Nghề biển bây giờ…

Phạm Anh
Phạm Anh
17/09/2019 06:30 GMT+7

Đánh bắt xa bờ thì ngư trường ngày càng khan hiếm, bị tàu Trung Quốc rượt đuổi. Biển gần bờ lại ô nhiễm, cạn kiệt. Hải sản đưa về đến bờ thì bị đầu nậu o ép...

Đó là chưa kể những rủi ro như tai nạn trên biển, hỏa hoạn... đã đẩy ngư dân vào cảnh lo trước nghĩ sau, đánh đổi cả mồ hôi, nước mắt và máu.

Làm 30 năm, cháy trong vài giờ

Hơn nửa tháng, kể từ khi xảy ra vụ cháy tàu câu mực QNg 90972 TS, ông Nguyễn Đình Hiệp (55 tuổi) ngụ xóm Cù Lao, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) chẳng mấy khi ra khỏi nhà. Sáng nào ông cũng mang gương mặt buồn, ngồi trên bộ salon gỗ đã cũ, mắt đăm đăm nhìn xa, vô định. Ông Hiệp sợ những ai hỏi về tàu câu mực của mình. Đó là một chiếc tàu lớn, công suất trên dưới 900 CV, dài 24 m, rộng 7,2 m và cũng là tâm huyết hơn nửa đời đi biển của ông. Giờ nó đã thành tro bụi, nằm ở cửa biển Sa Cần.
“2 chuyến biển trong năm, tính toán với anh em xong, tui kiếm được vài trăm triệu đồng. Tui mang hết tiền ra sửa chữa lại tàu, hy vọng chuyến cuối trong năm khấm khá, cho anh em bạn (người làm công trên tàu) ăn tết. Chuẩn bị dầu, lương thực, thực phẩm, tui nổ máy đợi anh em ra bến là đi. Ai ngờ điện xẹt ra. Cháy rụi…”, ông Hiệp trầm giọng. Vợ ông Hiệp, bà Trần Thị Thường (50 tuổi), nước mắt vắn dài, tiếc tài sản một phần, thương chồng đến hai phần, bởi một đời chí thú làm ăn trên biển, giờ ông chỉ còn lại bộ đồ trên người với hai bàn tay chai sần.
“Lo cho vợ, nuôi 4 đứa con ăn học. Cặm cụi hơn 30 năm đi biển, mơ sắm được chiếc tàu. Đến khi có tàu riêng, nó lại cháy chỉ trong vài giờ”, bà Thường cố gắng diễn đạt. Nước mắt cứ rịn ra dài theo vết nhăn mới xuất hiện trên gương mặt phúc hậu của người đàn bà xứ biển. Bà Thường nói, hôm đó nếu không có anh tài công cứu, thì 33.000 lít dầu trên tàu đã thiêu cháy cả ông Hiệp. Đứa con gái thứ 4 đang học năm thứ 3 Trường đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, về thăm nhà rồi cứ nấn ná không chịu trở lại trường học. Bởi nhìn cảnh tàu cháy, ba mẹ suy sụp, nợ chất chồng, ai nỡ bỏ ba mẹ mà đi giờ này.
Tàu cháy xem như khoảng 5 tỉ đồng cũng cháy theo. Chưa kể tổn phí nhiên liệu, lương thực và tiền tạm ứng cho 44 bạn đi tàu (từ 10 - 50 triệu đồng/người), tổng cộng khoảng 2 tỉ đồng nữa. Ông Hiệp từ chủ tàu trở thành người gánh nợ trên lưng. Nghề biển là vậy, chủ tàu phải lo tất tần tật cho bạn đi tàu. “Thương anh em, có người chỉ đi lần đầu, giờ cháy hết biết lấy gì để sống”, bà Thường chốc chốc lại nhắc thương anh em bạn, quên mình đang bị nợ bủa vây.
Nghề biển bây giờ…1

