngập từ 0,2 - 1,2 m. Ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch TX.Hương Trà, xác nhận nước lũ sông Bồ đã nhấn chìm nhiều vùng dân cư của các phường Tứ Hạ, Hương Văn, Hương Xuân, Hương Chữ, Hương Vinh...
Trưa qua 10.10, lũ hạ lưu sông Bồ (Thừa Thiên-Huế) vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999, nhấn chìm nhiều vùng dân cư ẢNH: BÙI NGỌC LONG

Trưa qua 10.10, lũ hạ lưu sông Bồ (Thừa Thiên-Huế) vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999, nhấn chìm nhiều vùng dân cư

ẢNH: BÙI NGỌC LONG

Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, trên địa bàn tỉnh đã có 2 người thiệt mạng gồm anh Dương Phước Hải (31 tuổi, trú H.Phong Điền) do lật thuyền tại hồ Bàu Sen từ tối 7.10, đến chiều 9.10 mới tìm thấy thi thể; anh Phạm Văn Long (25 tuổi, trú H.Quảng Điền) do chìm đò ngày 10.10. Thừa Thiên-Huế cũng ghi nhận 6 người bị thương.
Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình hỗ trợ khẩn cấp cho người dân ẢNH: C.T.V

Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình hỗ trợ khẩn cấp cho người dân

ẢNH: C.T.V

Tại Quảng Bình, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, cuối giờ chiều qua vẫn còn nhiều địa bàn bị ngập do lũ rút rất chậm. Nặng nhất là tại H.Lệ Thủy, QL9C dẫn từ QL1 vào trung tâm huyện vẫn ngập sâu nên phải di chuyển bằng thuyền. Nhiều địa bàn thuộc các xã, thị trấn như Mỹ Thủy, Liên Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy, An Thủy, Sơn Thủy, Dương Thủy, Kiến Giang... ngập từ 0,5 đến gần 2 m. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các huyện Quảng Ninh, Minh Hóa. Lũ lớn kéo sang ngày thứ 3 khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu thực phẩm và nước uống, nước sinh hoạt...
Trong khi đó, TP.Đà Nẵng đang đối diện nguy cơ lũ quét và sạt lở đất vùng núi, ngập lụt lớn khu vực ven sông và vùng trũng thấp, đặc biệt là H.Hòa Vang và các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu. Nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn bị ngập. Riêng khu vực trung tâm thành phố cũng xuất hiện tình trạng ngập cục bộ.
 

Quân đội đưa sản phụ đến bệnh viện

Khoảng 15 giờ chiều 10.10, chị Nguyễn Thị Tường Vy (ở xã Đại Hưng, H.Đại Lộc, Quảng Nam) chuyển dạ. Lúc này, địa phương có mưa lớn, nhiều điểm trên tuyến đường đến Bệnh viện đa khoa miền núi phía bắc Quảng Nam bị ngập.
Nhận thông tin, Ban Chỉ huy quân sự H.Đại Lộc đã điều phương tiện cùng cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ; đến 16 giờ, chị Vy đến được bệnh viện an toàn sau khi vượt qua hơn 20 km bằng ca nô, xe tải của lực lượng cứu hộ và người dân.
Mạnh Cường 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.