Nghẹn ngào 'bức thư Gạc Ma'

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
19/03/2020 19:00 GMT+7

Trong dòng chảy bi tráng về những người anh hùng Gạc Ma của 32 năm trước, có những câu chuyện, những kỷ vật hóa thành bất tử.

Như tại thời khắc anh hùng liệt sĩ - thiếu úy Trần Văn Phương (SN 1965, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma) kiên cường ngã xuống, thì bức thư anh viết vội mấy ngày trước còn chưa kịp đến quê nhà Quảng Bình.

"Dù có hy sinh con cũng không sợ"

Đọc đến câu đó trong bức thư của thiếu úy Phương sau 32 năm trời, tôi thấy cay nơi khóe mắt. Bởi nó như lời truy điệu sống của bản thân anh, bởi chủ nghĩa anh hùng cách mạng quá đỗi lớn lao trong con người của anh. Thà hy sinh chứ không thà mất nước là vậy.
Thư mở đầu,
Cam Ranh 8.3.1988
“Ba má kính quý! 3 em thương nhớ!”
Sau những dòng thăm hỏi, tâm sự, thiếu úy Phương bắt đầu kể về tình hình bản thân và đơn vị. Trong những ngày đó, tình thế ở Trường Sa rất căng thẳng bởi sự dã tâm của kẻ địch; Trung Quốc đã chiếm được 1 đảo.
“Ba má kính nhớ của con! Nếu như thư trước ba má không nhận được thì nay con nói tình hình cho ba má được biết. Hôm vào Đồng Hới, tối có tàu con nhảy đi luôn, ngày 13 là có mặt ở đơn vị. Nói chung trên đường đi cho đến vào đơn vị đều an toàn không có việc gì xảy ra. Sức khỏe của con nay trở lại bình thường rồi, còn tình hình đơn vị nếu như ba má nghe đài xem báo thì sẽ biết hiện nay cả nước đang tập trung về Trường Sa; các đơn vị hải quân đang tập trung sức người sức của về đây để chi viện cho Trường Sa. Riêng đơn vị đang báo động chiến đấu khẩn cấp. Vì thế mà tình hình hiện nay rất nghiêm trọng.
Hiện nay Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến và quân đổ bộ đã chiếm được 1 đảo mới nổi của ta và còn định chiếm nhiều đảo khác nữa. Vì thế mà ta đang tổ chức lượng quân để bảo vệ đảo. Con được giao nhiệm vụ chỉ huy 1 lực lượng theo tàu đi ra ngoài đó. Con đã lên tàu rời bến vào lúc 10 giờ tối ngày mồng 4 dương, đi được 1 ngày rồi nhưng vì biển động sóng to quá say sóng mèm cả. Thấy nguy hiểm quá tàu phải quay trở vào nên con mới có điều kiện viết lá thư này thăm ba má các em. Khoảng tối nay hoặc tối mai con lại đi tiếp, đối với con vui vẻ nhận nhiệm vụ lên đường đi bảo vệ tổ quốc, dù có hy sinh con cũng không sợ. Con đi đợt này khổ lắm ba má ạ!”.

Bà Đức thắp hương giỗ con trong ngày 14.3

Ảnh: Trương Quang Nam

Ngay từ lúc lên đường, thiếu úy Phương đã xác định những ngày tháng gian khó phía trước. Anh viết: “Ba má kính nhớ của con! Trước lúc con ra đi con chỉ dặn lại ba má như thế này, khi ba má nhận được thư này của con thì ba má không phải viết thư trả lời cho con nữa, con không nhận được đâu. Bởi vì con đi chưa biết ở chỗ nào, không có địa chỉ. Và ba má cũng đừng trông thư con nữa, ở ngoài đó điều kiện đi lại khó khăn lắm, 5 – 6 tháng mới có 1 chuyến tàu. Nên ba má đừng mong thư con nữa, còn con đi không biết mấy tháng nhưng khả năng cũng nhanh thôi, chừng nào con được vào đất liền con lại về phép thăm ba má các em".
Những dòng kết của thư cho thấy sự khẩn trương, vội vàng: “Con có mấy dòng tâm sự cùng ba má các em vậy, thời gian ngắn quá rồi con phải đi chuẩn bị ít hàng để lên tàu đây. Cho con được phép dừng bút”.

