Nhà của anh Nguyễn Văn Thảo A. (42 tuổi, ở thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) như một cái chòi nằm lọt thỏm giữa khu đất có nhiều vườn tràm, chung quanh là những dự án, công xưởng của khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Anh A. tạm dựng lại nhà mới, sau khi nhà cũ đổ sập do bão số 13 hồi tháng 10.2020. Gia cảnh anh A. cũng đặc biệt: được bố mẹ cho đám đất rồi cất nhà ở riêng, sau khi ly dị vợ là nơi trú ngụ của anh và 2 con nhỏ (4 và 8 tuổi) đều bị bệnh, có cháu suy thận chuẩn bị phẫu thuật. Mới đây, anh “xin” được vào hộ nghèo nhưng hiện chưa nhận được kết quả phê duyệt.
|
Tại thôn Thủy Yên Thôn, xã Lộc Thủy (H.Phú Lộc), nhà của anh Mai Đình Đông (32 tuổi) cũng bị bão số 13 tàn phá làm tốc mái 100%. Do hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng anh dắt 3 con nhỏ vào TP.Đà Nẵng làm ăn, chờ có tiền sửa nhà mới quay về lợp lại. Lãnh đạo xã Lộc Thủy đã ghi nhận trường hợp này và lập danh sách (trong nhóm 7 hộ dân có nhà hư hại nặng) đề xuất lên UBND H.Phú Lộc hỗ trợ. Hộ dân nào nóng lòng dọ hỏi, lãnh đạo xã cũng chỉ trả lời là chờ UBND huyện phê duyệt, cấp kinh phí…
Áp dụng chưa đúng quy định?
Tình cảnh này cũng xảy ra tại nhiều địa phương khác của H.Phú Lộc. Nhiều hộ dân trong lúc chờ được hỗ trợ từ ngân sách đã huy động nhân lực, vật lực để sửa chữa nhà; người quá khó khăn thì phải vay mượn.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn H.Phú Lộc cho biết tổng cộng có 1.311 nhà dân thuộc 17 xã, thị trấn trên toàn huyện bị bão số 13 tàn phá, làm hư hại; kinh phí chính quyền các địa phương đề xuất hỗ trợ cho bà con ban đầu trên 4 tỉ đồng. Theo ông Hoàng Văn Đề, Phó chủ tịch UBND H.Phú Lộc, đến nay huyện chậm chi hỗ trợ cho người dân bị hư nhà, sập nhà do bão lũ là khâu xác định “hộ nghèo, cận nghèo”.
Sẽ rà soát toàn tỉnhNgoài H.Phú Lộc, tại Thừa Thiên-Huế hiện còn có H.Phong Điền vẫn chưa chi hỗ trợ cho người dân có nhà hư hỏng do thiên tai trên địa bàn năm 2020. Một lãnh đạo H.Phong Điền lý giải việc này do còn tính toán, bình xét mức độ hư hại bao nhiêu theo quy định rồi “tổng hợp và niêm yết danh sách”. Trong khi đó, ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, tỏ ra ngạc nhiên vì đến thời điểm này một số huyện chưa chi hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại nhà cửa do thiên tai vào cuối năm 2020. Ông Phúc cho biết sẽ rà soát lại công tác này trên toàn tỉnh và thông tin cụ thể.
|
Theo ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng NN-PTNT kiêm Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn H.Phú Lộc, việc chính quyền huyện căn cứ hộ dân hư nhà, sập nhà do bão lũ thuộc hộ nghèo, cận nghèo để xét duyệt chi hỗ trợ là dựa theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội). Theo đó, toàn huyện có 26 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo có nhà bị hư hại, sập đổ được đề xuất hỗ trợ trên 257 triệu đồng (nhưng hiện vẫn chưa chi hỗ trợ vì còn chờ Phòng LĐ-TB-XH “thẩm định, rà soát”). Trong khi đó, Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 5.11.2020 của Chính phủ quy định về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10.2020 ở một số địa phương miền Trung và Tây nguyên lại không hề quy định bắt buộc xét “hộ nghèo, cận nghèo” mà căn cứ mức độ nhà hư nặng, sập (trong tháng 10.2020) để xét hỗ trợ.
Chưa kể, ông Thông khẳng định việc chi hỗ trợ các hộ dân có nhà ở hư hại, sập trên địa bàn huyện do Ủy ban MTTQ VN H.Phú Lộc đảm trách và đã hoàn tất. Tuy nhiên, lãnh đạo Ủy ban MTTQ VN H.Phú Lộc lại… phủ nhận thông tin này và cho biết họ chỉ tiếp nhận, điều phối các nguồn hàng, vật chất đóng góp của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện hoặc cơ quan mặt trận cấp trên đưa về phân phối.
Bình luận (0)