Bộ trưởng Giao thông: 'Một vài cá nhân điều chỉnh, phá nát quy hoạch, gây bức xúc xã hội'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
18/11/2019 15:41 GMT+7

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, hiện nay việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ đang được thực hiện dễ dàng bởi một vài cá nhân, sở, ngành, dẫn đến phá nát các quy hoạch đã được thông qua trước đó.

Thảo luận tại tổ về luật Xây dựng sửa đổi sáng 18.11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, hiện nay khi thông qua quy hoạch một đô thị, thậm chí một quận, một khu đô thị làm rất nghiêm túc, song những điều chỉnh quy hoạch sau khi quy hoạch đã được công bố lại làm rất đơn giản.
“Chỉ cần ủy ban nhân dân địa phương cùng 1 - 2 sở, ngành cũng có thể điều chỉnh quy hoạch đã được thông qua bằng việc lấy ý kiến các bộ, ngành, hội đồng kiến trúc, hội đồng phản biện, ủy ban nhân dân các cấp rà soát rất kỹ lưỡng. Điều này sẽ phá vỡ quy hoạch”, ông Thể phân tích.
Từ đó, người đứng đầu ngành giao thông vận tải đề xuất, khi điều chỉnh quy hoạch thì cấp nào ban hành quy hoạch, hội đồng bao nhiêu người, cơ quan thông qua thì cũng phải có một hội đồng tương ứng như thế đồng ý mới được điều chỉnh để đảm bảo tính khách quan, “tránh tình trạng một vài cá nhân điều chỉnh khu A, khu B phá nát quy hoạch, dẫn đến ùn ứ giao thông, gây bức xúc trong xã hội”.
Dẫn chứng hiện tượng quy hoạch một khu đô thị được thông qua mật độ nhà cửa, khu công viên, công cộng rất rõ, nhưng đến khi nhà đầu tư lớn thay đổi cục bộ dẫn đến mất diện tích cây xanh, diện tích công cộng, Bộ trưởng Thể chỉ rõ, bất cập hiện nay là những thay đổi này chỉ có một số lãnh đạo, một số sở, ngành tự điều chỉnh, chứ hội đồng thẩm định quy hoạch trước đó hoàn toàn không biết.
"Chính việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch quá dễ nên họ sử dụng quyền đó làm quy hoạch không tốt. Do đó, chúng tôi đề nghị những công trình lớn, đô thị lớn nên chăng có quy định chặt chẽ theo hướng hội đồng nào, cấp nào thông qua quy hoạch thì khi điều chỉnh, phải có hội đồng tương ứng đồng ý, tránh xé lẻ làm phá đi quy hoạch”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề xuất.

Người dân hỏi thông tin quy hoạch nhưng mấy tháng không được trả lời

Cũng liên quan tới vấn đề quy hoạch xây dựng, đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương), ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội, thì cho rằng điều quan trọng nhất là thông tin quy hoạch cho người dân phải làm theo công nghệ mới, “đừng để người dân tới tới lui lui nhiều”.
“Phải có phần mềm để cung cấp đầy đủ thông tin quy hoạch trên địa bàn tỉnh, thành. Cái này không mất nhiều tiền, chỉ cần cái tâm của người lãnh đạo, giúp người dân không phải loay hoay chuyện nhà mình ở chỗ này được không, mua sắm đất đai, nhà cửa chỗ kia có phù hợp không”, ông nói và đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường và thành phố Hà Nội cũng phải tham gia trả lời khi nào Hà Nội có quy hoạch nằm trên phần mềm, và “tại sao TP.HCM làm được mà Hà Nội không làm được”?

Đại biểu Vũ Trọng Kim phát biểu thảo luận

Ảnh Ngọc Thắng

Theo ông Kim, đây là điều thiết thực nhất, cần phải bổ sung vào dự án luật Xây dựng sửa đổi vì hiện nay người dân hỏi thông tin xây dựng, quy hoạch nhưng mấy tháng trời không được trả lời.
Bên cạnh đó, theo ông Kim, có thực tế, nhiều người dựa trên văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước chuẩn bị hồ sơ xây dựng, thấy mảnh đất đó xây được nhà 15 - 20 tầng thì quyết định mua để xây dựng, nhưng làm xong hồ sơ, gửi lên chủ tịch ủy ban nhân dân địa phương đó thì chủ tịch lắc đầu ra thông báo luôn là đường này giờ không được xây dựng công trình cao 15 tầng.
Ông Kim phản ánh, sự việc này công dân gửi văn bản kiến nghị thì nơi tiếp công dân nói công dân đúng, chủ tịch nhận trách nhiệm nhưng rồi để im 2 năm không nói gì. “Chính quyền gì mà lạ kỳ! Nói một đằng làm một nẻo. Cái này bắt nguồn từ ngành xây dựng. Nên ngành xây dựng phải trung thành với văn bản mình đã ban hành, nếu có thay đổi thì phải đăng tin, công báo trong thời gian nhất định để người dân biết”, ông Kim đề xuất.

"Hành hạ người dân mới có chuyện chia cắt như thế”

Đại biểu Vũ Trọng Kim cũng bày tỏ không đồng tình khi dự luật quy định “bộ trưởng tiến hành phân cấp công trình xây dựng, phân loại dự án”. Theo ông Kim, việc chia ra từng công đoạn cấp giấy phép, hoàn công, sổ đỏ đang làm người dân khốn khổ.
“Cho giấy phép xây dựng xong đến khi hoàn công lại làm bộ hồ sơ khác rất phức tạp, rồi phải làm lại sổ đỏ khi đã có tài sản trên đất. Tại sao không gom làm một? Cấp giấy phép xây dựng thì đi kèm theo bộ hồ sơ hoàn công và sổ đỏ, quyền sử dụng đất và tài sản trên đất”, ông Kim nói, và nhấn mạnh “hành hạ người dân mới có chuyện chia cắt như thế”.
Cũng theo ông Kim, các bộ giải thích là công việc của nhiều cơ quan, tuy nhiên, ông Kim đề nghị các bộ phải thảo luận để liên thông, giải quyết cho dân. “Việc của bộ khác nhưng cùng nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, cùng chế độ vì dân, của dân, do dân thì phải thảo luận để giúp dân”, ông Kim nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.