Tin báo như sét đánh ngang tai 

Có ai không sợ chết chứ. Thiếu úy Phương viết vậy phần để động viên gia đình yên tâm nơi quê nhà, phần thể hiện lòng yêu nước và sự căm phẫn kẻ địch xâm lăng; chấp nhận hy sinh để bảo vệ tổ quốc.
Và như định mệnh, 6 giờ sáng 14.3.1988, chiến sự nổ ra, các chiến sĩ công binh bảo vệ đảo dưới sự chỉ huy của thiếu úy Trần Văn Phương đã kiên quyết bảo vệ cờ Tổ quốc, không chịu rút lui trước họng súng quân thù. Lính Trung Quốc nổ súng bắn anh Phương ngã xuống. Máu của anh hòa vào biển Gạc Ma. Hình ảnh thiếu úy Phương và ngọn cờ đỏ sao vàng trở thành biểu tượng bất tử.
Tin dữ được thông báo trên Đài tiếng nói Việt Nam, có người nghe được đã đến nói lại cho bà Hồ Thị Đức (nay ở P.Quảng Phúc, TX.Ba Đồn, Quảng Bình; mẹ của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - liệt sĩ Trần Văn Phương). “Khi nghe đài đưa tin Phương hy sinh thì như sét đánh ngang tai, tôi ngất đi, lúc đó tôi không biết gì nữa cả. Tôi rất đau khổ, rất thương đứa con đầu. Anh em ở trên Ba Đồn nghe tin liền xuống đưa tôi vào nhà cấp cứu. Còn ông ấy (cha của liệt sĩ Phương - PV) thì thành điên thành dại, ông nằm lăn lóc giữa sân, ai đến ông cũng đòi đuổi đi”.

Tuổi trẻ Ba Đồn thăm hỏi, động viên gia đình anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương

Ảnh: Trương Quang Nam

Một thời gian sau, gia đình bà Đức nhận được giấy báo tử con. Đặc biệt, gia đình bà nhận được bức thư tay nói trên. Cầm thư con mà bà Đức nghẹn đắng lòng, càng nghe đọc, mắt bà càng nhòe đi. Bức thư gần như là kỷ vật duy nhất của liệt sĩ và bà cất kỹ từ đó cho đến nay. Gặng hỏi, bà mới mang ra cho tôi xem.
32 năm, quãng thời gian đằng đẵng nhưng bà Đức vẫn không nguôi nhớ con trai của mình. Đến nay, bà Đức rất tự hào vì đã có người con hy sinh cho tổ quốc, bảo vệ tổ quốc. Ai hỏi gì, bà đều nói đến hai chữ: Tự hào.

Viết tiếp những trang sử hào hùng

Trong trận chiến ở Gạc Ma ngày 14.3.1988, tỉnh Quảng Bình có nhiều liệt sĩ nhất với 13 người. Cứ đến dịp 27 - 28 tháng giêng âm lịch hằng năm, các gia đình thân nhân lại làm lễ cúng theo phong tục địa phương. Đặc biệt có những gia đình bày biện lễ cúng cho toàn bộ 64 liệt sĩ hy sinh ngày 14.3.1988 như ông Hoàng Nhỏ (bố của liệt sĩ Hoàng Văn Túy) hay gia đình liệt sĩ Trương Văn Hướng (cùng ở xã Hải Ninh, H.Quảng Ninh). Mâm cỗ có 64 cái bát, 64 đôi đũa tượng trưng cho 64 linh hồn anh hùng liệt sĩ ngã xuống trên vùng trời biển Gạc Ma. Có năm họ đặt bàn cúng ở trong nhà, có năm bày lễ cúng trên bờ biển Hải Ninh, mâm cúng hướng ra biển Trường Sa.

Đồng đội của liệt sĩ Trần Văn Phương dìu bà Đức ra Nghĩa trang liệt sĩ P.Quảng Phúc

Ảnh: Trương Quang Nam

Còn tại Nghĩa trang liệt sĩ P.Quảng Phúc (nơi yên nghỉ của liệt sĩ Trần Văn Phương), những năm gần đây, vào dịp 14.3, các tổ chức đoàn thể địa phương cũng tổ chức lễ tưởng niệm, tri ân chung cho 64 anh hùng liệt sĩ Gạc Ma. Có những năm, các cựu chiến binh là đồng đội cùng đơn vị với các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma và thân nhân của anh hùng liệt sĩ ở các địa phương khác cũng về Quảng Phúc dự lễ tưởng niệm; tạo không khí trang trọng, ấm cúng và đầy nghĩa tình.
14.3 này, đoàn viên thanh niên TX.Ba Đồn lại đến nghĩa trang thắp hương và thăm tặng quà cho mẹ Đức. Cứ như thế, lớp trẻ nối bước học tập theo gương các anh hùng liệt sĩ về đạo hiếu, về truyền thống cách mạng quê hương.

Bức thư anh hùng liệt sĩ Phương viết trước lúc lên đường ra Trường Sa

Ảnh: T.Q.N

Và bất cứ lúc nào, Trường Sa vẫn luôn ở trong tim của người trẻ, của những người cha mẹ, vợ và con của các liệt sĩ. Giọt máu của các ngôi sao bất tử Gạc Ma vẫn đã và đang ngày đêm miệt mài cống hiến cho mảnh đất địa đầu Trường Sa; người cầm bút, người cầm súng. Đó là Trần Thị Thủy (con của liệt sĩ Trần Văn Phương), là Nguyễn Mậu Trường và Nguyễn Tiến Xuân (2 người con của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong).
Trường Sa bây giờ không còn xa như ngày thiếu úy Trần Văn Phương và đồng đội lên đường, nhưng Trường Sa vẫn luôn là hai tiếng rất đỗi thiêng liêng!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.