Một công chức TP.HCM phục vụ 1.117 người dân

06/05/2020 17:31 GMT+7

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, công chức TP đang bị quá tải, mỗi công chức phải phục vụ khoảng 1.117 người dân, tính cả khách vãng lai đến TP.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa báo cáo Bộ Nội vụ kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy và quản lý, sử dụng biên chế công chức, người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và hợp đồng lao động giai đoạn 2015-2020.

Công chức bị quá tải

Theo đó, năm 2020, UBND TP.HCM được giao 10.405 công chức, 99.691 viên chức và 12.015 hợp đồng lao động, tổng cộng là 122.111 người. Nhiều năm liền, thành phố không được tăng biên chế so với yêu cầu nhiệm vụ và tốc độ tăng dân số gây khó khăn khi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Với quy mô dân số gần 9 triệu dân, đòi hỏi phải có bộ máy, nhân sự thực hiện nhiệm vụ chính trị và quản lý nhà nước theo yêu cầu. Hiện nay, khối lượng công việc đối với công chức hành chính đang bị quá tải, nếu tính cả khách vãng lai thì 1 công chức phục vụ khoảng 1.117 người dân trên địa bàn thành phố.

Cán bộ chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Q.2 giải quyết hồ sơ cho người dân

Ảnh: Sỹ Đông

Trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhiều trường hợp không nằm trong đối tượng quy định dẫn đến tỷ lệ tinh giản biên chế còn thấp...
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề xuất Bộ Nội vụ xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao biên chế công chức phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện sắp xếp các cơ quan chuyên môn. Đồng thời, Chính phủ sớm thông qua Đề án thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện và Đề án thí điểm tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc UBND quận, huyện.

Sáp nhập nhiều đơn vị

Trong 5 năm qua, TP.HCM giảm 27 tổ chức trực thuộc các sở, 10 văn phòng, phòng, chi cục và tổ chức tương đương thuộc các tổ chức hành chính khác. TP.HCM hiện có 1.811 đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm các cả ban quản lý dự án.
Một trong những khó khăn khiến việc sắp xếp bộ máy còn chậm được TP.HCM chỉ ra là Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành T.Ư cho phép sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lập ở một số lĩnh vực nhưng các văn bản pháp luật chưa thay đổi nên thành phố chưa có cơ sở pháp lý để chủ động thực hiện. Bên cạnh đó, việc sắp xếp giảm đơn vị sự nghiệp công lập gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với khối giáo dục và đào tạo do thực tế cần tăng trường, tăng lớp để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Ngoài ra, việc sắp xếp tổ chức bộ máy liên quan đến việc bố trí nhân sự, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nên cần phải cân nhắc, tính toán thật kỹ. “Đây cũng là một trong các nguyên nhân thành phố quan tâm, cân nhắc dẫn đến việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP.HCM còn chậm”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết.
Dự kiến trong giai đoạn 2020-2021, TP.HCM sẽ sắp xếp, tinh gọn bộ máy đối với 4 tổ chức gồm: Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông, Ban Quản lý (BQL) Khu đô thị mới Tây Bắc, BQL Khu đô thị mới Nam thành phố và BQL Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Một số trung tâm, tạp chí trực thuộc các Sở TT-TT, Sở KH-CN và Văn phòng UBND TP cũng sẽ được sáp nhập. Tại các huyện ngoại thành, 3 đơn vị gồm: Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể dục-Thể thao và Đài Truyền thanh huyện sáp nhập thành 1 đơn vị còn các quận thì sáp nhập Trung tâm Văn hóa với Trung tâm Thể dục-Thể thao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.