Sáng 18.11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xây dựng. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng hiện nay khi thông qua quy hoạch một đô thị, thậm chí một quận, một khu đô thị thì làm rất nghiêm túc song những điều chỉnh quy hoạch sau đó thì rất đơn giản. Theo Bộ trưởng Thể, việc chỉ cần UBND địa phương cùng 1 - 2 sở, ngành cũng có thể điều chỉnh quy hoạch đã được thông qua bằng cả hội đồng thẩm định với ý kiến của các bộ, ngành sẽ làm phá vỡ quy hoạch.
“Đừng để người dân tới tới, lui lui nhiều”
Năm 2025: 90% dân số miền núi sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinhChiều 18.11, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn với 89,44% ĐB tán thành. Đề án đặt mục tiêu, tới năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm giảm trên 3%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% số dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% dân số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh… Định hướng mục tiêu đến năm 2030: thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hằng năm thu hút 3% lao động sang làm các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đến 2030, có 40% lao động người dân tộc thiểu số biết làm các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ.
|
Cũng liên quan tới vấn đề quy hoạch trong xây dựng, đại biểu (ĐB) Vũ Trọng Kim (Hải Dương), Ủy viên Ủy ban Tư pháp QH, cho rằng điều quan trọng nhất là thông tin quy hoạch cho người dân phải làm theo công nghệ mới, “đừng để người dân tới tới, lui lui nhiều”. “Phải có phần mềm để cung cấp đầy đủ thông tin quy hoạch trên địa bàn tỉnh, thành...”, ông Kim nói và cho rằng, đây là điều thiết thực nhất, cần phải bổ sung vào dự án luật Xây dựng đang được sửa đổi vì hiện nay người dân hỏi thông tin xây dựng, quy hoạch nhưng nhiều tháng trời không được trả lời.
Cách chức cán bộ trước khi “cắt ngọn” công trình vi phạm
Cũng liên quan tới luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xây dựng, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhận định, tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện rất lớn nếu các quy định trong luật có sự thống nhất, đồng bộ với pháp luật có liên quan theo hướng tạo được sự thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp than rằng hành trình thủ tục vẫn quá dài. Đối với một dự án lớn có khi thời gian hoàn thành thủ tục mất đến 3 năm, làm lỡ hết cơ hội kinh doanh”, ĐB Trần Hoàng Ngân phản ánh, đồng thời cho rằng nên cân nhắc kỹ các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
ĐB Vũ Trọng Kim thì bày tỏ không đồng tình khi dự luật quy định “Bộ trưởng tiến hành phân cấp công trình xây dựng, phân loại dự án”. Theo ông Kim, việc chia ra từng công đoạn cấp giấy phép, hoàn công, sổ đỏ đang làm người dân khốn khổ. “Cho giấy phép xây dựng xong đến khi hoàn công lại làm bộ hồ sơ khác rất phức tạp, rồi phải làm lại sổ đỏ khi đã có tài sản trên đất. Tại sao không gom làm một? Cấp giấy phép xây dựng thì đi kèm theo bộ hồ sơ hoàn công và sổ đỏ, quyền sử dụng đất và tài sản trên đất”, ông nói và nhấn mạnh “hành hạ người dân mới có chuyện chia cắt như thế”. Theo ông Kim, các bộ giải thích là công việc của nhiều cơ quan, tuy nhiên ông đề nghị các bộ phải thảo luận để liên thông, giải quyết cho dân.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thì nêu vấn đề “cắt ngọn” các công trình xây dựng vi phạm, vốn đang rất “nóng”. Ông đồng tình phải giữ tính nghiêm khắc của luật pháp khi xử lý các công trình sai phạm, nhưng việc phải “cắt ngọn” công trình “chỉ là giải pháp tình thế, quan trọng nhất là làm sao để việc đó đừng xảy ra”. “Trước khi “cắt ngọn” công trình vi phạm, phải cách chức cán bộ có thẩm quyền để xảy ra vi phạm”, ông Trí nói.
Bình luận (0)