Vợ chồng chủ tàu Nguyễn Đình Hiệp thất thần sau vụ tàu câu mực bị cháy

Ôm tàu đợi giá

Ở ngoài bãi xóm Cù Lao có hai bạn tàu theo ông Hiệp kiếm ăn. Ông Hồ Phiến (44 tuổi) cho biết, trước đây ông cũng đi biển, nhưng thương con nhỏ nên ở nhà làm thợ đóng tàu. 5 năm sau, khi con cái đã lớn, ông Phiến trở về nghề đi biển. Vét túi hơn 30 triệu đồng, ông sắm thúng câu mực, lưới, câu, đèn… để theo tàu cá của ông Hiệp chuẩn bị ra khơi, ai ngờ cùng bị cháy hết. Giờ ông Phiến lại trở về nghề đóng tàu.
“Nghề này bữa đực bữa cái, thu nhập không ổn định, nhưng giờ không biết làm sao”, ông Phiến nén tiếng thở dài.
Còn ông Nguyễn Trung (49 tuổi), thấy tôi hỏi, cứ né tránh, mặt cúi xuống tô bún đang ăn giữa buổi. “Chuyến đầu được 50 - 60 triệu đồng. Chuyến thứ hai được 30 triệu đồng, chỉ đủ múc lên đổ xuống. Chuyến thứ ba thì tàu ông Hiệp cháy…”, ông Trung nói nhỏ.
Ra cửa Sa Cần, xã Bình Thạnh, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi), thấy dấu vết tàu câu mực cháy còn đó. Gặp một ngư dân từ bờ biển bước lên, tôi hỏi về nghề mực bây giờ. “Thôi thôi đừng hỏi mực với tôm. Chất đầy tàu dưới đó, bán được đâu!”, anh ngư dân quăng cái mũ vải xuống yên chiếc xe máy, lẩm bẩm bực bội.
Lúc này có chủ tàu Trần Văn Dân (50 tuổi) vừa chèo thuyền thúng vào bờ, đã quay thúng đưa chúng tôi ra biển, mục sở thị tàu câu mực 95267TS, công suất 550 CV của ông. Lật nắp hầm, ông Dân cho thấy cả hầm mực chừng hơn chục tấn.
“Tàu đi khoảng tháng rưỡi ở biển Trường Sa, nghe trong bờ báo ra mực giá rẻ nên anh em không chịu đánh bắt nữa, ngày nào cũng nhậu. Vậy là đành quay về nên chỉ được ngần này thôi”, ông Dân nói.
Theo ông Dân, chưa bao giờ tàu mực từ khơi về nhẹ tênh như vậy. Khi trúng, tàu oằn mình trên sóng, chở 40 - 50 tấn mực, chủ tàu và bạn tàu hỉ hả. Khi ấy, tàu mực ghé bờ, chủ đầu nậu và các thương lái xúm vào mua, “tiền tươi thóc thật”, mỗi người cầm trong tay 70 - 80 triệu đồng, có khi cả trăm triệu đồng về nhà cho vợ.
Nhưng những khi “ế”, từ ngư trường đến giá cả, chủ tàu muốn ra khơi tìm đỏ mắt cũng không ra bạn đi. Đến nhà năn nỉ, cho mượn tiền, mượn tổn “ăn trước trừ sau” cũng chưa chắc có ai leo lên tàu. “Dạo này chỗ bến xuống tàu vắng tanh. Bạn đi thuyền không dám ra đây, sợ các chủ tàu chèo néo xuống tàu, không đi thì không được, vì còn nợ tiền (chủ tàu), mà đi thì sợ về tay trắng”, ông Dân chỉ nơi bến tàu lên xuống, vắng hoe không thấy bóng một ngư dân nào, nói. Rồi ông phân trần: “Tui ôm tàu đợi giá bán được mực mới ra khơi. Đợi hoài giá vẫn chưa phải chăng, mất tiền và mất cả bạn chài đi tàu”.
Nhớ hôm ở cửa Sa Kỳ, tàu đã nổ máy xuất bến, nhưng chủ tàu Đặng Tằm ở xã Bình Châu, H.Bình Sơn vẫn chưa thấy bạn chài nào. Để giữ 10 lao động đi biển chuyến này, ông Tằm phải rất “tử tế” từ ăn uống, nghỉ ngơi, trả trước thu nhập… Nghề biển khó khăn, lao động bây giờ làm "eo".
Nếu trước, họ năn nỉ xin đi tàu, thì nay chủ tàu năn nỉ họ, có khi phải trả hẳn chục triệu đồng, xem như tiền lận lưng trước lúc ra khơi. Đắng cay nhất vẫn là bạn vừa lên tàu, nhưng tàu rời bến vài trăm mét là bạn nhảy xuống bơi vào bờ, hoặc bơi qua tàu khác “có ăn” hơn.
Nghề biển bây giờ…2

Ông Trần Văn Dân buồn khi những chuyến câu mực về không bán được giá

“Đứt gánh” với biển gần bờ

Bao đời bám vùng biển ven bờ mưu sinh, nhưng chưa bao giờ nghề biển ở xung quanh Khu kinh tế Dung Quất thất bát như bây giờ. Phía sau lung linh ánh đèn của các dự án tiền tỉ ven biển là nỗi niềm của ngư dân sau những chuyến biển trở về vơi dần tôm cá. Ông Trần Minh (54 tuổi) ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận, H.Bình Sơn, bảo đã 3 đời đi biển, đến đời ông thì hết. Những đàn cá ven bờ đi đâu hết.
“Tôi phải bán tàu. Buồn, nhưng vì biển thất thu. Nước thì ô nhiễm, nên cá tôm nào ở được”, ông Minh thở dài.
Ngư dân Lê Minh Hà, cũng ở thôn Tuyết Diêm 2, cho biết không chỉ tôm cá ít, mà tàu thuyền ở đây lâu lâu lại đụng vào các cọc nhồi bê tông sắt của doanh nghiệp neo sà lan. Có hôm, lưới thả buổi sáng, trưa ra không thấy đâu. Khi tìm được lưới thì rách te tua, do bị tàu sắt của các doanh nghiệp cuốn đi. Thiệt hại mà không biết khiếu nại ai.
Theo ông Tạ Văn Minh, Phó chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cả xã có 200 chiếc tàu thuyền (tổng công suất gần 5.000 CV) với 1.500 hộ sống bằng nghề biển, nay đã giảm hàng chục tàu thuyền so với năm 2016. Mỗi năm, do ngư trường ven bờ thu hẹp, số lượng ngư dân và tàu thuyền cứ ít dần.
“Họ bán tàu, treo thúng, bỏ nghề nên sản lượng khai thác thủy sản mỗi ngày cũng sụt giảm. Mai mốt nếu không hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con, thì đời sống người dân sẽ khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi”, ông Tạ Văn Minh nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.