Đó là thông tin cảnh báo được đưa tại cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai diễn ra sáng nay, 6.10, tại Hà Nội.
Vùng áp thấp trên Biển Đông sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết dự báo đến chiều tối nay, 6.10, vùng áp thấp trên Điển Đông sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo trong ngày mai, 7.10, áp thấp nhiệt đới này ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh nam Trung bộ.
Áp thấp nhiệt đới khi kết hợp với không khí lạnh tạo nên hình thái thời tiết nguy hiểm trong 10 ngày tới ở Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, gây ra mưa lớn kéo dài. Chỉ tính riêng lượng mưa ngày và đêm nay, ở khu vực này có khả năng đạt 200 mm. Dự báo, tổng lượng mưa trong 10 ngày tới ở một số khu vực ở miền Trung, cụ thể từ Hà Tĩnh đến Bình Đình, có thể đạt 500 - 1.000 mm.
Cũng theo ông Mai Văn Khiêm, dự báo đến khoảng ngày 11 - 13.10, sẽ có thêm một áp thấp nhiệt đới tiếp tục gây ra đợt mưa lớn thứ hai ở các tỉnh Trung bộ.
Tại cuộc họp, ông Vũ Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, lưu ý dự báo sẽ có 2 đợt mưa lớn liên tiếp ở các tỉnh Trung bộ. Đây sẽ là nguy cơ xuất hiện lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng trong thời gian kéo dài, đã từng xảy ra những năm trước.
Trước diễn biến mưa lũ phức tạp này, ông Thành đề nghị đôn đốc các tỉnh trong vùng cảnh báo có mưa lớn ở khu vực Trung bộ cần sẵn sàng phương án "sống chung" với lũ, đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho người dân trong điều kiện ngập lụt, mưa lũ kéo dài.
Chuẩn bị hạ tầng cho người dân tránh trú khi có ngập lụt
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho biết diễn biến không khí lạnh và vùng áp thấp đang mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đang đặt ra tình huống ứng phó thiên tai trên địa bàn rất rộng; không chỉ là mưa lũ ở các tỉnh Trung bộ mà các tỉnh Bắc bộ cũng đang có các nhà máy thủy điện đang phải duy trì xả lũ.
Trong đó, ông Hoài nhấn mạnh, dự báo mưa lớn đến 1.000 mm ở Trung bộ là tình huống vô cùng phức tạp, sẽ gây ra lũ lụt diện rộng. Các thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai phải tập trung đôn đốc, lập đoàn kiểm tra tại các địa phương yêu cầu bảo vệ cơ sở hạ tầng trường học, bệnh viện, trạm xá, các khu vực công cộng… để làm nơi tránh trú cho người dân khi có ngập lụt kéo dài.
Đối với giao thông trong mưa lũ, ông Hoài yêu cầu Bộ GTVT phải có phương án đảm bảo sẵn sàng trong tình huống QL1A, đường Hồ Chí Minh… bị cô lập, chia cắt do lũ lụt; phối hợp với các địa phương đảm bảo an toàn cho học sinh đi học an toàn trong mưa lũ.
Ông Hoài cũng lưu ý, trong năm 2016 từng xuất hiện ngập lụt có nơi sâu đến 3 - 4 m kéo dài đến 2 tháng. Trong khi khu vực Trung bộ hiện có quy mô chăn nuôi, sản xuất rất lớn với hàng nghìn trang trại. Công tác ứng phó ở các địa phương phải tính đến sơ tán vật nuôi, trang thiết bị… bảo vệ sản xuất, tài sản khi có tình huống mưa lũ kéo dài.
Bình luận (0)