Theo cáo trạng của Viện KSND, trong kỳ thi này Nguyễn Thanh Hoài (50 tuổi) và Vũ Trọng Lương (41 tuổi), là Trưởng và Phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, bị khởi tố và bắt giạm giam cùng về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị can Hoài được xác định đã đưa chìa khóa phòng chứa các bài thi để bị can Lương vào mở khóa niêm phong, lấy các bài thi trắc nghiệm rồi sửa chữa đáp án nâng điểm cho thí sinh (TS). Kết quả chấm thẩm định lại các bài thi do đoàn công tác của Bộ GD-ĐT tiến hành cho thấy, 114 TS với 330 bài thi có tổng điểm đã chênh lệch từ hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Nhiều TS có tổng điểm chênh lệch hơn 20 điểm so với chấm thẩm định. Cá biệt, có những TS được tăng lên 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với bài chấm thẩm định.
Ngoài ra, ông Phạm Văn Khuông (60 tuổi), Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, bị khởi tố về hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi được quy định tại điều 366 bộ luật Hình sự 2015. Cùng bị khởi tố về hành vi này còn có bà Lê Thị Dung (50 tuổi), cựu Phó đội trưởng Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ (Công an tỉnh Hà Giang). Trước khi bị khởi tố, bà Dung đã bị tước quân tịch.
Một phó giám đốc Sở GD-ĐT khác là bà Triệu Thị Chính (51 tuổi), cũng bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, quy định tại điều 358 bộ luật Hình sự 2015. Bà Chính là Phó chủ tịch hội đồng, Trưởng ban Chấm thi của Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang, người trực tiếp điều hành tổ xử lý bài thi trắc nghiệm - nơi được xác định phát sinh các hành vi gian lận điểm thi.
Trước đó, ngày 18.9 phiên tòa phải tạm hoãn do tòa triệu tập 177 người làm chứng nhưng chỉ 55 người có mặt. Trong đó, có sự vắng mặt của hai nhân chứng quan trọng là bà Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Giang và bà Tống Thị Phương, cô ruột bị cáo Vũ Trọng Lương.
Bình luận (0)